Nguồn gốc của trà sữa trân châu và hành trình để những cốc trà sữa trở nên nổi tiếng và phổ biến toàn thế giới là những câu chuyện dài và thú vị. Khi đã hiểu hơn về thức uống ‘ngon nhất quả đất’ này thì bạn sẽ cảm nhận một hương vị khác…
Những ai yêu thích trà sữa có lẽ đều biết nguồn gốc xuất xứ của thức uống này là từ Đài Loan. Tuy nhiên, đã ai từng thắc mắc vì sao trà sữa trân châu lại xuất hiện ở Đài Loan mà không phải là một đất nước khác? Và vì sao lại phải là trân châu? Trân châu từ đâu mà có?
Châu Âu trong thời kỳ xâm lược các nước Châu Á đã bị ảnh hưởng nền văn hóa Á Đông và trong đó có văn hóa uống trà. Tuy nhiên, người Châu Âu không quen với hương vị chát đắng đậm đà nên đã nảy ra sáng kiến pha trà cùng với sữa và đường để cân bằng lại vị đắng. Khi Hà Lan đô hộ Đài Loan, những thương buôn Hà Lan đã lựa chọn vùng đất này để làm nơi nhập khẩu trà.
Món trà pha với sữa tươi và đường của người Châu Âu từ đó đã được du nhập vào Đài Loan. Khoảng thời gian bị Nhật Bản đô hộ, Đài Loan cũng trở thành vùng đất trồng trà đen cho người Nhật. Từ đó về sau, Đài Loan trở thành một trong những đất nước nổi tiếng về trồng trà không thua gì Nhật Bản, Trung Quốc hay Ấn Độ. Đây là lý do vì sao trà và trà sữa đã đến với Đài Loan.
Vào những năm 1980, khi ngành kinh doanh trà bắt đầu phát triển rầm rộ, Đài Loan xuất hiện rất nhiều những kiosk nhỏ bán trà như một loại nước giải khát. Theo nhiều tư liệu, trong số đó có một tiệm đã trở nên nổi bật hơn khi chủ tiệm cho thêm một số nguyên liệu trái cây vào công thức trà của họ. Hương vị thơm ngon đặc biệt và mới lạ này nhanh chóng được các tiệm khác bắt chước và trở thành một trào lưu.
Tên gọi “Bubble Tea” cũng bắt đầu được hình thành từ câu chuyện trên. Khi cho các nguyên liệu khác vào ly trà, để có được vị ngon đều, người pha chế phải lắc hỗn hợp trà thật mạnh cho nguyên liệu và trà hòa quyện lại với nhau. Hành động lắc trà đã tạo ra những bọt bong bóng gọi là “bubble”. Và đây là bí mật đầu tiên cũng chính là nguyên nhân cái tên “Bubble Tea” ra đời. Trước đây, nhiều người vẫn tưởng rằng chữ “bubble” xuất phát từ những hạt trân châu, nhưng sự thật thì không phải thế.
Năm 1983, ông Lưu Hán Chiêu, người sáng lập ra thương hiệu Chun Sui Tang Tea House tại Đài Trung, một thành phố của Đài Loan, đã mang ý tưởng trà sữa uống lạnh đến với đất nước này. Một lần du ngoạn đến xứ sở hoa anh đào, khi ông chứng kiến cách người Nhật uống cà phê lạnh, ông đã về và pha trà lạnh cho khách hàng của mình thưởng thức. Không ngoài mong đợi, ý tưởng mới của ông đã được đón nhận rất tích cực và từ đó, món trà sữa lạnh lại tiếp tục được phổ biến rộng rãi như một trào lưu mới.
Tới năm 1988, Lâm Tú Huệ, một quản lý chuyên về phát triển sản phẩm của Chun Shui Tang, đã tạo ra một bước đột phá cho trà sữa. Cô Lâm đã mang bánh “fen yuan”, một loại bánh bột lọc truyền thống của Đài Loan tới cuộc họp của công ty. Trong lúc cao hứng, cô đã bỏ những viên bánh bột lọc được làm từ khoai lang ngọt vào cốc trà sữa và uống nó.
