Linh cảm lâm sàng là một khái niệm phổ biến đối với rất nhiều bác sĩ và chuyên gia chăm sóc sức khỏe – hiện tượng này xảy ra khi họ “cảm thấy” có một loại trực giác hay linh tính nào đó về bệnh tình của bệnh nhân, ngay cả khi không có bằng chứng trên lâm sàng, xét nghiệm.
Hiện tượng này đóng vai trò quan trọng trong những trường hợp cấp cứu và trong các ca nguy hiểm đến tính mạng. Trong một số trường hợp, linh cảm cũng có thể dẫn đến việc phát hiện các phương pháp điều trị y học mới.
Dưới đây chúng tôi xin trích dẫn 7 trường hợp linh cảm có thật trong lịch sử y học hiện đại:
1. Câu chuyện dưới đây được chia sẻ trên trang web của Trung tâm Tâm linh và Điều trị trực thuộc trường Đại học Minnesota:
“Chứng kiến tình cảnh bệnh nhân mất máu ào ạt trên bàn mổ, bác sĩ chuyên khoa tim mạch, TS Mini Guernari, đã dành hàng tiếng đồng hồ để thử đủ mọi cách cầm máu cho bệnh nhân.
Sau đó, “đột nhiên tôi nghĩ tới một thứ tôi chưa từng sử dụng trước đây và cũng chưa bao giờ nghĩ tới : Gelfoam (1 chất hút nước có khả năng cầm máu)”. Câu trả lời mang tính trực giác này đã khiến cô chớp mắt liên hồi và tự hỏi không biết bản thân có đang gặp ảo giác hay không khi nhận thấy máu đã ngừng chảy. Gelfoam đã cứu sống bệnh nhân của cô”.
2. Còn câu chuyện dưới đây được chia sẻ trong một bài trên trang web của Quỹ Nghiên cứu Bệnh viện Nhi Seattle (Seattle Children’s Hospital Research Foundation):
“TS Daniel Rubbens là một bác sĩ gây mê. Ông muốn tìm kiếm câu trả lời cho ẩn đố xoay quanh Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (Sudden Infant Death Syndrome-SIDS).
Ông lắng nghe trực giác của mình và cố gắng phân tích mối liên hệ giữa những vấn đề về tai trong và hội chứng SIDS. Ông đã tham khảo ý kiến của các chuyên gia khác nhau có dữ liệu thống kê về trẻ. Ông đã phát hiện ra rằng tình trạng suy giảm thính lực tai phải, thường xuất hiện ở những đứa trẻ mắc SIDS, vốn có tỷ lệ thấp hơn trong những đứa trẻ tử vong không phải do SIDS”.
3. Mọi thứ dường như ổn thỏa, nhưng may thay, cô y tá đó đã nghe theo trực giác của mình.
Một y tá đã kể lại câu chuyện về trực giác của mình, được trích dẫn trong một luận văn cao học có tiêu đề “Quan sát mọi thứ, lắng nghe điều không được đề cập: một nghiên cứu hiện tượng luận về trực giác trong thực tập điều dưỡng”, của Lisa A. Ruth-Sahd, tại trường Đại học bang Pennsylvania, Mỹ.
“Một người đàn ông 44 tuổi đã đến bệnh viện sau khi bị tai nạn xe máy, ông đã bị văng ra khỏi chiếc xe của mình và đâm vào lan can bên đường rồi trượt trên mặt đất khoảng 12 m. Vụ tai nạn xảy ra do ông cố gắng tránh đâm phải một chiếc xe hơi đột ngột dừng lại ở phía trước. Tôi đã rất kinh ngạc vì ông không đội mũ bảo hiểm vào lúc tai nạn xảy ra, nhưng vẫn khá tỉnh táo và có thể xác định phương hướng xung quanh trên đường đến khoa cấp cứu, và cũng có thể nhớ lại diễn biến vụ tai nạn. Khi đến nơi, ông vẫn có các dấu hiệu sinh tồn, mạch đập ổn định.
Mặc dù có kết quả khám bình thường, nhưng tôi vẫn cảm thấy lo sợ và không thoải mái nhưng không thể hiểu tại sao. Trước đây, tôi đã từng chăm sóc rất nhiều bệnh nhân bị chấn thương còn nghiêm trọng hơn người đàn ông này, nhưng vì lý do nào đó, tôi vẫn cảm thấy trường hợp này khá khác biệt. Tôi cứ liên tục nghĩ về kết quả khám của mình và tự hỏi tại sao tôi vẫn cảm thấy có điều gì đó không ổn.
Tôi nhìn các đồng nghiệp xung quanh, nhưng có vẻ không ai quan tâm, vì nỗ lực hồi sức cấp cứu vẫn đang được tiến hành bình thường như đối với các bệnh nhân khác. Mặc dù tôi vừa khám cho ông ta 10 phút trước đó và kết quả khá tốt, nhưng tôi cảm thấy mình cần quay lại và tiến hành kiểm tra toàn diện lần hai.
Tôi lắng nghe những cảm nhận nội tâm rằng có điều gì đó không ổn với người bệnh nhân này. Lần này tôi nhận thấy nhịp tim của ông nhanh hơn lúc trước và thấy xuất hiện một vết bầm tím ở phía ngực trước. Tôi nhìn sang màn hình hiển thị tâm đồ và nhận thấy đường điện tâm đồ (EKG) đã trở nên thẳng băng (tim không đập).
