Các nhà khoa học cho biết siêu lỗ đen có tên Sagittarius A* nằm tại trung tâm của Dải Ngân Hà đã hoạt động mạnh hơn trong những tháng gần đây.
Không thể quan sát thấy và cũng không thể trốn thoát nếu bị hút vào, các lỗ đen là những hiện tượng nguy hiểm nhất diễn ra trong vũ trụ. Trên thực tế, lỗ đen siêu trọng ở trung tâm Dải Ngân Hà dường như đang ngày càng trở nên “háu đói” hơn, đây là một tin có thể làm nhiều người cảm thấy lo ngại.
Các nhà thiên văn học theo dõi vật thể khổng lồ Sagittarius A* phát hiện thấy trong năm 2018, nó dường như đã “nuốt chửng” các vật chất xung quanh với tốc độ chưa từng có.
“Chúng tôi chưa bao giờ thấy bất cứ thứ gì như vậy trong suốt 24 năm nghiên cứu lỗ đen siêu trọng này,” Andrea Ghez, giáo sư vật lý và thiên văn học tại Đại học California, Los Angeles (Hoa Kỳ), tác giả chính của nghiên cứu cho biết. “Nó thường là một lỗ đen khá im ắng và yếu ớt, giống như đang ‘ăn kiêng’. Chúng tôi không biết điều gì đã khiến nó bỗng trở nên ‘phàm ăn’ như thế.”
Trong nghiên cứu mới nhất, nhóm các nhà khoa học đã phân tích hơn 13.000 hình ảnh quan sát được về lỗ đen trong 133 đêm kể từ năm 2003 thu được ở trạm quan sát Keck, Hawaii (Hoa Kỳ) và Kính thiên văn rất lớn của Đài thiên văn Nam Âu nằm ở Chile.
Bản thân lỗ đen không thể quan sát được bởi nó hút tất cả mọi thứ vào trong, kể cả ánh sáng. Tuy nhiên, chúng ta có thể phát hiện bức xạ phát ra từ khí và bụi ở rìa bên ngoài “chân trời sự kiện” (event horizon), khi chúng đang bị hút vào bên trong lỗ đen.
Video mô phỏng lỗ đen “nuốt chửng” một ngôi sao đi ngang qua, tỏa ra các tia X (xanh dương):
Nhóm nghiên cứu cho biết vào ngày 13/5 vừa qua, khu vực ngay bên ngoài điểm hút của lỗ đen đã trở nên sáng gấp đôi so với lần quan sát sáng nhất trước đó. Họ cũng phát hiện thấy những sự thay đổi lớn vào hai đêm khác trong năm 2019 với quy mô chưa từng có trong lịch sử, ông Ghez cho hay.
Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng sử dụng kỹ thuật xử lý toàn ảnh đốm hạt (speckle holography) để tái phân tích những hình ảnh quan sát cũ và mờ hơn từ 24 năm trước, qua đó, họ kết luận rằng mức độ sáng của siêu lỗ đen Sagittarius A* trong năm 2019 này là chưa từng có trong suốt 1/4 thế kỷ qua.
“Câu hỏi lớn được đặt ra là liệu lỗ đen này có bước vào một giai đoạn mới hay không… và liệu tốc độ khí bị hút vào lỗ đen đã tăng lên trong một khoảng thời gian dài, hay chúng ta chỉ đơn giản là nhìn thấy các vụ nổ của một vài đám khí bất thường,” Mark Morris, giáo sư vật lý và thiên văn học tại Đại học California, (Los Angeles, Hoa Kỳ), đồng tác giả của nghiên cứu trên cho biết.
Một giả thuyết cho rằng sự “háu đói” điên cuồng này có liên quan đến lần tiếp cận gần nhất với lỗ đen của một ngôi sao có tên S0-2 vào mùa hè năm 2018, và một lượng lớn khí từ ngôi sao này có thể đã bị lỗ đen siêu trọng Sagittarius A* hút vào trong năm 2019.
Một giả thuyết khác có liên quan đến một vật thể kỳ lạ có tên G2, nhiều khả năng là một cặp sao đôi (binary stars), đã từng tiếp cận lỗ đen Sagittarius A* lần gần nhất vào năm 2014. Theo ông Ghez, có thể lỗ đen này đã hút mất lớp ngoài của G2, qua đó khiến độ sáng tăng lên ở khu vực bên ngoài rìa lỗ đen.
Giả thuyết thứ ba lại cho rằng có một số thiên thạch lớn đã bị lỗ đen “háu đói” này “nuốt chửng”.
Lỗ đen Sagittarius A* cách Trái đất khoảng 26.000 năm ánh sáng và không gây nguy hiểm cho hành tinh của chúng ta.
Video ghi lại ánh sáng phát ra từ lỗ đen khổng lồ ở trung tâm Dải Ngân Hà mạnh bất thường:
Theo trithucvn