Sau 10 năm nghiên cứu, một nhóm nhà khoa học Anh kết luận, bãi đá cổ Stonehenge – kỳ quan độc nhất vô nhị ở miền nam đảo quốc sương mù được xây dựng nhằm thống nhất các bộ tộc bất hòa của nước này.
Công trình nghiên cứu công phu trên được nhóm tác giả thuộc dự án Stonehenge Riverside (SRP) thực hiện nhằm bác bỏ những ý tưởng cho rằng quần thể đá chồng Stonehenge ra đời do những ảnh hưởng ngoài Trái đất hay là sản phẩm sáng tạo của người Ai Cập cổ hoặc thậm chí có liên quan tới ngày Hạ chí. Họ cũng phủ nhận các quan điểm rằng, đây là một đài quan sát thời tiền sử, đền thờ mặt trời, nơi chữa bệnh hoặc thánh đường của các tu sĩ cổ xưa. Nhóm nghiên cứu nhận định, các tảng đá cự thạch trong quần thể Stonehenge tượng trưng cho tổ tiên của nhiều thị tộc khác nhau tới cuối thời kỳ Đồ đá – giai đoạn được đánh dấu bằng các cuộc xung đột và bất đồng tôn giáo. Tờ Daily Mail dẫn lời giáo sư Mike Parker Pearson đến từ Đại học Sheffield và là trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết: “Khi Stonehenge được xây dựng, trong khu vực tồn tại một nền văn hóa phát triển rộng khắp hòn đảo – cùng một kiểu nhà, đồ gốm và các dạng vật liệu khác được sử dụng từ Orkney tới bờ biển phía nam. Điều này rất khác đối với chủ nghĩa địa phương của các thế kỷ trước. Việc xây dựng biểu tượng (Stonehenge) cũng hàm ẩn tinh thần mới về sự cộng tác. Bản thân Stonehenge là một công trình đồ sộ, đòi hỏi sức lao động của hàng ngàn người mới có thể di chuyển những tảng đá từ miền tây xứ Wales xa xôi tới, tạo hình và đặt chúng thẳng đứng. Bản thân công việc xây dựng cũng đòi hỏi mọi người phải tập hợp lại và đó cũng là một biểu hiện của sự đoàn kết”. Quần thể Stonehenge từng đóng một vai trò đặc biệt quan trọng đối với người Anh tiền sử vì vị trí tọa lạc đắc địa, nằm trên trục giữa các hướng bình minh giữa mùa hè và hoàng hôn giữa mùa đông. Giáo sư Parker Pearson tin rằng, đây có thể là lí do khiến người cổ xưa chọn nơi này để xây dựng Stonehenge vì nhìn nhận đây là trung tâm của thế giới. Tuấn Anh
|