Đó là những loài cây có bộ phận mang hình dáng giống như “gò bồng đảo” của người phụ nữ hoặc có khả năng sản sinh ra “sữa”.
Trong những loài cây thú vị này, cẩm lai vú là loài cây khơi gợi trí tưởng tượng của con người nhiều nhất.
Đây là một loài cây gỗ lớn, cao từ 25-30m, đường kính có thể tới 80cm, được nhận dạng qua dáng thân tròn thẳng, vỏ màu xám nâu có nhiều vết loang trắng. Chúng thường mọc trong rừng hỗn giao ở các tỉnh Tây Nguyên và miền Nam như Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắc, Đồng Nai, Tây Ninh…
Quả cẩm lai vú. Ảnh: Vncreatures.net. |
Điều làm nên tên gọi là của cẩm lai vú là những chùm quả lạ lùng của chúng. Quả cẩm lai vú có dạng dẹt, mỏng, dài 5-9cm, rộng 2,5-3,5cm, đuôi nhọn dần, mép quả mỏng thành cánh, chính giữa quả có hạt gồ lên với hình dáng như… vú. Thông thường, quả cẩm lai vú chỉ có một hạt, nhưng cũng có trường hợp có cả hai “vú” trên cùng một quả.
Hiện tại, cẩm lai vú đang biến mất dần khỏi các khu rừng Việt Nam do gỗ của chúng được coi là một thứ gỗ quý, bị khai thác ráo riết để làm đồ dùng cao cấp.
Quả vú sữa được nhiều người Việt Nam ưa chuộng. |
Không lạ lẫm như cẩm lai vú, một loài cây mọc “vú” khác rất quen thuộc đối với người Việt Nam, đó là cây vú sữa. Có nguồn gốc ở các vùng đất thấp của Trung Mỹ và Tây Ấn Độ, ngày nay loài cây này được trồng nhiều ở các tỉnh miền Nam để lấy quả.
Quả vú sữa có hình tròn, vỏ màu xanh ngả nâu hoặc màu tía khi chín. Các múi thịt bên trong quả sắp xếp theo kiểu hình sao. Loại quả vỏ màu tía có lớp vỏ dày hơn và cùi thịt đặc hơn, còn loại quả vỏ màu nâu – xanh có vỏ mỏng và cùi thịt nhão. Nước quả vú sữa có màu trắng đục như sữa với hương vị ngọt, thơm dịu dàng. Loại quả này thường được ăn tươi.
Trong dân gian, cây và quả vú sữa gắn với sự tích về một cậu bé ham chơi bỏ nhà đi, khi về thì mẹ đã hóa thành một loài cây có quả chứa những dòng sữa trắng ngọt thơm như sữa mẹ.
Cây vú sữa đất. |
Cũng có tên là “vú sữa”, nhưng vú sữa đất là một loài cây hoàn toàn khác với vú sữa quả. Còn có tên gọi khác là cỏ sữa lá lớn, chúng mọc hoang ở nơi có độ ẩm phù hợp, có khi là ngay bên lề đường. Loài cây này được gọi là “vú sữa” do toàn thân có mủ nhựa màu trắng như sữa.
Dân gian thường sử dụng vú sữa đất làm vị thuốc để thông sữa, lợi sữa cho bà mẹ mới sinh con. Công dụng điều trị bệnh tiểu đường của chúng cũng đang được giới y học quan tâm.
Cây vú bò. |
Giống như vú sữa đất, tên gọi của cây vú bò bắt nguồn từ những giọt mủ trắng chảy ra khi bẻ ngang thân.
Đây là một loài cây bụi cao 1-2m, thân thẳng đứng, có lông bao phủ. Vốn là cây dại mọc trong rừng thứ sinh của các tỉnh từ vùng núi thấp đến trung du và đồng bằng nước ta, vú bò đã được đưa về trồng ở các vườn thuốc nam. Chúng còn có những tên gọi khác như vú bò sẻ, vú lợn, ngải phún, sung ba thùy.
Rễ, mủ và phần của cây vú bò được sử dụng trong Đông y làm các vị thuốc có tác dụng chữa phong thấp tê bại, ho do phế lao, ra mồ hôi trộm, chân tay mệt mỏi vô lực, ăn ít bụng trướng, thuỷ thũng, viêm gan, bạch đới, sản hậu không có sữa…
(Theo Đất Việt)