Tuy đều là tiểu thư nhà quyền quý, xinh đẹp tuyệt trần nhưng số phận của 12 cô gái trong Kim Lăng thập nhị thoa chính sách lại khá sầu bi, người thì ôm hận đến cuối đời, người lại phải tha hương nơi đất khách.
1. Lâm Đại Ngọc
Nàng là con gái duy nhất của Lâm Như Hải và Giả Mẫn, cháu ngoại Giả Mẫu, cháu ruột Giả Xá, Giả Chính, em họ của Giả Nguyên Xuân, Giả Bảo Ngọc, Giả Thám Xuân, Giả Hoàn, Giả Liễn, Giả Nghênh Xuân. Đại Ngọc từ bé lớn lên ở thành Dương Châu, là con gái một nên được bố mẹ yêu quý như ngọc, lại được mời thầy là Giả Vũ Thôn về dạy học. Đến năm Đại Ngọc lên 5 thì mẹ mất. Tang ma xong, Giả Mẫu thương nàng không còn mẹ yêu thương nên đón đến Vinh Quốc phủ chăm sóc. Đến năm 14 tuổi thì Lâm Như Hải cũng qua đời.
Dù là cô nhi ăn nhờ ở đậu nhưng nàng bản tính thanh cao, hồn nhiên thẳng thắn. Đại Ngọc cùng Bảo Ngọc đều không theo khuôn thước phong kiến, cũng không khuyến khích cậu đi theo quan lộ. Nàng coi thường công danh quyền quý, khi Bảo Ngọc tặng Đại Ngọc chuỗi hạt châu quý báu do hoàng thượng ban cho Bắc Tĩnh vương, nàng nói: “Cái thứ mà hạng con trai thôi tha đã cầm rồi, em không nhận đâu!” Nàng và Bảo Ngọc cùng chung lý tưởng và chí thú, thật lòng yêu nhau nhưng Giả Mẫu và mọi người lại tàn nhẫn bóp chết tình yêu này, khiến Lâm Đại Ngọc khóc cạn nước mắt mà qua đời.
2. Tiết Bảo Thoa
Nàng là một trong ba nhân vật chính trong tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc Hồng Lâu Mộng của nhà văn Tào Tuyết Cần, một trong Kim Lăng thập nhị thoa chính sách. Tiết Bảo Thoa là con gái của Tiết phu nhân, được xem là viên ngọc minh châu của nhà họ Tiết – một trong tứ đại gia tộc ở đất Kim Lăng với tài phú kinh người.
Nàng là một người vô cùng xinh đẹp, cốt cách oánh nhuận, phong thái thanh nhã. Nàng hứng thú với con đường làm quan trị nước, khuyến khích Bảo Ngọc đi gặp các quan viên thảo luận về con đường làm quan trị nước nhưng bị Bảo Ngọc ngầm trách là “lời nói hỗn trướng”. Bảo Thoa tuân thủ nghiêm ngặt phụ đức phong kiến, hơn nữa cách đối nhân xử thế rất tốt, có thể thu phục nhân tâm, được trên dưới Giả phủ tán dương.
Trên người nàng đeo một chiếc khoá vàng có khắc tám chữ “bất ly bất khí, phương linh vĩnh kế” (không xa lìa, không rời bỏ, tuổi thơm được lâu bền mãi) hợp với tám chữ khắc trên viên ngọc của Giả Bảo Ngọc “mạc thất mạc vong, tiên thọ hằng xương” (đừng đánh mất, đừng bỏ quên, tuổi tiên được khoẻ mạnh mãi) thành một câu đối. Tiết phu nhân từ sớm đã tiết lộ: “Con có khóa vàng này vừa xứng với người có ngọc“.
Tại Giả phủ, dưới tay Vương phu nhân lo liệu, Bảo Ngọc bị ép lấy Tiết Bảo Thoa. Vì cả 2 không cùng chung lý tưởng và chí thú, Bảo Ngọc lại không thể quên tri âm là Lâm Đại Ngọc nên không lâu sau khi kết hôn cậu liền xuất gia làm hòa thượng. Tiết Bảo Thoa đành phải sống cảnh cô quạnh, ôm hận đến cuối đời.
