Tinh Hoa

Liệu Vatican có bỏ mặc Đài Loan sau thỏa thuận với Trung Quốc?

Phó tổng thống Đài Loan gần đây đã viếng thăm Đức Giáo Hoàng Francis và mời ông đến quốc đảo sau khi Giáo hội Công giáo ký kết một thỏa thuận với ĐCSTQ về hoạt động của Giáo hội ở Đại lục. Hiện tại Vatican vẫn công nhận Đài Loan là một nước. Tuy nhiên, nhiều người Đài Loan lo sợ rằng Vatican có thể sẽ làm lơ mình do áp lực từ Trung Quốc.

Nhiều người Đài Loan lo sợ Vatican có thể sẽ làm lơ mình do áp lực từ Trung Quốc. (Ảnh qua Flickr)

Vấn đề của Đài Loan

Trung Quốc tuyên bố Đài Loan là một tỉnh trực thuộc và do đó Đài Loan không có quyền tồn tại độc lập. Bắc Kinh đã sử dụng quyền lực tài chính để cô lập Đài Loan khỏi thế giới. Một số quốc gia ở Nam Mỹ và châu Phi đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan sau khi Trung Quốc tiến hành đầu tư cho các quốc gia này để làm mồi nhử. Được biết, đồng minh duy nhất của Đài Loan ở châu Âu là Vatican.

Bằng cách tham gia vào một thỏa thuận với Trung Quốc, Vatican sẽ được điều hành các nhà thờ ở Trung Quốc thoáng hơn trước, mặc dù vẫn chịu sự kiểm soát của nhà nước. Tuy nhiên, từ bây giờ Giáo hội Công giáo sẽ phải tuân thủ các quy định của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), và Đảng này chắc chắn sẽ sử dụng quyền lực của mình để gây sức ép, buộc Vatican phải chối bỏ Đài Loan.

Điều đáng được trông chờ ở đây là liệu Giáo hội sẽ khuất phục trước cám dỗ được duy trì quyền lực tại quốc gia lớn nhất trên thế giới này, hay sẽ đứng trên lập trường đạo đức và chọn công nhận Đài Loan là một nhà nước hợp pháp.

John Hung Shan-chuan, tổng giám mục Đài Bắc, nói với kênh tin tức Crux: “Đây là lần đầu tiên chúng tôi thấy ĐCSTQ run sợ. Họ nói rằng họ không muốn các cường quốc nước ngoài mang theo ảnh hưởng vào đất nước họ, nhưng lần này họ đã cho phép điều đó. Và đó là một dấu hiệu tốt, mặc dù chúng tôi không biết kết quả sẽ như thế nào trong tương lai. Nhưng chúng tôi không lo lắng, bởi vì Đức Giáo Hoàng nói rằng ông sẽ không bỏ mặc hoặc gây tổn thương cho Đài Loan. Chúng tôi đã hỏi ông về điều đó, và chúng tôi biết, với tư cách là một linh mục nhân từ, ông ấy sẽ không bỏ rơi chúng tôi”.

Thỏa thuận giữa Trung Quốc và Vatican

Bằng cách tham gia vào một thỏa thuận với Trung Quốc, Vatican sẽ được điều hành các nhà thờ của mình thoáng hơn trước, nhưng vẫn chịu sự kiểm soát của nhà nước. (Ảnh qua pixabay / CC0 1.0)

Cả Vatican và Trung Quốc đều xảy ra mâu thuẫn trong nhiều thập kỷ, liên quan đến quyền kiểm soát các nhà thờ ở Trung Quốc. Khi Vatican yêu cầu ủy quyền bổ nhiệm các giám mục một cách tuyệt đối, Bắc Kinh đã từ chối. Tuy nhiên, mới đây, hai bên đã đi đến thỏa thuận, theo đó Vatican đã phê chuẩn 7 giám mục do Trung Quốc chỉ định. Trong tương lai, Vatican sẽ có quyền tự bổ nhiệm các giám mục, nhưng chỉ từ một nhóm ứng viên được ĐCSTQ lựa chọn.

Mặc dù Giáo hội Công giáo tuyên bố rằng thỏa thuận này là một chiến thắng, nhưng nhiều người Công giáo bị ĐCSTQ bức ép trong một thời gian dài vẫn không hài lòng với sự thỏa hiệp mà nhà thờ thực hiện.

Tờ Hoa Nam Tảo Báo cho biết: “Một thế hệ người Công giáo lớn tuổi phải sống chui rúc ở đại lục cảm thấy thất vọng về thỏa thuận này, vì nó được ký kết trong thời kỳ Trung Quốc đang tiến hành đàn áp tôn giáo mãnh liệt trên khắp đất nước. Theo các tín hữu Tin Lành sống lẩn trốn, Thánh giá đã bị tháo dỡ, các nhà thờ Thiên chúa giáo phải đóng cửa, và thậm chí có trường hợp Kinh Thánh còn bị đốt”.

Nhiều tín đồ Kitô hữu sống lẩn trốn (những người thể hiện đức tin của họ một cách bí mật) cũng mang trong mình một nỗi sợ kinh khủng hơn. Đó là Trung Quốc thực sự có thể sẽ trở nên tàn bạo hơn nữa nhờ thỏa thuận với Vatican, vì thỏa thuận này cho phép Bắc Kinh định nghĩa tất cả các tín đồ ẩn dật đều thuộc “dị giáo” và không phù hợp với Giáo hội Công giáo.

Điều này có thể mang lại làn sóng tấn công tiếp theo chống lại các Kitô hữu trong nước. Một số người cũng nói rằng lý do duy nhất mà Bắc Kinh đồng ý với thỏa thuận này là bởi vì chính quyền này sẽ có thể xâm nhập vào cơ cấu quyền lực toàn cầu của Giáo hội Công giáo và khuếch trương sức ảnh hưởng của mình.

Xuân Nhạn, theo Vision Times