Linh hồn đi đâu khi chúng ta mơ? Nó vẫn còn trong cơ thể hay đi cùng chúng ta vào thế giới trong mơ để khám phá thế giới ấy? Văn hóa và quan niệm của người Mỹ bản xứ có thể lời giải đáp cho những câu hỏi này.
Trong văn hóa của người châu Mỹ bản địa, giấc mơ là một thứ rất quan trọng. Nó đã ăn sâu vào truyền thống và các nghi thức tâm linh của con người nơi đây. Trẻ em từ nhỏ được dạy ghi nhớ giấc mơ để có thể giải mã và hiểu được những chỉ dẫn từ giấc mơ đó.
Nhiều giả thuyết cho rằng chúng ta chỉ có một linh hồn. Tuy nhiên theo người châu Mỹ bản địa, con người có đến 3 linh hồn. Trong đó có một linh hồn điều khiển thân thể khi ở trạng thái tỉnh táo. Và một linh hồn tự do sẽ rời khỏi thân thể khi con người nằm mơ hay rơi vào trạng thái hôn mê.
Có thể thấy, người Mỹ bản địa tin rằng khi người ta mơ, một phần của linh hồn đã xuất ra và đi khám phá một không gian khác. Nó khởi tác dụng khi thân thể vật chất đang ngủ. Hai hồn kia vẫn ở lại thân thể trong khi linh hồn tự do sẽ đi vào thế giới trong mơ.
>>> Thổ dân da đỏ và những câu nói đáng suy ngẫm về cuộc sống loài người
Thế giới trong mơ
Người châu Mỹ bản địa cho rằng giấc mơ không phải là do tâm trí hay cơ thể thực hiện. John Thunderbird, một già làng giải thích: “Linh hồn của bạn mơ những giấc mơ đó; không phải cơ thể bạn, không phải tâm trí bạn. Những giấc mơ đó thực ra là thật. Linh hồn đi khắp thế giới khi bạn mơ”.
Họ tin rằng một phần của linh hồn sẽ ngắt kết nối với cơ thể vật chất và đi khắp thế giới trong mơ, ở nơi đó nó có thể giao tiếp với các linh hồn khác và thậm chí là cả linh hồn của những con vật. Thế giới giấc mơ cũng chân thật như thế giới thực vậy.
Các trải nghiệm chân thật trong mơ cũng giúp họ nhận thức được ý nghĩa của thế giới thực. Người châu Mỹ bản địa quan niệm rằng cuộc sống thực cũng chỉ là một giấc mơ dài, và qua đó mà họ hiểu rằng thế giới này chỉ là tạm thời. Điều này tương tự như quan niệm trong các tín ngưỡng của người phương Đông, cho rằng linh hồn là bất diệt, con người sống trên thế gian này bất quá cũng chỉ là mấy chục năm, sau khi hết mệnh lìa đời thì linh hồn sẽ rời khỏi thân thể, chuyển sinh thành một sinh mệnh khác. Như vậy đời người chẳng khác nào cũng như một giấc mơ.
Trong suy nghĩ của người châu Mỹ bản địa, không có sự khác biệt lớn giữa thế giới trong mơ và cuộc sống thực tai. Thực tế, nếu trong mơ ai đó bị một con vật cắn hoặc bị bệnh, thì họ có thể được một Thầy Mo chữa lành lại trong thế giới thực. Khi một người Mỹ bản địa tỉnh dậy sau một cuộc hành trình trong mơ, họ sẽ tìm đến một già làng để kể về nó. Sau đó, ông sẽ giải mã giấc mơ ấy và nói cho họ những gì Thần Linh đang muốn nhắn gửi đến họ, và cho họ lời khuyên.
Việc này giống như cách chúng ta thường đi gặp các nhà trị liệu hay thầy giáo của mình để tìm những lời khuyên cho những vấn đề trong cuộc sống, còn người châu Mỹ bản xứ thì đi gặp già làng để được giải mã các vấn đề họ gặp phải trong mơ.
Không như người hiện đại, giấc mơ là một phần văn hóa quan trọng không kém bất kỳ thứ gì khác trong cuộc sống thực tại của người châu Mỹ bản xứ. Đối với họ, giấc mơ không phải là những hoạt động ngẫu nhiên của tiềm thức, hoặc những hoạt động thần kinh vô nghĩa, bởi vì bạn đã du hành tới đó với một phần linh hồn của mình.
Người bản xứ tin rằng thế giới trong mơ là một thế giới có thật ở không gian khác. Giấc mơ không phải là chuyện đùa, và không nên xem thường. Vì đó được xem là phương thức truyền đạt chính mà Thần Linh có thể chỉ bảo con người.
Vậy trong giấc mơ linh hồn của chúng ta đi đâu? Một trong 3 linh hồn sẽ đi đến một vùng đất thiêng liêng để nhận sự chỉ bảo của Thần Linh, trong khi hai phần hồn còn lại vẫn ở trong cơ thể để giữ cho nó tiếp tục sống. Nếu người Mỹ bản địa đúng, thì chúng ta nên bắt đầu suy ngẫm lại những giấc mơ mỗi đêm. Biết đâu chúng có thể đang nắm giữ những câu trả lời mà bạn đang tìm kiếm.
>>> Vạn vật đều có linh: Người tu luyện nhìn thấy được sự tồn tại của linh hồn
>>> Bức thư chấn động nhân loại của thủ lĩnh da đỏ gửi đến Tổng thống Mỹ
Bảo Long, theo IA