Ngày nay khi khoa học đang dần làm yếu đi niềm tin của tôn giáo, thì hầu hết những người có tín ngưỡng lại cho rằng Thần linh sẽ mãi là một bí ẩn.
Khi còn là một tín đồ tôn giáo, Einstein luôn cảm thấy sợ hãi và thắc mắc về vũ trụ bí ẩn. Nhưng khoa học đã không ngừng khám phá ra những bí ẩn ấy, đồng thời hứa hẹn sẽ gói gọn những trải nghiệm tâm linh trong các hoạt động não bộ có thể cân đo đong đếm được. Điều này khiến người ta nghi ngờ rằng niềm tin vào Thần, linh hồn, Thiên đường và Địa ngục cùng các đức tin khác sẽ bị lung lay mạnh mẽ.
Nhưng liệu Khoa học thần kinh có thể tìm ra những tế bào não đảm nhận tính năng Tôn giáo không, và nếu họ xác định được điều đó thì vùng não nhỏ ấy sẽ tăng hay giảm? Dĩ nhiên sẽ tồn tại những tranh luận trái chiều, tùy thuộc vào việc sự hiện diện của các vị Thần là tốt hay xấu. Nếu loại bỏ đi những đoán định này, thì hóa ra việc định vị vùng não liên kết với thần linh lại hình thành nên bí ẩn mà cả tôn giáo lẫn khoa học đều không thể trả lời.
Hiện nay máy quét não tiên tiến có thể vẽ lên bản đồ ánh sáng từ bộ não phát ra tương ứng với mỗi ý nghĩ, lời nói hay hành động. Rõ ràng, không có hoạt động nào thoát khỏi những ghi nhận của não. Ngay cả việc nhìn thấy hay cảm nhận được sự hiện diện của Thần linh, chẳng hạn như Thánh Paul trên đường đến Damascus, hay Thánh Têrêsa Avila bị một mũi tên thiên thần xuyên qua tim, tất cả đều được thể hiện trong não. Tuy nhiên, loại dữ liệu không thể phủ nhận này chẳng thể giúp khoa học vượt ra khỏi tôn giáo. Vì thực tế, bộ não có những hạn chế nhất định liên quan đến các trải nghiệm.
Công trình nghiên cứu của nhà toán học Mỹ gốc Ba Lan là Alfred Korzybski (1879-1950) cũng đề cập đến vấn đề này khi ông phát hiện ra tiến trình xử lý phân lớp trong cách nhận thức sự việc hàng ngày của chúng ta. Hàng tỷ dữ liệu dồn dập đến các giác quan, trong khi chỉ một phần nhỏ được hệ thần kinh tiếp nhập. Thông tin được tiếp nhập lại được bộ não lọc ra và bị hủy bỏ nếu không phù hợp với những khuôn mẫu định sẵn trong đó. Khi có người nói, “Anh không nghe tôi” hay “Anh chỉ thấy những gì anh muốn”, thì họ đang áp dụng định lượng về mặt toán học của Korzybski.
Đôi khi có những điều con người không dễ dàng thấy được nếu nó vượt ra khỏi khả năng tiếp nhận của họ, chẳng hạn như tia cực tím. Hầu hết là vì chúng ta bị hạn chế bởi kì vọng, những định kiến, lo sợ, hay đơn giản là bộ não bị phong bế. Nếu bạn đi dự tiệc, và có ai đó nói với bạn rằng bạn sẽ gặp một người đoạt giải Nobel, thì bạn sẽ cư xử khác hẳn so với việc nói rằng đó là một tay giang hồ hoàn lương. Khi tất cả quá trình lọc và xử lý hoàn tất, thì chắc chắn bộ não đã không có được trải nghiệm thực tế chính xác, mà nó chỉ đơn giản là xác nhận khuôn mẫu thực tế định sẵn.
Chúng ta hãy xem xét hai luận điểm thú vị sau:
- Tất cả thông tin thực tế đều được xem xét thông qua các khuôn mẫu như nhau ở trong não.
- Thông tin thực tế vượt ra ngoài mọi khuôn mẫu định sẵn trong não.
