Làm cha mẹ, dù thương xót con cái đến đâu, vẫn nên để chúng được tự lập, rèn luyện trong gian khổ. Hãy chỉ nên đứng phía sau, yên lặng nhìn chúng té ngã, tin tưởng và cổ vũ chúng. Đây mới thực sự là yêu thương con, một tình thương cao cả…
Làm người mẹ “che gió che mưa” cho con thì rất dễ, nhưng làm mẹ có thể chịu được “đao xuyên tim” lại không hề dễ dàng
Cha mẹ yêu thương, chăm sóc cho con cái là điều rất dễ hiểu. Thấy chăn mền của con quăng bừa bộn, liền giúp chúng gấp gọn; dây giày con không biết buộc, lại tự mình buộc giúp; tập lái xe bị ngã, liền để chúng vịn vào mình mà đứng dậy, thấy con cái khổ sở, thì liền dỗ dành, ôm ấp…
Làm một người mẹ che gió che mưa cho con thì rất dễ dàng, nhưng làm một người mẹ có thể chịu được “đao xuyên tim”, đứng sang một bên dõi theo, nhìn con cái tập chịu đựng gian khổ để có thể trưởng thành là vô cùng, vô cùng khó.
Nhiều khi, chúng ta coi một người mẹ như vậy là người tàn nhẫn, sao có thể đối xử với con trẻ như thế? Thế nhưng, trên đời không có cha mẹ nào có thể bao bọc cho con cái cả đời được. Chống chọi với gió mưa thì mới có thể chắp nên một đôi cánh mạnh mẽ, còn cả đời được bao bọc, sẽ khiến đôi cánh yếu ớt bất lực, có thể chết yểu giữa đường.
Là một người mẹ tốt, cần kìm nén được cảm xúc khó chịu của mình, chấp nhận thống khổ, làm bạn cùng con lớn lên, chứ không phải giúp đỡ con lớn lên. Đây chính là một khảo nghiệm rất lớn đối với những bậc làm cha mẹ.
Mỗi đứa trẻ đều phải chịu trách nhiệm cho cuộc sống của riêng mình
Chúng ta đều muốn bồi dưỡng cho con trẻ khả năng tự chăm sóc mình, nhưng khả năng này không phải cứ nói là làm được, mà là một quá trình gian khó, bắt đầu từ những bước đi đầu tiên va vấp xiêu vẹo, thực hiện một cách miễn cưỡng, rồi sau mới quen dần, cuối cùng trở nên thành thục.
Cứ thế cho đến khi đứa trẻ có khả năng tự sắp xếp việc ăn, mặc, ở của chính mình, điều này nhất định không phải bảo mẫu giúp đỡ mà được, cũng không phải là ông bà trợ giúp mà hoàn thành, lại càng không phải là do người mẹ yêu thương con mà trở thành như vậy.
Con gái tôi muốn ra ngoài đi học, tôi nghĩ cần phải đào tạo cho con biết cách nấu cơm, để cho con dù đi nơi nào cũng không đến nỗi bị đói. Thế nhưng, lúc bắt đầu, con bé chấp nhận không ăn cơm, không học cũng không làm. Nhìn bộ dạng con như vậy, kỳ thực trong tâm tôi rất rối bời, nhưng lại nghĩ rằng bản thân cần cứng rắn.
Bởi vì, tôi biết rõ bản thân sẽ không thể nào ở mãi bên con, mỗi bữa cơm đều chuẩn bị sẵn, mà chồng tôi cũng không có khả năng làm như vậy. Tương lai con bé sẽ phải tự mình làm mọi việc, còn phải học nấu ăn ba bữa một ngày cho tốt. Cho nên dù đau lòng thế nào, vẫn để cho con gái phải trải qua những huấn luyện gian khổ trước khi bước ra ngoài thế giới.
Xuôi gió xuôi nước, an nhàn thong thả, sẽ không thể khiến một người trưởng thành
Con cái cần ở trong những vấp váp, mới rút ra được kinh nghiệm cho riêng mình. Bởi vì không có một loại năng lực nào được sinh ra từ trong vui vẻ và nhàn hạ, năng lực đối mặt với sóng gió đều là từ thống khổ cùng thất bại mà bồi dưỡng nên.
Tại thời điểm lựa chọn giữa việc giúp đỡ con hay không, mặc dù khi đó trong nội tâm vô cùng khó chịu, nhưng khi bạn nghĩ đến tương lai con cái có thể sống được một mình, thì cay đắng này chính mình phải chịu nhận lấy. Cái khổ này, là nỗi khổ mà một người mẹ tất nhiên phải chịu đựng.
Đứa trẻ trưởng thành trong gian khổ thì nó nhất định sẽ thu được kinh nghiệm. Khi đứa trẻ vừa mới bắt đầu tập tễnh học bước đi, nếu như ngã xuống rồi, bạn lập tức nâng chúng dậy, mỗi lần như vậy, đứa trẻ vĩnh viễn sẽ không học được cách đi đường. Nhưng con đường đó nhất định cần chúng tự mình bước đi, hãy để cho con cái một cơ hội trưởng thành.
Người mẹ thực sự có năng lực, sẽ đào tạo con cái có thể một mình đối mặt với gió mưa
Sở dĩ một số gia đình nuôi dưỡng được những đứa trẻ to khỏe, mà nhân cách, năng lực lại có chỗ thiếu khuyết, cũng là bởi vì cha mẹ không giúp con cái hoàn thành từ những bước đi tập tễnh.
Một người mẹ thực sự có năng lực, có thể đào tạo ra một đứa trẻ biết chịu trách nhiệm về cuộc sống của mình. Mỗi việc làm, mỗi câu nói đều có thể trợ giúp con cái biết cách tự mình đối mặt với gió mưa cuộc đời, có khả năng chống chọi được với những nhấp nhô của cuộc sống.
Vì trợ giúp con trẻ trưởng thành, cần chịu đựng nội tâm thống khổ, là một loại trách nhiệm còn lớn hơn tình thương của mẹ. Hiện tại đối xử với đứa trẻ “tàn nhẫn”, chính là có trách nhiệm với trẻ trong tương lai.
Tuệ Tâm biên dịch