Dựa trên tất cả các triệu chứng này, ngay lập tức tôi thông báo cho bác sĩ phẫu thuật chấn thương cũng như các bác sĩ trong phòng cấp cứu, rồi tất cả chúng tôi nhanh chóng chuẩn bị tiến hành chọc màng ngoài tim, một biện pháp cần thiết để giảm bớt áp lực đang hình thành xung quanh tim bệnh nhân. Vụ tai nạn đã làm vỡ một mạch máu, dẫn đến hiện tượng chèn ép màng ngoài tim thứ phát do chảy máu”.
4. Câu chuyện này cũng được trích từ trang web của trường Đại học Minnesota:
“Tôi vẫn không hiểu tại sao tôi lại bảo người bệnh nhân đó kể về công việc của anh ta chi tiết hơn’, Bác sĩ Iver A. Juster nói. Khi bệnh nhân của ông – một quản lý ở thung lũng Silicon Valley miêu tả về mối quan hệ không hòa hợp với sếp, BS Juster đã nhận thấy những nét biểu cảm trên khuôn mặt anh trông giống hệt như lúc anh ta kể về vấn đề đau dạ dày.
BS Juster thuyết phục bệnh nhân rằng cảm xúc có thể gây nên những triệu chứng thể chất và đề xuất một liệu trình kép – điều chỉnh cảm xúc và điều trị các triệu chứng thể chất. Bệnh nhân và bác sĩ đều hài lòng với kết quả điều trị”.
5. Kiểm tra định kỳ vẫn bình thường, nhưng có điều gì đó không ổn
Câu chuyện này được chia sẻ trên trang web của trường Đại học Minnesota:
“Bác sỹ chuyên khoa tâm lý Richard Friedman cảm thấy khá bất ngờ về bản thân vào một ngày có lịch hẹn khám bệnh định kỳ với một bệnh nhân đang gặp các vấn đề về tài chính.
Ông cảm thấy biểu hiện của người bệnh nhân tên Mark của ông có gì đó không ổn, BS Friedman ‘đã làm một việc dựa trên trực giác thuần túy mà tôi không thật sự hiểu được vào lúc đó. Khi Mark còn đang ngồi trong văn phòng của tôi, tôi gọi cho bác sĩ nội khoa của anh và đặt lịch hẹn gặp ông ta vài giờ sau đó’.
BS Fried cảm thấy bối rối với chính linh cảm của bản thân mình. Ông thường hay tiếp xúc với những người mắc chứng lo âu và bệnh nhân của ông không có tiền sử bệnh tật trước đó. Ông cũng lo lắng về cảm nhận của người bác sĩ nội khoa đồng nghiệp – liệu ông ta có cười mình không? Khi hai người gặp mặt, bác sĩ nội khoa của Mark không có lý do để cười. Mark không hề bị mắc chứng lo âu, mà anh có vấn đề với phổi. Biện pháp điều trị được tiến hành ngay lập tức và tình trạng của Mark đã được cải thiện”.
6. Không đau ngực, nhưng bác sĩ vẫn chẩn đoán đúng về hai lá phổi
Câu chuyện sau đây được đăng trên tạp chí y học Oregon Nurse số ra tháng 9/2013:
“Một bệnh nhân nữ mới được phẫu thuật chuyển đến phòng cấp cứu để bù nước. Cô đã bị ngất vào sáng sớm hôm đó và đã được bác sĩ kiểm tra. Nhịp tim của cô ở mức 133 nhịp/phút khi mới đến viện. Sau khi được truyền tĩnh mạch, nhịp tim của cô đã ổn định ở mức 108 nhịp/phút.
Với các kết quả thí nghiệm và thể chất bình thường, bác sĩ đang cân nhắc cho bệnh nhân xuất viện. Tuy nhiên, một bác sĩ lâm sàng khác cùng tham gia lại cho rằng có thể nhịp tim cao như vậy là dấu hiệu tiềm tàng của huyết khối (cục máu đông) trong phổi, mặc dù bệnh nhân không có biểu hiện đau tức ngực.
Bác sĩ lâm sàng đó tiếp tục theo dõi những dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân và cuối cùng nhận thấy mức độ bão hòa khí ôxy trong máu bắt đầu giảm. Bác sĩ này thảo luận những dấu hiệu đáng lo ngại với một bác sĩ khác, người sau đó đã quyết định tiến hành xét nghiệm thêm. Các xét nghiệm cho thấy những cục máu đông có ở cả hai lá phổi, từ đó xác nhận linh cảm ban đầu của bác sĩ lâm sàng thứ hai là đúng”.
7. Chứng viêm màng não của bé gái được chẩn đoán dựa trên linh cảm
BS Trisha Greenhalgh, Giáo sư về Chăm sóc sức khỏe ban đầu tại Bệnh viện Royal Free và tại trường Đại học Y ở London, Anh, đã chia sẻ câu chuyện sau đây trên bài báo của bà có tựa đề “Trực giác và Bằng chứng – bạn đồng hành khó khăn?” (Intuition and Evidence—Uneasy Bedfellows?), được đăng tải trên tạp chí The British Journal of General Practice vào năm 2002:
“Vào một ngày nọ, một bác sĩ ở Cardiff, Wales đã nhận được cuộc gọi từ một người mẹ đang lo lắng vì đứa con gái 3 tuổi của cô bị tiêu chảy và cư xử khác thường. Bác sĩ đó biết khá rõ về gia đình này và ông rất quan tâm đến nỗi đã hủy bỏ cuộc phẫu thuật vào buổi sáng để ngay lập tức ghé thăm gia đình đó.
Dựa trên linh cảm của mình, ông đã chẩn đoán chính xác và điều trị thành công một trường hợp viêm màng não do vi khuẩn cầu não gây ra chỉ dựa trên hai triệu chứng không rõ ràng được miêu tả qua điện thoại”.
Theo daikynguyenvn.com