Đến thì vui vẻ, đi thì buồn, dạo một vòng thế gian rồi cũng tay trắng. Trước khi sinh ra ta là ai, sau khi chết ta là ai? Liệu con người sau khi chết có linh hồn hay không? Sau khi chết rồi có nơi nào để về? Đây là vấn đề mà con người từ hàng nghìn năm nay luôn muốn trốn tránh, nhưng cuối cùng vẫn phải đối mặt.
Người chết 30 năm sống lại một lần
Cuốn ‘Tuyên thất chí’ ghi lại rất chi tiết một câu chuyện mượn xác hoàn hồn có thật: Giữa hai huyện Trần và huyện Thái có một người tên là Trúc Quý Trinh đã qua đời hơn 10 năm. Sau đó, người cùng làng là Triệu Tử Hòa cũng chết, mấy ngày sau bỗng nhiên tỉnh lại, lập tức đứng dậy chạy ra ngoài.
Vợ anh ta ngạc nhiên ngăn lại hỏi, Tử Hòa nói: “Ta là Trúc Quý Trinh, đâu quen biết ngươi? Ta phải trở về nhà mình.” Ngay cả giọng nói cũng không phải của Triệu Tử Hòa. Vợ anh ta liền đi theo đến nhà Trúc Quý Trinh. Người nhà của Trúc Quý Trinh nhìn thấy Triệu Tử Hòa đến, tưởng anh ta bị điên nên chửi bới và đuổi anh ta đi.
Tử Hòa nói: “Ta là Trúc Quý Trinh. Ta đã chết được 11 năm, bây giờ ta đã trở lại. Tại sao lại muốn đuổi ta đi?!”
Người nhà ghe giọng của anh ta, quả đúng là giọng điệu của Trúc Quý Trinh. Sau đó còn kiểm chứng bằng vài việc, liền khẳng định người này đúng là Trúc Quý Trinh. Vợ và các con của Trúc hoảng sợ hỏi Trúc, Trúc nói: “Kể từ khi ta rời bỏ nhân gian, đến nay đã gần 12 năm.
Sống ở nơi âm tào địa phủ, nhưng ngày nào ta cũng luôn mong ngóng được trở về gặp lại vợ con. Nhưng ở đó cứ 30 năm một lần, mới để người chết sống lại, để người đó đến nhân gian khuyến thiện, giảng giải về chuyện thiện ác và phúc họa.
Hôm qua ta đã cầu xin người phụ trách sổ sách giúp đỡ, để tên của ta được quan âm phủ để mắt đến, từ đó cho ta cơ hội sống lại.
Quan âm phủ hỏi ta: ‘Thi thể của ngươi đã thối rữa lâu rồi, phải làm sao đây?’
Người quản lý sổ sách bẩm báo: ‘Đồng hương của hắn là Triệu Tử Hòa vừa mới chết cách đây vài ngày. Tại hạ định cho hắn mượn xác hoàn hồn.’
Quan âm phủ đồng ý. Người quản lý sổ sách lập tức đưa ta đến nhà Triệu Tử Hòa, nên ta mới có thể sống lại.”
Sau đó Trúc Quý Trinh nói vanh vách về những chuyện khi mình còn sống, vợ anh ta mới tin và giữ anh ta lại. Kể từ đó, Trúc Quý Trinh không ăn rượu thịt, ăn mặc giản đơn, đi ăn xin giữa các huyện Trần – Thái và Nhữ – Trịnh, số tiền xin được dùng để xây dựng, tu bổ các ngôi chùa Phật và bố thí cho người nghèo đói.
Anh ta thỉnh thoảng trở về nhà, và dành phần lớn thời gian của mình đi khắp hang cùng ngõ hẻm trong thôn, dùng chính trải nghiệm cá nhân của mình để khuyến thiện về chuyện nhân quả báo ứng.
Nơi u minh cũng như dương gian, chỉ là quá hoang vắng nên khiến người ta cô quạnh
Trong ‘Ngọc đường nhàn thoại’ còn ghi lại câu chuyện có thật về việc con người sau khi chết có chốn để về hay không. Vào thời nhà Tấn có một vị Hữu ty viên ngoại lang tên là Thiệu Nguyên Hựu. Ông từng nói, Phan Mỗ – Tiến tấn quan của Hà Nam là người trung thành, cởi mở và đáng tin cậy.
Thiệu Nguyên Hựu và Phan Mỗ có quan hệ rất mật thiết. Có lần cùng nhau bàn về chuyện cõi âm, cả hai đều cảm thấy hoang mang, khó phân biệt đâu là thật, đâu là giả nên đã hẹn nhau: “Đến một ngày nào đó, trong hai chúng ta nếu có một người chết trước, nhất định phải kể chuyện dưới âm phủ cho người còn sống, để người còn sống không không còn hoài nghi thắc mắc nữa.”
