Vào thời Xuân Thu, chiến tranh được nâng lên thành nghệ thuật. Có học giả bình phẩm rằng chiến tranh thời đó không giống như đánh trận, mà chỉ giống thi đua thể thao. Dù đánh trận cũng thể hiện lễ nghĩa, thể hiện tinh thần quý tộc.
Lễ nghĩa quân đội triều Chu
Vào triều Chu, lễ được phân làm năm loại: cát lễ, hung lễ, quân lễ, tân lễ, gia lễ. Trong đó quân lễ là lễ nghĩa được chế định ra trong chiến tranh, bao gồm nguyên tắc phải tuân thủ khi hai bên giao chiến.
Dù cho hai nước giao chiến, trước tiên cũng phải tuân thủ lễ nghi. Thời kì Xuân Thu, quân đội của tất cả các nước chư hầu, số quân nhân không đều nhau, có nước mấy nghìn người, có nước trên cả vạn người. Thông thường các nước chư hầu lớn đều có lục quân, phân thành 3 quân tả, trung, hữu.
Nếu một nước bắt đầu cuộc chiến mà không báo trước, sẽ bị gọi là “tập kích”, đây là điều sỉ nhục đối với nước chư hầu thời bấy giờ. Vì thế dựa theo quy tắc trong quân lễ, nhất thiết phải có thư “thỉnh chiến”, hai bên ước định thời gian cụ thể.
Hai nước giao chiến, ba quân lần lượt quyết chiến theo thứ tự, đầu tiên tả quân (quân bên trái) đối diện hữu quân (quân bên phải) của địch, hữu quân đối diện tả quân của địch, sau cùng, trung quân hai bên đối diện nhau.
Khi tiếng trống nổi lên, quân đội hai bên bắt đầu tấn công, trước sau đọ sức ba lượt, chỉ cần thắng 2 trong 3 là đủ phân định thắng thua, vì vậy mức sát thương cũng không lớn. Cách đấu này rất giống đánh cờ, cũng giống như thi đấu võ thuật. Mỗi lần hai bên tiến công chiến đấu, tất cả các đoàn quân còn lại đứng một bên quan sát.
Lấy nhân nghĩa mà động, lấy lễ độ mà hành
Khi đó, những người tham chiến đều là quý tộc, cấp bậc thấp nhất gọi là “sĩ”, cũng là người có thân phận, người dân bình thường không được quyền tham gia chiến tranh. Đánh trận là một môn nghệ thuật, có cả một bộ lễ nghi mà chỉ có quý tộc mới được học. Chiến tranh vào thời đó, hai bên giao chiến đều đối đãi với nhau có lễ, có tiết chế, không thể tùy ý giết chóc.
Trên chiến trường, quân sĩ hai bên bảo trì nguyên tắc “Lấy nhân nghĩa mà động, lấy lễ độ mà hành”, không được khiến binh sĩ của quân địch bị thương hai lần, không được thừa lúc đối phương chưa chuẩn bị xong thế trận mà xuất binh công kích.
Nếu như bắt được quân chủ của nước chư hầu đem về làm tù binh, thì vẫn phải hành lễ đối với ông ấy, cư xử đúng lễ tiết quân thần, dâng rượu và cống tiến ngọc bích để biểu thị sự tôn trọng.
Trong “Tư Mã Pháp – Nhân Bản” có câu: “Cổ giả trục bôn bất quá bách bộ”, tức là vào thời cổ đại khi truy kích những binh sĩ chạy trốn, không chạy quá 100 bước, đây cũng là lễ tiết của quân nhân.
Chính vì quân lễ, vào thời cổ trên chiến trường đã xảy ra nhiều câu chuyện mà người thời nay chúng ta nghe qua sẽ cảm thấy thú vị.
