Xưa nay nhân quả vốn tuần hoàn, gieo nhân nào gặt quả ấy. Trong thi cử cũng vậy, có người dù học vấn không tệ nhưng thi cử nhiều lần vẫn không đỗ đạt, kỳ thực chính là có liên quan đến nợ nghiệp trong quá khứ.
Có một lão nho sinh tên là Châu Mậu Quan. Ông nhiều lần thi cử thất bại, cuộc sống khốn đốn, mất mát nhiều thứ, do vậy thường đến 2 gia đình Châu Tây Kình, và Hà Hoa Phong để nương nhờ miếng ăn. Hoa Phong vốn mang họ Châu, vì thế Châu Mậu Quan gần như là người nhà của hai người này.
Được biết, mỗi lần ông Châu tham gia ứng thí khoa cử, luôn bị đánh rớt vì những lỗi sai nhỏ về câu chữ; hoặc là tuy ban đầu được cho đậu, nhưng khi đến lúc thi tiếp thì lại bị loại vì viết 1-2 chữ sai.
Đương nhiên, cũng phải nói rằng quan khảo quá khó tính xét nét, ví như trong đề bài có 1 chữ “Viết” (chữ Hán: “曰”), Châu Mậu Quan viết ra chữ có nét dài hơn một chút, thì bị nhìn thành chữ “Nhật” (chữ Hán: “日”); khi viết chữ “Kỷ” (chữ Hán:“己”), thì nét cuối cùng hơi nhú đầu lên một chút, quan khảo lại xem thành chữ “Dĩ” (chữ Hán: “已”).
Châu Mậu Quan vì chuyện đó mà buồn lòng không thôi. Một ngày nọ, ông viết những chuyện đã trải qua của mình thành một bản sớ, rồi đem đốt trước miếu Văn Xương, hy vọng sẽ nhận được sự chỉ điểm của Thần. Trong bản sớ, ông viết rằng trong cuộc đời mình chưa bao giờ làm chuyện gì xấu, nên không hiểu tại sao mình lại thường phải chịu sự xui rủi đến vậy.
Mấy hôm sau, Châu Mậu Quan mơ thấy mình được một vị quan mặc áo đỏ dẫn đến trước một cung điện. Có một vị thần ngồi trước bàn án nói với ông rằng: “Công danh của ngươi trắc trở, thần linh đã biết cả rồi. Nhưng ngươi chỉ biết oán hận, mà không biết mối quan hệ nhân quả ẩn chứa đằng sau.
Kiếp trước ngươi là một vị quan Bộ Viện, bản tính xảo trá, giỏi khua môi múa mép qua những con chữ, cho nên phạt ngươi kiếp này là một tên mọt sách, không hiểu chút gì về nhân tình thế thái. Hơn nữa bởi vì kiếp trước ngươi thích chỉ trích, bới móc văn chương của người khác, tuy biết rõ rằng chẳng có vấn đề gì cả, nhưng vẫn cố thổi phồng vấn đề, và vin vào cớ đó mà xử ép tác giả bài văn, tống tiền người ta, do vậy mà kiếp này phạt ngươi cứ phải bị đánh rớt do chữ viết”.
Vị thần đó lại chỉ sang quyển sổ sinh tử và nói với ông rằng: “Ngươi vì chữ ‘Viết’ (chữ Hán: ‘曰’) mà bị loại, ngươi nên biết rằng, vị quan khảo kia kiếp trước chính là vợ của Âm Đức Bố đóng quân ở Phúc Kiến, là một quả phụ biết thủ tiết. Trong tờ sớ trình để xin ban cho bà ấy cờ tinh để biểu dương đức hạnh thủ tiết của bà, thì chữ ‘Âm’ (chữ Hán:‘音’, đọc là Yin) bị viết sai thành chữ ‘Ân’ (chữ Hán:‘殷’,cũng đọc là Yin). Vốn dĩ đây là hai chữ đồng thanh, lại là dịch âm, có thể dùng phổ biến như nhau, nhưng ngươi lại liên tục bác bỏ bắt sửa lại, khiến cho tiền cờ tinh mà bà ấy nhận được cũng không đủ làm lộ phí để đi tới đi lui.