Sau đó, Thiệu Nguyên Hựu và Phan Mỗ có việc nên phải chia cách nhau vài năm. Một ngày nọ, Thiệu Nguyên Hựu đột nhiên mơ thấy mình đến một nơi, đi về phía trước không xa, chỉ thấy gian nhà chính ở dưới chân trời phía đông, rèm cửa sáng sủa, sang trọng, giống như là nơi để tiếp đón khách.
Có một vài khách mời, Phan Mỗ cũng nằm trong số đó. Một người ở giữa, mũ áo uy nghiêm; ngồi ở bên phải những người khách hình như là một vị quan lớn. Thiệu Nguyên Hựu bước tới và cúi chào. Quan lớn yêu cầu ông ngồi xuống. Lúc này, Thiệu Nguyên Hựu nhìn thấy Phan Mỗ đang ngồi bên dưới, dáng vẻ cung kính. Thiệu Nguyên Hựu nói với quan lớn rằng Phan Mỗ là bạn cũ của ông. Vị quan lớn chỉ “Ừ” một tiếng, và ra lệnh cho người dâng trà.
Tiếng đáp lại vang lên trước mặt quan khách, nhưng không thấy người bưng trà lên. Bình trà đó rất lớn, Thiệu Nguyên Hựu định uống, Phan Mỗ vội vàng liếc ông một cái, sau đó nép người lại lén lút xua tay với ông, ra hiệu không được uống. Thiệu Nguyên Hựu hiểu ý nên không uống nữa.
Quan lớn lại hạ lệnh bưng rượu lên, tiếp đáp lại cũng vang lên trước mặt quan khách, nhưng không thấy người rót rượu. Cái giác đựng rượu này hình dáng rất cổ xưa, to một cách dị thường. Vị quan lớn vẫy vẫy tay với mọi người, sau đó liền uống một ly. Thiệu Nguyên Hựu cũng muốn uống, Phan Mỗ lại nép mình ra hiệu ngăn cản. Thiệu Nguyên Hựu không dám uống nữa.
Vị quan lớn bắt đầu ăn uống, trước mặt quan khách cũng bày đầy những chiếc bánh và nhiều đồ ăn mùi thơm ngào ngạt, khiến người ta phải chảy nước miếng. Thiệu Nguyên Hựu muốn ăn, Phan Mỗ lại ra hiệu ngăn cản. Một lúc sau, Phan Mỗ liếc mắt, bảo ông rời đi. Thiệu Nguyên Hựu lập tức cáo từ. Phan Mỗ nói với quan lớn: “Tại hạ và hắn là bạn cũ, hôm nay muốn đưa tiễn hắn một đoạn.” Vị quan lớn gật đầu đồng ý.
Thiệu Nguyên Hựu và Phan Mỗ bước ra khỏi gian nhà, lúc trò chuyện có nhắc đến ước hẹn về cõi âm khi xưa, nên Thiệu Nguyên Hựu hỏi Phan Mỗ: “Địa phủ thế nào?”
Phan Mỗ nói: “Chuyện cõi u minh, quả nhiên không thể nói nhăng nói cuội, nói thật là ở đây cũng gần như dương gian, chỉ là quá hoang vắng nên khiến người ta cô quạnh.” Nói xong, liền từ biệt rồi đi. Sau khi tỉnh dậy, Thiệu Nguyên Hựu dò la tin tức của Phan Mỗ, thì được biết Phan Mỗ đã chết nhiều ngày.
Mượn xác hoàn hồn trong thời hiện đại
Học giả người Tứ Xuyên Vương Ân Dương (1897-1964) ghi lại rằng: Khi ông vừa mới đi dạy học, từng nghe người bạn của mình là Uông Hưu Uyên kể lại, hơn nữa khi Uông còn nhỏ cũng từng nghe danh về người thầy dạy phụ đạo đó.
Người đó chính là một quan khảo thí, tự nhận rằng kiếp trước mình là một tú tài nghèo, chuyên dạy học kiếm sống, thọ hơn 60 tuổi. Vào ngày cuối năm, ông cầm số tiền lương 6.000 quan tiền về quê ăn tết, trên đường đi nghe thấy từ trong ngôi nhà cỏ có tiếng khóc thê lương văng vẳng, nên mới ghé vào để hỏi han, thì được biết gia đình nợ 6.000 tệ, không trả được, bị chủ nợ dồn ép nên phải bán vợ trả nợ, vợ chồng con cái không nỡ chia lìa, cả gia đình ôm nhau mà khóc.
Tú tài thương xót, vừa hay đúng bằng 6.000 quan tiền mình đang có, liền đưa cho họ trả nợ, giúp cả gia đình họ được đoàn tụ. Xong việc tú tài tiếp tục lên đường, không may bị ngã xuống vách núi chết. Ngay sau đó, tự cảm thấy mọi chuyện như một giấc mơ, vừa mở mắt ra thì thấy mình đang nằm trong một ngôi nhà của người giàu có, với bộ chăn bông đẹp đẽ và đồ đạc trang trí khá tinh xảo.
