Các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu về đại dịch virus corona bùng phát từ Vũ Hán, Trung Quốc đã giết chết hơn 6.000 người và lây nhiễm cho hơn 167.000 người trên toàn thế giới. Tuy nhiên, một trong những khúc mắc ở đây chính là vì sao chủng virus này lại ít lây nhiễm đối với trẻ nhỏ?
Trận đại dịch được báo cáo có dấu hiệu bùng phát từ ngày 31/12, nhưng phải tới ngày 22/1 mới bắt đầu xuất hiện ca lây nhiễm đối với trẻ em dưới 15 tuổi.
Kể từ đó đến đầu tháng 2, các bác sĩ chỉ ghi nhận được vài trường hợp trẻ em bị lây nhiễm virus corona: Trường hợp thứ nhất vào ngày 25/1 là một bé gái 9 tháng tuổi tại Bắc Kinh, nhưng đến ngày 14/2 bé đã hồi phục.
Trường hợp khác là một đứa trẻ tại Đức bị lây nhiễm virus từ bố và 1 đứa trẻ bị lây nhiễm nhưng không có triệu chứng phát bệnh cụ thể tại Thâm Quyến, Trung Quốc.
Vào 5/2, chính quyền Trung Quốc xác nhận thêm 1 đứa bé sơ sinh dương tính với virus corona chỉ sau 30 giờ được sinh ra, nguyên nhân là do mẹ của đứa bé đã mang trong mình chủng virus này. Tuy nhiên, sau đó bé đã khỏe mạnh trở lại và được xuất viện vào 21/2.
“Đây là phát hiện bất thường, các chủng virus corona thông thường khác có vẻ ảnh hưởng tới trẻ em và người lớn như nhau. Nhưng chủng này, vì lý do nào đó, rõ ràng tác động đến người lớn nhiều hơn”, bác sĩ Frank Esper, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại bệnh viện Cleveland Clinic Children cho biết.
Ngoài ra, một nghiên cứu trong khoảng thời gian gần đây trên 745 trẻ em Trung Quốc chỉ xác định được 10 trẻ em bị nhiễm bệnh. 7 trong số những đứa trẻ đó bị sốt – triệu chứng phổ biến của bệnh viêm phổi Vũ Hán, một số ít bị ho, đau họng và sổ mũi. Tuy nhiên, không trẻ nào có dấu hiệu viêm phổi rõ ràng trong kết quả chụp X-quang, trong khi đây là một dấu hiệu nổi bật của dịch viêm phổi ở người lớn.
Tương tự, một nghiên cứu gần đây khảo sát trên 44.672 người bị nhiễm virus Vũ Hán cho thấy trẻ em dưới 10 tuổi chỉ chiếm chưa đến 1% và không có trẻ em nào trong số 1.023 trường hợp tử vong.
Ông Richard Martinello, một giáo sư chuyên ngành bệnh truyền nhiễm tại Viện Y học của Đại học Yale cũng chia sẻ với tờ Business Insider:
“Những diễn biến và uẩn khúc nhìn nhận được tính đến nay cho thấy chủng virus này chủ yếu gây bệnh cho người trưởng thành. Tất cả những báo cáo về các trường hợp lây nhiễm tại Trung Quốc đều tới từ các bệnh viện cho người trưởng thành chứ không phải từ bệnh viện nhi. Điều này cho thấy trẻ em chưa phải nhóm đối tượng chính bị lây nhiễm.”
Theo các chuyên gia sức khỏe, đây là một tín hiệu tốt, bởi trẻ em là đối tượng thường ít khi vệ sinh tay, đeo khẩu trang và hay chạm vào người khác. Tất cả những hành vi kể trên đều là những hành vi khiến người ta dễ bị lây nhiễm virus.
“Tôi là một bác sĩ nhi khoa và tôi rất yêu quý trẻ em. Nhưng trẻ em lại là đối tượng có thể làm đại dịch trở nên trầm trọng. Sẽ dễ dàng hơn để chỉ dẫn người lớn thực hiện các hành vi ngăn ngừa lây truyền bệnh bởi dù trẻ em có bị lây nhiễm thì chúng vẫn sẽ muốn nghịch ngợm và chơi đùa với bạn bè, anh chị em của mình.
Phòng ngừa trẻ em bị lây nhiễm không chỉ là bảo vệ cho trẻ mà còn là bảo vệ cho toàn dân, bởi nếu dịch bệnh này xảy ra nhiều ở nhóm đối tượng nhỏ tuổi thì nguy cơ bùng phát còn nặng nề hơn”, ông Aaron Milstone, một nhà dịch tễ học và giáo sư nhi khoa tại trường Đại học Johns Hopkins chia sẻ.
Số trẻ bị nhiễm virus SARS cũng không nhiều
Một điều nữa là các triệu chứng của chủng virus corona này có nhiều điểm tương đồng với triệu chứng của bệnh viêm phổi và cúm như sốt, ho, mệt mỏi, đau đầu, khó thở và viêm họng. Đồng thời cũng có nhiều điểm tương đồng đáng kinh ngạc với virus SARS.
Được biết, virus SARS trước đây đã lây nhiễm cho hơn 8.000 người và khiến 774 người tử vong trong giai đoạn từ tháng 11/2002 đến tháng 7/2003.
Tuy nhiên, số lượng trẻ em bị lây nhiễm virus này cũng không nhiều: chỉ có 80 trường hợp được chẩn đoán bị lây nhiễm và 55 trường hợp thuộc nhóm nghi nhiễm. Và hầu hết trẻ em bị lây nhiễm đều xuất hiện triệu chứng sốt, một số còn ho và nôn mửa.
Báo cáo năm 2007 của các chuyên gia từ Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh xác nhận, trẻ em bị lây nhiễm SARS từ 12 tuổi trở xuống sẽ xuất hiện các triệu chứng nhiễm bệnh nhẹ hơn ở người lớn.
Hiện các nhà khoa học vẫn chưa có lời giải đáp rõ ràng cho những hiện tượng này. Chỉ có 2 giả thuyết cho nguyên nhân tại sao trận đại dịch virus corona hiện nay không lây nhiễm nhiều ở trẻ em: Một là do chúng ít bị phơi nhiễm trong môi trường dịch bệnh, hoặc hai là cơ thể của chúng có cơ chế phản ứng với virus khác với người trưởng thành.
Thanh Thiên (Theo Science Alert)