Việc phát hiện ra một hộp sọ hóa thạch ở Kazakhstan đang khiến các nhà khảo cổ viết lại dòng thời gian của kỳ lân Siberia. Loài động vật ấn tượng này là một con kỳ lân thật, mặc dù nó không giống hoàn toàn hình ảnh kỳ lân trong truyện cổ tích mà chúng ta thường thấy.
Bề ngoài của kỳ lân Siberia gần giống một con tê giác hơn một con ngựa, và nó có vóc người tương tự như voi ma mút. Với chiều cao gần 2 m, dài khoảng 4,5m, kỳ lân Siberia có trọng lượng lên đến hơn 4 tấn.
Đặc điểm dễ nhận dạng nhất của loài kỳ lân này là chiếc sừng, được cho là dài hơn so với sừng tê giác. Môi trường sống của nó là lãnh thổ rộng lớn từ sông Don ở Nga sang phía Đông của Kazakhstan ngày nay.
Kỳ lân Siberia lần đầu tiên xuất hiện trong các hóa thạch 2,5 triệu năm trước, được cho là đã tuyệt chủng 350.000 năm trước đây. Nhưng phát hiện của các nhà nghiên cứu từ trường Đại học bang Tomsk ở Siberia, Nga gần đây dường như cho thấy loài kỳ lân này có thể đã tồn tại lâu hơn nữa.
Trong thực tế, loài thú này và con người có thể đã gặp nhau, kể từ khi tổ tiên của chúng ta bắt đầu di cư rộng khắp châu Á hơn 50.000 năm trước và có thể đã đến Siberia khoảng 35.000 năm trước đây.
Hộp sọ được bảo quản khá tốt được tìm thấy trong khu vực Pavlodar Priirtysh, phía Đông Bắc Kazakhstan. Bằng cách sử dụng phương pháp đo đồng vị phóng xạ carbon, các nhà khảo cổ kết luận nó có độ tuổi khoảng 29.000 năm.
“Nhiều khả năng, hộp sọ thuộc về một con đực lớn. Kích thước của loài tê giác này là lớn nhất so với những con được mô tả trong các tài liệu”, ông Andrey Shpanski, một nhà cổ sinh học tại Đại học bang Tomsk cho biết.
Tại sao một con kỳ lân Siberia có thể sống rất lâu sau khi phần còn lại của loài này được cho là đã tuyệt chủng? Các nhà khoa học có một số giả thuyết: “Nhiều khả năng, phía Nam của vùng Tây Siberia là một khu vực có khí hậu ôn hòa, nơi loài tê giác này vẫn có thể tồn tại thêm một thời gian nữa”, ông Shpanski nói.
Theo Mother Nature Network