3. Vương Hy Phượng
Tên thường gọi của Vương Hy Phượng là Phượng thư hay mợ Hai, là con dâu của Giả Xá, Hình Phu nhân, vợ chính thất của Giả Liễn, mẹ của Giả Xảo Thư, cháu ruột của Vương Tử Đằng, Vương phu nhân, Tiết phu nhân. Nàng có đôi mắt phượng, mày cong lá liễu, vóc người óng ả, dáng điệu phong lưu, thật là: Mặt phấn đầy xuân trông vẻ dịu. Làn son chưa hé miệng như cười.
Nàng thông minh sắc sảo, được Giả Mẫu và Vương phu nhân tín nhiệm rất cao, trở thành đại quản gia của Giả phủ. Ngồi trên bảo tọa quản lý mấy trăm người trong Giả phủ, Phượng thư dùng tài ăn nói và uy thế của mình để đạp dưới luồn trên với mục đích chiếm quyền và thầm tích lũy của cải.
Dù xinh đẹp nhưng Hy Phượng lại là người phụ nữ đanh đá, chanh chua, cay nghiệt và độc ác nên có biệt danh là Phượng ớt. Nàng thủ đoạn tàn nhẫn, khả năng tùy cơ ứng biến rất cao, hại chết nhiều người. Tuy loại đệ tử hoàn khố như Giả Thụy chết chưa hết tội nhưng y đã bị Phượng thư trả thù tàn khốc bằng “kế tương tư độc địa”. Nàng “lộng quyền ở chùa Thiết Hạm” nhận hối lộ 3.000 lạng bạc, khiến Lý công tử và Trương Kim Kha tự tử. Long nhị tỷ và thai nhi trong bụng nàng cũng bị Phượng thư hại chết bằng cách tàn nhẫn nhất, xảo trá nhất. Nàng thậm chí ngang nhiên tuyên bố: “Xưa nay ta chẳng tin sự báo ứng âm ty địa ngục gì cả. Bất cứ việc gì ta đã làm là làm“.
Nàng vô cùng tham lam, ngoại trừ nhận hối lộ Phượng ớt còn phát tiền tiêu hàng tháng trễ để cho vay nặng lãi, riêng việc nãy đã giúp vốn riêng của nàng hàng tháng tăng thêm mấy trăm thậm chí đến cả ngàn lạng bạc. Khi xét nhà, quan sai phát hiện trong phòng Hy Phượng 5-7 vạn lạng bạc cùng một hộp khế cho vay. Mọi hành động của nàng được cho là nguyên nhân làm suy tàn gia tộc họ Giả, rơi vào kết cục “ky quan toán tẫn thái thông minh, phản toán liễu khanh khanh tính mệnh“, tức là bày mưu tính kế quá thông minh trái lại lại mưu tính đến tính mạng của người thân.
4. Lý Hoàn
Lý Hoàn tên chữ là Cung Tài, là vợ góa của Giả Châu, mẹ của Giả Lan, mợ cả của Vinh phủ, con dâu của Giả Chính, Vương phu nhân, chị dâu góa của Giả Bảo Ngọc, Giả Nguyên Xuân, Giả Thám Xuân, Giả Hoàn. Nàng cũng xuất thân từ danh gia ở đất Kim Lăng, phụ thân là Lý Thủ Trung là Quốc tử Tế tửu. Nàng từ nhỏ được phụ thân dạy bảo “Nữ tử vô tài tiện thị đức” (Phụ nữ không có tài, chính là đức), chỉ học một số chữ, nhớ vài truyện hiền nữ thuộc các triều đại trước, hàng ngày thêu thùa canh cửi và làm việc vặt là chính.
Giả Châu chưa đến 20 tuổi đã qua đời, từ đó Lý Hoàn một mực thủ tiết. Nàng là người phụ nữ xinh đẹp, một điển hình cho tiết phụ, hiền nữ tuân thủ nghiêm ngặt lễ pháp truyền thống. Dù sống trong nhung lụa nhưng nàng rất thờ ơ lãnh đạm, không mưu cầu danh lợi, tranh đoạt địa vị trong phủ, chỉ biết chăm lo cho con trai, lúc rãnh rỗi thì đảm đương việc nữ công gia chánh với em chồng, đọc thơ. Đây là nhân vật có tính cách đối lập với Vương Hy Phượng.