Còn nữa, tại sao ngươi bị đánh rớt vì chữ ‘Dĩ’ (chữ Hán: ‘已’). Vị quan khảo đó kiếp trước là một Tri Huyện, ông ta phạm phải sai lầm khi đang tại chức, đã bị quan trên phạt ngưng cấp bổng lộc trong vòng 3 năm 1 tháng. Ngươi thấy không vòi được người ta tiền, nên đã đổi số 3 thành số 5, đổi số 1 thành số 10. Cho nên vị Tri Huyện này không chỉ bị phạt bổng lộc 5 năm 10 tháng, mà còn bị xử thêm tội danh khác.
Sau khi chuyện xảy ra xong thì vấn đề mới được làm rõ, ông ấy cũng đã bị xử oan hơn 1 năm trời. Người bị như vậy, kiếp này gặp ngươi, nghiệp báo còn đeo bám, ông ta có thể tha cho ngươi sao? Ngươi thì có oan uất nào để mà nói chứ?
Còn nhiều những chuyện khác nữa, cũng là gieo nhân rồi gặt quả, không thể tất cả đều kể lại cho ngươi được. Ngươi nên thuận theo nghịch cảnh, nghe theo số phận ý trời, chứ đừng oán trách thêm nữa. Nếu ngươi không tin, tương lai còn có vị tăng nhân gây khó cho ngươi nữa, đến lúc đó, ngươi sẽ hiểu ra tất cả”. Vị thần nói xong, thì sai người đưa Châu Mậu Quan ra ngoài.
Châu Mậu Quan đột nhiên tỉnh dậy sau giấc mộng, vẫn chưa hiểu được đoạn nói về tăng nhân. Lúc ấy, ông đang tá túc tại một ngôi chùa, vì mơ thấy giấc mộng này nên vội vàng dọn đồ rời khỏi.
Đến kỳ thi hương năm Ất Mão thời Ung Chính, khảo quan vốn đã chấm cho Châu Mậu Quan xếp thứ 13 trong bảng, nhưng trong đề thi cuộc thi thứ 2 có liên quan đến khái niệm về “Tăng đạo bái phụ mẫu”, trong đó có “Trường tập quân thân”, được trích dẫn ra từ câu văn “bất trung bất hiếu, cạo đầu rồi vái chào từ biệt” trong tác phẩm của Phó Dịch đời nhà Đường. Nhưng vị khảo quan nhận xét rằng lời văn của Châu Mậu Quan dài dòng lê thê, nên đã đánh rớt ông. Lúc này, Châu Mậu Quan mới tin rằng lời thần linh đã nói là không sai.
Cảm ngộ: Trong cuộc sống giữa người với người có không ít mâu thuẫn. Người này đối xử bất công, không tốt với người kia. Có người vừa gặp đã thấy thân quen, có người lần đầu gặp mà như đã có thù từ trước. Đó liệu có phải ngẫu nhiên? Theo nhà Phật thì đều là đang trong luân hồi mà hoàn trả nợ nghiệp. Có ân trả ân, có oán trả oán, không chệch đi đâu được. Thế nên thay vì oán trách số phận, oan oan tương báo, chi bằng thuận theo mệnh Trời, bình thản đối diện hết thảy. Lại khéo gieo trồng thiện duyên, mưa gió qua đi, nhất định sẽ có ngày thấy được cầu vồng.
(Trích từ: Quyển 15 “Duyệt vi thảo đường bút ký” tác giả Kỷ Hiểu Lam thời nhà Thanh)
Tuệ Tâm (Theo NTDTV)
Xem thêm: