Tinh Hoa

Kỳ lạ vũ khí trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng ngàn năm vẫn không rỉ sét

Những vũ khí của đội quân đất nung trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng sau hàng ngàn năm vẫn còn rất tinh xảo, sắc bén, mặc dù môi trường xung quanh đều là nền đất ẩm ướt.  Bí ẩn này đã làm đau đầu rất nhiều chuyên gia trong những năm qua.

Lăng mộ Tần Thủy Hoàng cho đến nay vẫn chứa nhiều bí ẩn đối với các nhà khoa học. (Ảnh: Wanderlust Tips)
Tần Thủy Hoàng (210 – 259 TCN) là vị hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc, có công thống nhất đất nước và có tầm ảnh hưởng rất lớn trong lịch sử của quốc gia này. Ông để lại nhiều công trình khổng lồ, kỳ vĩ nhưng còn không ít nghi vấn cho hậu thế dù đã yên nghỉ hơn 2.000 năm qua.

Hai công trình nổi bật nhất mà Tần Thủy Hoàng từng khởi công xây dựng là Vạn Lý Trường Thành và quần thể khu lăng mộ của chính ông. Cho đến ngày nay, nhiều bí ẩn xoay quanh quần thể khu lăng mộ của Tần Thủy Hoàng vẫn khiến các nhà khoa học đau đầu vì chưa thể tìm ra lời giải thích rõ ràng.

Lăng mộ Tần Thủy Hoàng được phát hiện vào năm 1974, nằm ở phía bắc núi Ly Sơn thuộc địa phận tỉnh Thiểm Tây, cách Tây An 50 km về phía đông.

Đội quân đất nung “trấn yểm” lăng Tần Thủy Hoàng. (Ảnh: Ciberia)

Sau nhiều năm nỗ lực làm việc, các nhà khoa học Trung Quốc và quốc tế đã phát hiện ra hơn 8.000 bức tượng binh sĩ đất nung cùng nhiều hiện vật quý giá khác sau hơn 2.000 năm “ngủ yên” với sứ mệnh bảo vệ cho thế giới bên kia của hoàng đế Tần Thủy Hoàng.

Với các nhà sử học, lăng mộ của ông là cả một kho tàng tri thức, ẩn chứa những chủ đề đầy bí ẩn và tò mò. Một trong số đó chính là số vũ khí bằng đồng – gồm hơn 40.000 món nằm rải rác trong khu di tích.

Bí ẩn nằm ở chỗ, trải qua hơn 2.200 năm dưới nền đất ẩm ướt, số vũ khí này vẫn cực kỳ sắc bén, thậm chí có phần bóng loáng – một điều thực sự không tưởng. Số vũ khí nằm rải rác trong mộ Hoàng đế bao gồm gươm kiếm, rìu chiến, cung nỏ với đầu bịt kim loại…

Vũ khí của đội quân đất nung hơn 2.000 năm tuổi. (Ảnh: Pugam)

Những vũ khí này đều được làm hoàn toàn thủ công qua các bàn tay, và sức sáng tạo của những người thợ tài hoa lúc bấy giờ. Trong một nghiên cứu được đăng trên tạp chí Antiquity chỉ rõ rằng những người thợ thủ công đã chia ra thành nhiều nhóm nhỏ và chế tác tỉ mỉ từng vũ khí của binh lính đất nung trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng từ các mảnh đồng với nhiều kích cỡ khác nhau.

Theo các học giả dòng chính, thời nhà Tần, đồng là kim loại chủ yếu, nên tất cả các vũ khí này đều được làm bằng đồng. Tuy nhiên, các vật dụng bằng đồng qua thời gian phải bị oxy hóa thành sắc xanh lá cây. Nhưng số vũ khí này thì không hẳn, chúng nghiêng về màu xám kim loại nhiều hơn, đặc biệt là ở phần lưỡi sắc.

Những mũi tên bằng đồng sắc bén, có thể giết chết kẻ địch chỉ với một lần bắn. (Ảnh: A Blog About History)

Tại sao vậy? Bí ẩn này đã làm đau đầu rất nhiều chuyên gia. Bản phân tích do Viện nghiên cứu Kim loại Trung Quốc và Học viện khoa học khảo cổ quốc gia cho rằng,  số vũ khí này đã được phủ lên một lớp oxit crom dày 10 – 15 micron (1 micron = 1/1000 mm), chiếm khoảng 2% khối lượng kim loại. Lớp oxit này rất bền vững, và chính nó đã bảo vệ phần kim loại bên trong khỏi sự tấn công của thời gian.

Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ lớp oxit này ở đâu ra? Theo lịch sử hiện đại, phương pháp phủ crom để chống hao mòn kim loại mới xuất hiện tại Đức từ năm 1937. Người Mỹ áp dụng phương pháp này thậm chí còn gần đây hơn – tận năm 1950. Vậy mà, người Trung Quốc cổ đại đã áp dụng nó từ tận 2.200 năm trước.

Kiếm trong lăng Tần Thủy Hoàng lại có màu xám do được phủ crom. (Ảnh: PinsDadd)

Năm 2003, GS. Frank Walsh từ ĐH Southampton đưa ra giả thuyết cho rằng trong quá trình rèn kiếm, nhiệt và carbon đã khiến các phân tử crom xâm nhập lên bề mặt thanh kiếm. Nó lan toả ra, trở thành một lớp bảo vệ vững chắc một cách tự nhiên.

Tuy nhiên, nhiều người không đồng tình với lời giải thích này, vì chỉ phần lưỡi sắc, các khu vực khác trên thanh kiếm vẫn bị rỉ sét, ăn mòn khá nghiêm trọng. Nếu như là quá trình tự nhiên, tại sao nó không lan đều hơn ra toàn bộ thanh kiếm?

Hơn nữa, theo một số ý kiến của các nhà sử học, có vẻ như trình độ rèn kiếm của người Trung Quốc xưa kia thực sự rất đáng khâm phục. Ví dụ như thanh Câu Tiễn của Việt vương từ thời Xuân Thu trước đó cũng được làm bằng đồng, nhưng lại ở trong trạng thái sắc bén và sáng bóng dù đã hơn 2.000 năm tuổi.

Thanh kiếm của Việt vương Câu Tiễn, hiện được trưng bày trong bảo tàng Hồ Bắc – Trung Quốc. (Ảnh: PinsDaddy)
 

Các xét nghiệm cho thấy, phần thân kiếm chủ yếu làm bằng đồng, nhưng phần cạnh có tỉ lệ thiếc cao, và thành phần được trộn cả lưu huỳnh để tăng độ sáng bóng. Điều này chứng tỏ, việc pha trộn các kim loại khác nhau để tăng độ bén và khả năng bảo quản cho kiếm là kỹ thuật đã tồn tại ở Trung Quốc từ rất lâu rồi, hoàn toàn khác với lý thuyết hiện đại cho rằng thời gian đó công nghệ sản xuất của loài người còn rất thô sơ. Có lẽ vì thế mà trong thời gian hoàng đế Tần Thủy Hoàng cai trị, Trung Quốc lại lớn mạnh và phát triển đến vậy.

Hồng Liên (t/h)