5. Giả Nguyên Xuân
Nàng là trưởng nữ của Giả Chính và Vương phu nhân, vì sinh vào đúng ngày mùng 1 tháng Giêng nên được đặt tên là Nguyên Xuân và cũng là cô cả trong Giả phủ tứ xuân. Lúc nhỏ nàng do Giả Mẫu giáo dưỡng. Với tư cách trưởng tỷ hơn Bảo Ngọc 10 tuổi, Nguyên Xuân đã dạy Bảo Ngọc đọc sách biết chữ từ lúc 3-4 tuổi, tuy là chị em nhưng giống như mẹ con. Sau này đến tuổi vì hiền hiếu tài đức nên được tuyển vào cung làm Nữ sử, không lâu sau được phong Hiển Đức phi, coi giữ cung Phượng Tảo.
Nguyên Xuân được vua ban ơn cho về thăm nhà một lần, lúc đó Vinh Quốc phủ đã đặc biệt xây dựng Đại Quan viên để nghênh đón nương nương. Quan viên này vô cùng tráng lệ, đẹp đẽ, ngay cả Nghênh Xuân cũng cảm thấy quá lãng phí! Hiển Đức phi dù giúp Giả phủ “liệt hỏa phanh du, tiên hoa trứ cẩm chi thịnh“, tức thịnh vượng rực rỡ như ngọn lửa, nhưng đánh đổi lại nàng phải sống tịnh mịch bị vây trong thâm cung. Lúc về thăm nhà, nàng vừa khóc vừa nói, ví hoàng cung đại nội như “chỗ không bao giờ được về gặp người nhà”. Sau lần đó, Giả phi không có cơ hội xuất cung nữa, cuối cùng qua đời sau cơn bạo bệnh.
6. Giả Nghênh Xuân
Nàng là con của ông cả Giả Xá và một nàng hầu, là em gái cùng cha khác mẹ của Giả Liễn, em họ của Giả Nguyên Xuân, chị họ của Giả Bảo Ngọc, Lâm Đại Ngọc. Nàng là cô Hai trong Giả phủ tứ xuân. Giả Nghênh Xuân là một tiểu thư xinh đẹp, phúc hậu nhưng quá nhu nhược, rụt rè, sợ phiền phức, vả lại thường không tự lo liệu được mọi thứ cho bản thân nên để mặc bọn a hoàn trong nhà tự tung tự tác, đến nỗi bị người dưới lén gọi là “cô Hai gỗ”.
Nàng dù đọc rộng nhưng tài làm thơ, giải đố không bằng chị em, không giỏi đối nhân xử thế, chỉ biết nhượng bộ, mặc người bắt nạt. Dây vàng dát hạt châu buộc mũ của cô Hai bị hạ nhân trộm lấy đi đánh bạc, nàng không truy cứu, người khác muốn nghĩ cách giúp nàng tìm lại thì nàng nói: “Thà rằng không có, cần gì phải bực“.
Sau này, Giả Xá nợ Tôn gia 5.000 lượng bạc không có tiền trả liền đem Nghênh Xuân gả cho Tôn Thiệu Tổ – một võ quan, trên thực tế là dùng nàng gán nợ. Sau khi xuất giá, bị nhà họ Tôn bạo hành, đánh đập, hắt hủi, ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, ốm đau không thuốc, chưa đầy một năm Nghênh Xuân đã sớm qua đời.
7. Giả Thám Xuân
Nàng là con gái Giả Chính và nàng hầu Triệu di nương, em cùng cha khác mẹ với Giả Châu, Giả Bảo Ngọc, Giả Nguyên Xuân, em họ của Giả Liễn, chị họ của Lâm Đại Ngọc. Thám Xuân là cô Ba trong Tứ xuân Giả phủ. Nàng là người khôn khéo, tài giỏi, có tâm cơ và quyết đoán, đến Vương phu nhân và Phượng thư cũng phải nhượng bộ nàng vài phần. Sự thông thạo, chí khí của nàng lúc quản việc đã chứng tỏ tài năng khiến cho trên dưới đều kiêng nể. Người dưới lén gọi nàng là cô Ba hoa hồng. Thám Xuân đặc biệt xem trọng tôn ti trật tự phong kiến, nên rất khinh thường chán ghét địa vị tỳ thiếp của mẹ đẻ Triệu di nương.