Hai luận điểm thừa nhận sự tồn tại của Thiên Chúa, linh hồn, và tất cả những trải nghiệm tâm linh khác. Luận điểm đầu tiên bác bỏ quan niệm khoa học vượt trội so với tôn giáo vì khoa học chỉ thừa nhận các dữ liệu trong khi tôn giáo bao gồm cả niềm tin của con người. Trên thực tế, khoa học lọc ra và loại bỏ phần lớn những trải nghiệm của con người vốn hầu hết đều mang tính chủ quan, vì vậy vấn đề đã bị lọc ra thì không thể so sánh với tôn giáo. Bộ não thực hiện chức năng chắt lọc mọi thứ nó tiếp nhận dù các thông tin này liên quan đến khoa học, tâm linh, nghệ thuật, hay bệnh học thần kinh. Não là một bộ lọc xử lý thông tin tiếp nhận, chứ không phải là tấm gương phản chiếu bản chất của sự thật.
Luận điểm thứ hai có tính thuyết phục hơn. Nếu não chúng ta đang liên tục lọc mọi thông tin, thì dù có làm gì đi nữa cũng không ai biết được bản chất của sự thật. Chúng ta không thể thoát khỏi sự kiểm soát của não bộ để đi tìm sự thật. Điều này cũng giống như việc có một chân trời chứa những thiên thể xa nhất phát sáng trong vũ trụ, trong khi tàu vũ trụ chỉ có thể thăm dò trong một phạm vi nào đó, và hoạt động tư duy cũng lại có những giới hạn. Não hoạt động trong thời gian và không gian nhất định, thực hiện quá trình lọc các ý nghĩ cho đến điểm kết thúc. Vì vậy, bất cứ vấn đề gì ngoài thời gian và không gian đặc định này đều là điều siêu thường, và những thông tin thực tế không được lọc có thể chỉ lướt qua não, hay bị xóa bỏ. Tiếp nhận thông tin thực tế chưa được lọc cũng giống như nghe nhiều kênh phát thanh cùng lúc, điều đó là bất khả thi.
Korzybski cho rằng ngay cả toán học cũng là một mô hình chịu sự hạn chế của tất cả các khuôn mẫu do não định ra. Không phải ai cũng đồng ý rằng việc nắm giữ kiến thức toán học như một chân lý vũ trụ giúp ngành vật lý cao cấp bám víu vào thế giới lượng tử. Trong bài viết này, chúng tôi không đưa ra bất kỳ quan điểm nào để bài xích khoa học. Chưa bàn đến những vấn đề trên, Korzybski sử dụng ngôn ngữ toán học để chỉ ra rằng dù thực tế là gì đi nữa thì nó cũng vượt xa bộ não của con người.
Chỉ một từ duy nhất, “siêu việt”, có một sự so sánh bình đẳng giữa khoa học và tôn giáo. Thực tế vượt ngoài sự nhận thức của bộ não. Nếu những điều siêu nhiên ấy bắt nguồn từ sự “siêu việt”, ví như sự tồn tại của thần, thì người theo chủ nghĩa duy vật và ủng hộ thuyết hoài nghi sẽ cho rằng điều đó không có thật. Trên thực tế, không có cách nào để chứng minh những trải nghiệm tự nhiên là có thật. Nhìn thấy thiên thần, một cái cây, núi, hay đám mây, tất cả đều không thể được giải thích cặn kẽ về bản chất của nó. Nhà vật lý học Freeman Dyson đã khẳng định:
“Tóm lại, chúng ta có ba điều bí ẩn vẫn chưa giải thích nổi: quy luật chuyển động dị thường của nguyên tử, sự tồn tại của ý thức, và mối liên hệ mật thiết giữa vũ trụ với cuộc sống và trí tuệ con người. Tôi chỉ nói rằng ba bí ẩn trên có thể liên thông với nhau. Tôi không đòi hỏi phải hiểu bất kỳ vấn đề nào trong số đó. “
Khi những bí ẩn trên trở thành nền tảng của cuộc sống, lựa chọn sáng suốt nhất là kết hợp giữa khoa học và tâm linh để chúng bổ sung cho nhau. Khoa học chỉ đúng trong những gì nó tính đến, và sẽ là sai đối với những gì nó chưa thể chứa đựng. Thừa nhận những hiện tượng thực tế này sẽ là một thỏa thuận tuyệt vời nhằm phát huy các giá trị tâm linh nơi con người, đó có thể là một cuộc tìm hiểu nghiêm túc, trung thực của nền khoa học tiên tiến.
Tịnh Liên – Theo C.E