Hôm 9/12, Ủy ban chống tra tấn của Liên Hợp Quốc (LHQ), tại Genève, đã tuyên bố tình trạng tra tấn vẫn ăn sâu cắm rễ trong hệ thống xét xử hình sự của Trung Quốc. Bắc Kinh cần chấm dứt chiến dịch trấn áp các luật sư, giới hoạt động bảo vệ nhân quyền, xóa bỏ các trại biệt giam kín bất hợp pháp.
Các đề nghị trên đây được ghi trong một văn bản gửi tới Liên Hợp Quốc sau cuộc gặp giữa các thành viên thuộc Ủy ban chống tra tấn và đại diện chính quyền Trung Quốc.
Ủy ban chống tra tấn, bao gồm 10 thành viên là những chuyên gia độc lập và quốc tế, cũng đề cập đến chiến dịch bắt giữ các luật sư và các nhà hoạt động cho nhân quyền mà Bắc Kinh tiến hành từ tháng 7/2015. Hơn 200 nhà ly khai bị bắt và hiện còn ít nhất 25 người trong số này vẫn bị giam cầm. Ủy ban cũng bày tỏ quan ngại về việc “có quá nhiều người chết” trong thời gian giam giữ.
Trong cuộc gặp với đại diện Trung Quốc, một thành viên của Ủy ban chống tra tấn còn nêu ra cụ thể những kiểu tra tấn hỏi cung của công an Trung Quốc. Phái đoàn Trung Quốc bao biện là công an phải áp dụng một số biện pháp để bảo vệ tính mạng nghi can, không cho họ tự hủy hoại bản thân. Đại diện chính quyền Bắc Kinh không thừa nhận là Trung Quốc có hệ thống nhà giam bí mật.
Ủy ban chống tra tấn của Liên Hợp Quốc tuyên bố là Trung Quốc có một năm để cải thiện tình hình, có được những tiến bộ trong việc thực hiện Công ước Liên Hợp Quốc chống tra tấn trong tù.
Cũng nhân dịp này, một nhóm các nhà trí thức và nhà văn có tên tuổi trên thế giới như Magaret Atwood (Canada), Hanan Al Shaykh (Liban), Ian Rankin (Scotland)…đã ký tên vào một bản kiến nghị đòi Bắc Kinh trả tự do cho Giải Nobel Hòa bình Lưu Hiểu Ba. Bản kiến nghị cũng tố cáo chính quyền Trung Quốc quản thúc tại gia bà Lưu Hà, vợ ông Lưu Hiểu Ba.
Giải Nobel Hòa bình 2010 Lưu Hiểu Ba bị bắt năm 2008 vì đã tham gia soạn thảo “Hiến chương 08” kêu gọi cải cách dân chủ tại Trung Quốc. Năm 2009, ông bị kết án 11 năm tù.
Theo vi.rfi.fr