Một lần các lão nhân đi khắp vườn Đại Quan tra xét, truy tìm một vật cấm, vì giữ uy nghiêm của chủ tử trước người hầu, Thám Xuân đã sai a hoàn cầm đuốc sáng mở rộng cửa chờ đợi nhưng không cho ai đụng đến bất cứ thứ gì của người hầu, mà chỉ cho khám xét rương, tủ của mình. Vợ Vương Thiện Bảo không hiểu được điều này, tưởng cô Ba là người yếu đuối nên muốn nhân đó làm bộ để lên mặt với bọn người dưới. Lập tức bà ta bị Thám Xuân tát một cái.
Hành động của nàng trước tình thế nguy hiểm, vô vọng của Giả phủ cũng khiến nhiều người cảm động, nàng hy vọng dùng cải cách rất nhỏ “hưng lợi trừ tệ” (làm tăng thêm điều lợi bỏ điều hại) để cứu vãn tình hình nhưng chẳng ăn thua gì. Cuối Cùng Giả Thám Xuân được gả vào một gia đình quan chức ở miền biển xa, được đối xử rất tử tế.
8. Giả Tích Xuân
Nàng là con gái thứ hai của Giả Kính phủ Ninh Quốc, em gái của Giả Trân, là cô Tư trong Giả phủ tứ xuân. Vì phụ thân Giả Kính chỉ một niềm mộ đạo thích tu tiên, mặc kệ những chuyện khác, mà mẹ nàng qua đời từ sớm, nên Vương phu nhân mang Tích Xuân sang Vinh Quốc phủ nuôi nấng, nàng lớn lên bênh cạnh Giả Mẫu.
Vì không có cha mẹ bên cạnh yêu thương nên cô Tư dưỡng thành tính cách lạnh lùng, hờ hững, thờ ơ với mọi thứ, kể cả thân thích ruột thịt. Nàng không có tài thơ phú như đám chị em khác nhưng lại hiểu đạo Phật, ngôn ngữ hành động đều nhuốm màu thiền, thân tuy ở chỗ khuê các phồn hoa nhưng tâm nàng lại một mực hướng vào Không Môn.
Lúc Đại Quan viên bị khám xét, nàng đã đuổi a hoàn Nhập Họa không hề phạm lỗi lầm, thờ ơ trước nước mắt của người khác. Khi tứ đại gia tộc, kết cục bất hạnh của 3 vị tỷ tỷ khiến Tích Xuân nghĩ đến cái chết, sau cùng nàng để tóc tu tại am Lũng Thúy.
9. Tần Khả Khanh
Nàng là con gái của doanh thiện tư lang trung Tần Bang Nghiệp, vợ của Giả Dung, cháu của Phượng Thư. Khả Khanh là tên tục của Tần thị, cả Giả phủ không ai biết. Nàng lớn lên thướt tha xinh đẹp, tính tình lẳng lơ, làm việc lại ôn hòa nhã nhặn, rất được lòng vui của Giả Mẫu và mọi người. Tuy nhiên, quan hệ giữa nàng và bố chồng là Giả Trân rất mập mờ, khiến ông “tráng niên sớm thệ”. Cuộc sống và cái chết của Tần Khả Khanh có rất nhiều điều bí ẩn.
10. Giả Xảo Thư
Nàng là con gái đầu của Giả Liễn và Vương Hy Phượng, cháu nội của Giả Xá và Hình phu nhân. Xảo Thư là người nhỏ tuổi nhất trong Kim Lăng thập nhị thoa chính sách. Nàng sinh đúng vào ngày Thất Tịch (7/7 Âm lịch), lại đau ốm luôn nên được Già Lưu đặt cho tên Xảo để tránh tai ương trắc trở.