“Mọi người trong cuộc họp đều cảm thấy thích nó và loại đồ uống này đã nhanh chóng bán chạy hơn tất cả các loại trà khác trong vài tháng kế tiếp. Thậm chí, 20 năm sau, nó vẫn chiếm từ 80 cho tới 90% doanh thu của chúng tôi và trở thành niềm tự hào của người Đài Loan”, cô Lâm cho biết.
Loại trà sữa do cô Lâm sáng tạo ra được biết tới với cái tên là trà sữa trân châu. Một điểm đặc biệt khi dùng trà sữa trân châu đó là bạn sẽ được cung cấp những chiếc ống hút lớn để hút trân châu lên miệng nhai. Có hai loại trân châu chính thường được sử dụng đó là trân châu đen và trân châu trắng. Trân châu đen có thể được làm từ khoai lang, sắn và đường đen. Trong khi đó, trân châu trắng được làm từ bột rau câu.
Ngày nay, chúng ta có tìm thấy một cửa hàng trà sữa trân châu ở bất kì con đường nào của Đài Loan. Loại đồ uống này cũng nhanh chóng được phổ biến và yêu thích tại nhiều nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Việt Nam. Dễ uống, đẹp mắt và bổ dưỡng chính là những yếu tố khiến trà sữa “được lòng” của giới trẻ, đặc biệt là các bạn nữ.
Trà sữa hiện đang được kinh doanh bởi rất nhiều công ty và cửa hàng khác nhau. Ông Lưu Hán Chiêu hoàn toàn có thể đăng kí bản quyền trà sữa và buộc họ phải trả tiền nếu muốn tiếp tục kinh doanh loại đồ uống này. Tuy nhiên, ông Lưu đã quyết định không làm như vậy.
“Mục đích chính của chúng tôi là quảng bá trà cũng như văn hóa trà của Đài Loan và phát triển các loại sản phẩm mới”, cô Lâm Tú Huệ cho biết. “Nếu chúng tôi tập trung vào chất lượng và trải nghiệm khi uống trà, chúng tôi tin rằng khách hàng sẽ đánh giá cao và tiếp tục tới uống”.
“Nhiều người Đài Loan ở nước ngoài đã chọn quán trà của chúng tôi là điểm dừng đầu tiên khi trở về quê hương và điểm tới cuối cùng trước khi ra sân bay. Họ thường yêu cầu chúng tôi mở cửa hàng trà tại nước ngoài nhưng chúng tôi đều xin từ chối”, cô Lâm cho biết thêm, “Chúng tôi hiện đang có 30 cửa hàng tại Đài Loan nhưng tôi luôn muốn đem về những nhân viên chất lượng cao nhất. Phải mất 6 tháng để một nhân viên học được cách chế biến 80 loại trà sữa khác nhau và trở thành một người thật sự yêu trà cũng như văn hóa trà”.
Một ly trà sữa 500ml chứa khoảng 220 calories (chưa bao gồm các loại topping). Nếu bạn thích một ly đầy trân châu thì hàm lượng calo có thể tăng thêm tới 90 calories. Đây quả là con số không mấy thân thiện với những ai có nhu cầu giảm cân. Tuy nhiên, đối với các bạn đang cần tăng cân thì trà sữa là một thức uống giàu chất dinh dưỡng. Với thành phần từ trà đen hoặc trà ô long, sữa tươi, kem béo thực vật và sữa đặc, trà sữa là nguồn năng lượng dồi dào cho suốt một ngày lao động miệt mài. Vì thế, nếu ai đang có vấn đề với cân nặng thì cần tiết chế lại việc uống trà sữa hoặc các topping và thay vào đó là các loại trà trái cây chỉ chứa khoảng 100-120 calories. Còn ai cần tăng cân hay có dấu hiệu suy nhược thì có thể thỏa thích thưởng thức trà sữa.
Khi đã hiểu hơn về thức uống đặc biệt này, bạn sẽ cảm nhận một hương vị khác khi cầm ly trà sữa trân châu trên tay mà không chỉ đơn thuần là thức uống giải trí vô bổ. Đó là cả một giá trị lớn của quá trình phát triển trong văn hóa uống trà của người Đài Loan.
Hồng Liên (t/h)