Khu rừng Aokigahara phía Tây Bắc núi Phú Sĩ (Nhật Bản) có một lịch sử ghê rợn đến nỗi nó còn có cái tên khác là khu rừng tự sát. Ước tính có khoảng 100 người đã tự tử thành công ở đây mỗi năm. Nhiều người tin rằng hồn ma của những người tự sát vẫn còn vất vưởng trong khu rừng.
Aokigahara là nơi người ta tìm đến để tự sát nhiều thứ hai thế giới
Khu rừng rộng 35 km2, nằm ở chân ngọn núi cao nhất Nhật Bản, với cây cối mọc đan xen dày đặc khiến con người ta rất dễ lạc và thực sự phần nhiều những con người khi tìm đến khu rừng này đều không có ý định trở về.
Theo báo cáo của chính phủ Nhật Bản, đây là nơi có số lượng người tự tử lớn thứ hai trên thế giới, sau cây “cầu tự tử” Golden Gate, ở San Francisco của Mỹ.
Được biết, năm 2002, 78 thi thể được tìm thấy trong khu rừng này phá vỡ kỉ lục trước đó là 73 vào năm 1998. Đến đầu tháng 5/2006 có ít nhất 16 vụ tự tử mà thi thể người được tìm thấy.
Theo hồ sơ của cảnh sát địa phương, trong năm 2010 có 247 người đã cố tự tử trong rừng Aokigahara và 54 người đã đạt được mục đích. Quan chức địa phương và người dân tin rằng, con số thực tế còn cao hơn nhiều.
Đến nay, thống kê tỉ lệ tự sát tại Aokigahara thường dao động bởi lẽ khu rừng quá rậm rạp nên nhiều thi thể có thể không được tìm thấy trong nhiều năm trời hoặc thậm chí mất tích mãi mãi. Ước tính có khoảng 100 người đã tự tử thành công ở đây mỗi năm.
Khu rừng có sẵn vẻ rùng rợn…
Không kể cái tai tiếng của nó, tự bản thân khu rừng đã toát lên vẻ kinh dị. Những cây ở đây xoắn vặn lạ thường, với những rễ cây xấu xí mọc ngang dọc trên nền đất.
Thêm nữa, vì đây vốn là ở chân ngọn núi, nên nền đất không hề bằng phẳng mà gồ ghề sỏi đá, lại thêm hàng trăm hang động lớn nhỏ.
Bên cạnh địa hình hiểm trở, nơi đây còn tạo cảm giác cô đơn trống trải do sự yên lặng kì quái của nó. Cây cối ở đây mọc san sát nhau nên gió không thể len qua được, động vật cũng thưa thớt.
Một vị khách đã mô tả sự vắng lặng nơi đây như “khoảng không trống rỗng” và nói thêm rằng: “Tiếng thở của tôi nghe to như tiếng gầm vậy” để nhấn mạnh sự yên tĩnh đáng sợ của khu rừng.
Bị ám bởi những hồn ma
Những người đầu tiên bị thiệt mạng trong khu rừng tự sát là từ một tục lệ có từ thế kỷ 19 gọi là ubasute (bỏ rơi một người phụ nữ lớn tuổi). Sau đó nó được đổi tên thành oyasute (bỏ rơi cha mẹ). Theo phong tục này, họ sẽ mang theo một thân nhân ốm yếu hoặc người cao tuổi đến một ngọn núi (một nơi xa xôi hoang vắng), và để mặc người đó lại cho đến chết. Họ sẽ chết một cách khá đau đớn do mất nước, đói khát, hoặc tai nạn. Đây được coi là một hình thức chết êm dịu.
Người dân địa phương tin rằng khu rừng tự tử bị ám ảnh bởi những nạn nhân của tục lệ ubasute và oyasute.
Yurei (những hồn ma chịu một cái chết tàn bạo và không tự nhiên, cũng như những con quỷ), đúng như tên gọi, đã trở thành những con ma báo thù không ngừng rình mò trên những cành cây cong. Tengu (những con quỷ giống chim) cũng được cho là ám ảnh nơi này, và một số du khách khẳng định đã nhìn thấy những bóng ma trắng bay lượn giữa các lùm cây.