Một người phụ nữ lớn tuổi đứng cạnh giường ngạc nhiên thốt lên: “Con của ta đã sống lại!”, lại thấy hai người phụ nữ trẻ tuổi đang khóc, vội vàng tiến đến ôm chầm lấy ông, giống như thê thiếp của ông vậy. Hồi lâu mới biết là mình mượn xác hoàn hồn, trở thành công tử của gia đình này.
Người công tử này vốn dĩ vô cùng ngốc nghếch nên có mời một thầy về phụ đạo dạy dỗ, sau khi sống lại liền trở nên khá thông minh, văn thơ lai láng, thầy sinh nghi, nhiều lần vặn hỏi nguyên do, công tử mới kể lại chuyện hoàn hồn.
Sau đó, ông thi đỗ tú tài, cử nhân, tiến sĩ, được bổ nhiệm làm quan khảo thí. Sau khi nhậm chức, ông về quê thăm vợ con kiếp trước, mua đồ đạc nhà cửa cho họ. Câu chuyện được lan truyền, người đời lấy đó làm tấm gương tiêu biểu cho chuyện làm việc thiện sẽ được đền đáp.
Một trường hợp khác được ghi lại bởi pháp sư Nam Đình ở Đài Loan, Hoàng Đại Định – một sĩ quan quân đội cấp cao đã nghỉ hưu vào năm 1966, là người gốc Đông Bắc Trung Quốc. Hoàng phục vụ tại Cẩm Châu, vào mùa xuân năm Trung Hoa Dân Quốc thứ 36 (1947).
Sau khi hoàn thành các cuộc kiểm tra, thị sát tại khu vực trung đoàn huyện Tân Dân, ông muốn trở về Cẩm Châu. Huyện trưởng, cục trưởng cục cảnh sát huyện Tân Dân mời ông ở lại thêm một ngày, để xem sự việc mượn xác hoàn hồn xảy ra ở địa phương.
Con trai của một ông lão phụ trách nấu trà trong một rạp hát ở huyện thành Tân Xuân đã 40 tuổi, bị què, bán quẻ bói để kiếm sống. Vào năm Trung Hoa Dân Quốc thứ 34, ông chết vì bệnh vào mùa hè và được chôn cất tử tế. Vào mùa đông năm đó, mẹ ông đột nhiên nhận được một bức thư từ ga Tiểu Hao Tử, phía bắc Cáp Nhĩ Tân, người gửi nhận mình là người con trai đã mất, nói rằng rất nhớ bố mẹ và vợ, đồng thời gửi kèm một tờ ngân phiếu 500 tệ. Mẹ ông ta vừa hoài nghi vừa hoảng sợ, chạy đến nói với chồng, người chồng cho rằng vợ mình bị điên, nên xé lá thư ra từng mảnh và ném bức thư trên lửa.
Rằm tháng Giêng âm lịch, một đôi vợ chồng trẻ đến nhà bà lão quỳ lạy và gọi mẹ, nói rằng mình là người con trai mượn xác hoàn hồn. Sau khi chết, ông chỉ cảm thấy có hai người đưa ông vào không trung, vì nhớ gia đình nên đã van xin họ thả ra, sau đó chỉ cảm thấy như rơi xuống vực sâu thăm thẳm, tỉnh dậy thì thấy mình đã sống lại trong xác trạm trưởng trạm ga ở Tiểu Hao Tử, có một người vợ cả và một người vợ lẽ.
Trạm trưởng này ban đầu nói tiếng Nhật, nhưng sau khi sống lại thì lại không biết nói. Ông chỉ vào những bức ảnh treo trên tường nhà bà cụ, lần lượt nói tên những người trong ảnh và gia cảnh của họ khiến bà cụ không khỏi khó tin. Ông ta còn dẫn cậu con trai 17 tuổi ở kiếp trước của mình đến Cáp Nhĩ Tân để kiếm một công việc nhỏ cho cậu.
Có rất nhiều câu chuyện chứng minh sự bất tử của linh hồn. Từ xưa đến nay ở khắp mọi nơi đều có trường hợp người thật việc thật về vấn đề này, khiến người ta không muốn tin cũng không được. Vào những năm 1950, sự sống lại của một xác chết ở Đài Loan Chu Tú Hoa cũng từng gây rúng động thế giới.
Vậy mới thấy rõ, con người không chỉ có một kiếp, mà có nhiều kiếp khác nhau. Phật giáo giảng lục đạo luân hồi là có ý này. Con người phải biết hành thiện tích đức, không được phóng túng bản thân làm càn làm bậy, vì mọi việc làm trong đời này đều ảnh hưởng đến đời sau của chính mình.
Tử Vi