Nước Sở truy binh trợ giúp binh sĩ nước Tấn chạy trốn
Trong cuốn “Tả Truyện. Tuyên Công thập nhị niên” có ghi chép lại, vào thời kỳ Xuân Thu, hai nước Tấn và Sở giao tranh ở vùng đất ngày nay là Hà Nam – phía Bắc Trịnh Châu, lịch sử gọi là “Bật chi chiến” hay là “Lưỡng đường Chi Dịch”.
Khi quân Tấn bị quân Sở đánh bại, quân Tấn binh lính tan rã, vội vàng tháo lui. Trong lúc tháo lui, một toán quân Tấn gặp nạn, chiến xa bị rơi vào trong vũng bùn, xe ngựa không tiến lên phía trước được.
Quân Sở đang truy kích ở phía sau tiến đến, chỉ dẫn quân Tấn rút khúc gỗ phía trước xe. Quân Tấn làm theo vậy, nhưng xe chỉ mới chạy được vài bước thì lại không đi được nữa. Quân Sở lại chỉ dẫn họ, đầu tiên phải gỡ bỏ lá cờ lớn, bỏ khúc gỗ ở trên càng xe. Quân Tấn làm theo lời chỉ dẫn của quân Sở, sau đó đã thoát ra được.
Quân Sở vẫn tiếp tục truy đuổi phía sau, tuy nhiên đuổi theo gần được một trăm bước thì dừng lại. Bởi vì nếu đuổi theo quá một trăm bước mà vẫn tiếp tục truy đuổi sẽ bị gọi là “không có lễ nghĩa”.
Thế là binh sĩ của nước Tấn trên xe ngựa quay đầu lại trêu chọc quân Sở: “Chúng tôi (nước Tấn) bại trận không nhiều, nên không có kinh nghiệm tháo chạy bằng quý quốc (nước Sở)”.
Ai mà ngờ được một màn trêu chọc thú vị như thế này có thể diễn ra trên chiến trường, lại còn xuất hiện giữa hai nhóm quân truy đuổi và quân tháo chạy. Nếu dùng quan điểm của người thời nay mà xem xét, thật sự khiến người ta cảm thấy khó hiểu.
Lấy sinh mệnh để tuân thủ lễ nghĩa
Trong “Tả truyện. Chiêu Công nhị thập nhất niên” ghi chép lại, võ sĩ Hoa Báo và Công Tử Thành (con của Tống Bình Công) đang giao chiến. Chiến xa của Hoa Báo và Công Tử Thành đang đối đầu nhau. Hoa Báo vượt lên trước bắn tên, mũi tên hướng về phía Công Tử Thành. Nhưng mũi tên xuyên qua giữa Công Tử Thành và người đánh xe và bay mất, mũi tên thứ nhất đã không bắn trúng.
Công Tử Thành vội vàng giương cung cài tên, không ngờ Hoa Báo động tác nhanh nhẹn đã nhắm ngay vào Công Tử Thành và chuẩn bị phát tên. Lúc này, Công Tử Thành liền hô to: “Đến lượt ta bắn tên rồi, ngươi bắn thêm một mũi tên nữa, há chẳng phải hèn hạ vô sỉ sao?”.
Chiếu theo quy tắc lúc bấy giờ, khi hai bên đối đầu nhau thì mũi tên phải thay phiên nhau bắn, mỗi người một lượt, như vậy mới công bằng. Hoa Báo tuân thủ lễ nghĩa, vừa nghe Công Tử Thành nói, liền dừng lại. Lúc này, Công Tử Thành bắn một mũi tên, vừa vặn trúng trước ngực Hoa Báo, khiến ông chết ngay tại chỗ.
Con người ngày nay sẽ nghĩ rằng Hoa Báo thật là ngốc. Nhưng vào thời bấy giờ, không một ai nhạo cười Hoa Báo, cũng không cảm thấy cách làm của ông là quá ngốc. Ông là quý tộc, dùng sinh mệnh của mình để tôn thủ lễ nghĩa, bảo hộ phong thái đạo đức mà một người quý tộc đáng phải có.
Natalie (dịch)