Nhiều người tin rằng hồn ma của những người tự sát vẫn còn vất vưởng trong khu rừng. Người dân cho rằng họ là những linh hồn đầy hận thù và muốn tra tấn những khách viếng thăm bằng cách dẫn dụ những người có chuyện đau buồn hoặc bị lạc nảy sinh ý định tự vẫn.
Năm mươi nhà sư đã xây dựng một bàn thờ tạm trong bãi đậu xe để cầu nguyện cho sự yên nghỉ của các linh hồn gặp rắc rối ở Aokigahara. Người ta kể rằng một trong những nhà sư Phật giáo tên Kyomyo Fukui đã nói rằng:
“Các linh hồn kêu gọi những người đến đây tự sát. Đó là các linh hồn của những người trước đây đã từng tự tử”.
Một số khác tin rằng, Aokigahara có liên quan đến… quỷ dữ. Nhiều câu chuyện kể lại, rừng Aokigahara là nơi sống của những linh hồn người chết yểu hoặc bị đột tử.
Gốc cây là nơi chứa những nguồn năng lượng tiêu cực, ma quỷ trong rừng đã “thúc” bất cứ ai tới đây cũng buồn chán và nghĩ đến chuyện tự sát, không cho họ thoát ra khỏi cánh rừng.
Một giả thuyết nữa về những cái chết nơi đây là do các mỏ thép ngầm khiến la bàn trở nên vô dụng, không thể định hướng. Đó là một trong những lý do nhiều người bị lạc trong cánh rừng, không bao giờ có thể trở ra.
Tác phẩm văn học nổi tiếng thu hút càng nhiều người đến với khu rừng
Vào năm 1960, nhà văn Seicho Matsumoto đã ra mắt cuốn bi tiểu thuyết có tên “Kuroi Jukai”, trong đó nhân vật chính sau khi trải qua cuộc tình đau thương đã lựa chọn Aokigahara làm nơi kết liễu cuộc đời.
Khu rừng cũng từng làm mưa làm gió làng văn học Nhật Bản khi xuất hiện trong cuốn sách bán chạy nhất của nhà văn Wataru Tsurumui mang tên “Hướng dẫn hoàn chỉnh cho việc tự sát”. Quyển sách này thường được tìm thấy trong số tư trang còn sót lại của những người đã ra đi tại đây.
Tháng 1 năm nay, bộ phim “The Forest” dựng nên dựa trên những lời đồn thổi về khu rừng này đã được công chiếu ở rạp, poster của bộ phim nói lên sự liêu trai của khu rừng này.
Những nỗ lực cảnh báo từ phía nhà chức trách
Do tỉ lệ tự tử quá cao, chính phủ Nhật Bản đã thực thi nhiều biện pháp để cố gắng giảm con số này đi 20 phần trăm trong vòng 7 năm tới. Một trong số đó là lắp đặt các máy quay an ninh tại lối vào của khu rừng tự sát và tăng số lượng nhân viên bảo vệ ở đây.
Chính quyền địa phương thậm chí đã cho đặt những tấm biển có đề dòng chữ: “Hãy suy nghĩ lại. Xin hãy tham khảo ý kiến các nhà tư vấn trước khi bạn có quyết định tìm đến cái chết” ngay trước cửa rừng và treo trên thân cây khắp khu rừng.
Chuyện kể của những người đi giải cứu, tìm người
Những tình nguyện viên rà soát khu vực để tìm kiếm thi thể và những người đang có ý định tự vẫn thường đánh dấu đường đi bằng băng dính quấn quanh thân cây để tránh bị lạc trong mê cung xum xuê lá này. Nếu không làm vậy, họ dễ bị mất phương hướng và có thể bị lạc mãi mãi.
Dưới lòng đất của khu rừng tự sát có dày đặc quặng sắt mang từ trường, làm nhiễu sóng của điện thoại di động, các thiết bị định vị GPS, thậm chí cả la bàn cũng bị ảnh hưởng.
Đó là lý do việc sử dụng băng dính để dẫn đường lại quan trọng đến vậy. Tuy nhiên, một số người tin rằng đấy là do ma quỷ ẩn hiện trong bóng tối của khu rừng gây ra.
Theo tamsugiadinh.vn