Nàng từ nhỏ đến lớn sống trong sung túc, là thiên kim nhà quyền thế, nhưng khi Vinh Quốc phủ suy tàn, sau khi Vương Hy Phượng mất, Xảo Thư vì có nhan sắc nên bị ông cậu Vương Nhân cùng Giả Vân lừa định đem bán làm nàng hầu cho một vị Vương gia. Ngay lúc nguy cấp, nàng may mắn được Già Lưu giúp đỡ cải trang trốn ra Đại Quan viên, chờ khi tai qua nạn khỏi. Sau này, Giả Liễn từ Nam về đồng ý gả nàng cho một địa chủ họ Chu.
11. Sử Tương Vân
Nàng là cô cháu yêu của Sử Thái Quân, tức Giả Mẫu. Tuy xuất thân là là tiểu thư Sử gia – một trong tứ đại gia đất Kim Lăng, nhưng do mồ côi từ nhỏ nên nàng được người chú là Trung Tĩnh hầu Sử Đỉnh nuôi dưỡng, mà thím đối xử với nàng rất khắc nghiệt, thường bắt nàng làm lụng, khâu may thêu thùa phụ đến tận canh 3 (từ 23h – 1h sáng). Thân thế của Tương Vân khá giống Lâm Đại Ngọc, nhưng nàng không có tinh thần phản nghịch như Đại Ngọc mà lại bị ảnh hưởng nhất định từ Bảo Thoa.
Nàng rất thẳng thắn, sáng sủa, hào sảng, rất tinh ngịch, thích vận y phục nam nhi, thậm chí còn dám uống say rồi ngủ trên tảng đá trong vườn. Nàng và Bảo Ngọc cũng được xem là bạn tốt, có lúc cả 2 rất thân mật, có khi lại nổi nóng với nhau, nhưng nàng trong sáng vô tư nên chưa bao giờ vướng bận nhi nữ thường tình trong lòng.
Kết cục của Tương Vân cũng bi sầu như các chị em của mình, nàng cuối cùng lấy Vệ Nhược Lan, một công tử tài mạo song toàn nhưng sức khỏe ốm yếu nên được mấy tháng thì qua đời vì bệnh lao, từ đó nàng quyết định thủ tiết trọn đời.
12. Diệu Ngọc
Nàng là người Tô Châu, thuộc dòng dõi nhà quan. Do thuở nhỏ nhiều bệnh, phải làm bao nhiêu hình nhân thế mạng, vẫn không khỏi; sau cùng phải xuất gia vì thế đi tu mà vẫn để tóc. Sau khi cha mẹ mất, bên cạnh nàng chỉ còn có hai người vú và một a hoàn hầu hạ. Diệu Ngọc chữ nghĩa rất thông, kinh kệ thuộc lòng, người lại đẹp. Đến 17 tuổi, nàng theo sư phụ đến Trường An tu hành. Sau khi sư phụ viên tịch, Giả phủ mời người đi tu mà vẫn để tóc ở Lũng Thúy am, nhưng Diệu Ngọc là người cao ngạo, không chịu lời hiệu triệu của kẻ khác, khiến Vương phu nhân phải đích thân viết thư mời mới chịu đến.
Nàng là người “dục khiết hà tằng khiết, vân không vị tất không” (Muốn sạch mà không sạch, rằng không chưa hẳn không), điển hình như chuyện chén trà Già Lưu uống qua nàng ngại bẩn muốn bỏ đi, nhưng lại đưa chén ngọc xanh mình thường dùng cho Bảo Ngọc. Vào dịp sinh nhật Bảo Ngọc, nàng đặc biệt phái người đưa thiệp mừng “Người ngoài cửa là Diệu Ngọc kính chúc ngày sinh nhật”.
Sau khi Giả phủ suy bại, Diệu Ngọc bị một tên cướp dùng muội hương bắt cóc. “Không biết sau khi Diệu Ngọc bị cướp đi, có cam chịu nhơ nhớp hay không chịu khuất phục mà chết, chẳng rõ ra sao, khó lòng đoán ra được“.
Iris (Theo xuite)