Đối với người cổ đại, việc rèn luyện nhân cách được đặt lên hàng đầu. Liễu Hạ Huệ và My Trúc vì giữ tâm trong sạch mà được nhiều người ngưỡng mộ. Tuy nhiên con người ngày nay đã không còn được giáo dục về việc coi trọng lễ nghi như xưa kia.
Câu nói “nam nữ thụ thụ bất tương thân” – “trai gái không được động chạm vào nhau” đã bị coi là cổ hủ. Những giá trị đạo đức ngày càng mai một cùng với lối sống tình dục buông thả xuất hiện tràn lan trong giới trẻ hiện đại.
Đối với những ai thích cảm thụ những điều sâu lắng, chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi lối sống hiện đại, khi đọc những câu chuyện sau đây sẽ thấy rất ý vị.
Điển cố Liễu Hạ Huệ: “Tọa hoài bất loạn”
Liễu Hạ Huệ (720 – 621 tCN), tên thật là Triển Cầm, tự là Quý, người đất Liễu Hạ, nước Lỗ, thời Xuân Thu, nổi tiếng là một chính nhân quân tử. Năm đó, Liễu Hạ Huệ đảm đương chức quan nhỏ, một đêm đi về gặp mưa lớn bèn trú tạm ở chòi ngoài cổng thành. Bỗng có tiếng gọi cửa, thì ra là một người đàn bà gặp mưa cũng xin trú nhờ. Người đàn bà đó lạnh quá. Liễu Hạ Huệ mạn phép ôm vào trong lòng, rồi dùng áo của mình khoác cho người ta, ngồi hết đêm mà không xảy ra chuyện nam nữ loạn bậy.
Chuyện này được người đời sau ca tụng và lấy ông làm tấm gương để rèn luyện nhân cách.
Nhiều năm sau đó, tại nước Lỗ có người ở nhà một mình. Bên láng giềng có người đàn bà góa thân đơn thế cô. Một đêm mưa to gió lớn, nhà của người đàn bà đổ sập, bà bèn sang xin ngủ nhờ nhà người láng giềng. Người láng giềng đóng cửa, không cho vào. Người đàn bà đứng trước cửa sổ, nói rằng:
– Ngươi sao bất nhân thế, không cho ta vào ư?
Người láng giềng đáp:
– Ta nghe đàn ông, đàn bà 60 tuổi trở lên mới ở chung được. Ngươi còn trẻ, mà ta cũng chưa già sao có thể cho ngươi vào ngủ nhờ được!
Người đàn bà nói:
– Ngươi sao không làm như ông Liễu Hạ Huệ ủ người con gái ngồi vào lòng mà không tai tiếng gì?
Người láng giềng đáp:
– Ông Liễu Hạ Huệ thì thế được, ta đây thật chưa làm thế được. Nếu ta cho ngươi vào mà ta không làm được như ông Liễu Hạ Huệ thì thà rằng ta không cho ngươi vào, mà ta cũng giữ được không tai tiếng như ông Liễu Hạ Huệ. Thế chẳng phải ta không làm theo như Liễu Hạ Huệ mà cũng được như Liễu Hạ Huệ ư?
Khổng Tử nghe câu chuyện này, nói:
– Phải lắm, kẻ muốn học Liễu Hạ Huệ chưa ai giống được như người này: Mong làm điều rất phải không bắt chước cách làm, thế mới thật là cao minh.
My Trúc thoát nạn lửa thiêu
Thời Tam Quốc, dưới trướng Lưu Bị có rất nhiều văn võ kiệt xuất. Trong số các quan văn đắc lực có My Trúc.
Chuyện ghi lại rằng:
Khi My Trúc còn trẻ, gia tộc ông làm nghề thương lái nên rất giàu có, ông không phải lo nghĩ chuyện tiền bạc và thường đem của cải giúp đỡ dân nghèo. Một hôm, giữa trưa nắng, trên đường về nhà ông thấy một người con gái mảnh mai yếu đuối đang đi bộ. Ông vội vàng dừng lại mời cô nương ấy lên xe ngồi xe ngựa còn mình đi bộ phía sau. Đi được một quãng dài, cô gái cảm thấy áy náy trong lòng bèn mời My Trúc lên xe ngồi cùng. My Trúc khi ấy đã mệt nên miễn cưỡng lên xe. Trên cả quãng đường dài ngồi cùng xe với cô gái, My Trúc chỉ nhìn thẳng mà không liếc ngang lần nào.
Đến khi từ biệt, người con gái chỉ vào My Trúc mà nói: “Ta là Hỏa Đức Tinh Quân, được lệnh Ngọc Đế phái xuống trần gian canh một đêm nay đốt nhà của ngươi. Ta hóa mỹ nữ thử lòng ngươi, quả thực thấy ngươi là kẻ đứng đắn. Vì vậy ta báo trước cho biết để kịp tránh đi”.
My Trúc tạ ơn, vội vàng sơ tán gia quyến cùng chút ít tài sản. Quả nhiên, tới canh một, toàn bộ nhà cửa bốc cháy nghi ngút, sáng ra chỉ còn đám tro tàn.
Nhật Nguyệt (biên dịch)