Chữ 子 trong tiếng Trung (có thể đọc là tử hoặc tí) mô tả một em bé được bao bọc và để ló hai cánh tay ra bên ngoài. Trong phiên bản đầu tiên của ký tự này, đường nét thể hiện hai cánh tay đưa ra ngoài nhằm chuyển tải một cảm giác chuyển động lên xuống, đồng thời thể hiện được sự sinh động của một đứa trẻ. (Epoch Times)
Ký tự 子 (tử) trong tiếng Trung thường hay chỉ về con cái, một cậu bé trai, một đứa trẻ, một người, hoặc một hạt giống.
子 (tử) là một từ tượng hình mô phỏng một em bé được bao bọc với cánh tay chìa ra. Với cơ thể được quấn rất gọn gàng, ấm cúng trong một tấm chăn, đứa trẻ sơ sinh cố ngước mặt lên tạo nên hình ảnh đặc sắc nổi bật.
Trong phiên bản đầu tiên của ký tự này, đường nét thể hiện hai cánh tay đưa ra ngoài nhằm chuyển tải một cảm giác chuyển động lên xuống, đồng thời thể hiện được sự sinh động của một đứa trẻ.
Một số ví dụ về các trường hợp sử dụng chữ 子 (tử) bao gồm trong từ 孩子 (hài tử) có nghĩa là em bé, 子女 (tử nữ) có nghĩa là con trai và con gái, 孫子 (tôn tử) cháu trai, một đứa cháu; 子孫 (tử tôn) hậu duệ như là con hoặc cháu; 女子 (nữ tử) là phụ nữ; 男子 (nam tử) có nghĩa là đàn ông, 弟子 (đệ tử) học trò hay các môn đệ.
君子 (quân tử) dùng để chỉ một người có tính cách cao quý, quân tử.
種子 (chủng tử) hoặc 子實 (tử thực) là một hạt giống, và 核子 (hạch tử) có nghĩa là một hạt nhân hoặc một cái gì đó liên quan đến hạt nhân.
Trong cuộc thảo luận khoa học, một phân tử được gọi là 分子 (đọc là Fen zǐ) trong tiếng Trung, một nguyên tử được gọi là 原子 (đọc là yuán zǐ), hạt nhân nguyên tử được gọi là 原子核 (nguyên tử hạch), và ba phần nhỏ lại cấu tạo nên nguyên tử được gọi là proton 質子 (chất tử); neutron 中子 (trung tử) và điện tử 電子 (đọc là dian zǐ).
Nửa đêm được gọi là 子夜 (tử dạ), trong khi 子時 (tử thời) thường hay đề cập đến khoảng thời gian từ 11 giờ đêm cho đến 1 giờ sáng.
子 (tử) cũng được sử dụng như một danh xưng biểu thị một người thầy vĩ đại hay một giáo sư rất được tôn trọng, chẳng hạn như các nhà triết học cổ đại Trung Quốc Lão Tử 老子 (lǎo zǐ), Khổng Tử 孔子 (kǒng zǐ); hoặc Mạnh Tử 孟子 (Meng zǐ) nhà hiền triết thứ hai của học thuyết Khổng Tử và Trang Tử 莊子 (Zhuang zǐ) là nhà hiền triết bậc nhất của Đạo giáo chỉ sau Lão Tử.
Thành ngữ 父慈子孝 (phụ từ tử hiếu) chỉ các bậc cha mẹ luôn yêu thương và chăm sóc con cái tử tế (慈, từ), thế nên con cái cũng thể hiện lòng hiếu thảo (孝 lòng hiếu thảo, chữ hiếu). 父 (phụ) là từ chỉ người cha nhưng cũng bao hàm ý nghĩa cả cha lẫn mẹ trong thành ngữ này.
Lòng hiếu thảo là thái độ và trách nhiệm, sự tôn trọng, chăm sóc, và sự vâng lời của con cái đối với cha mẹ, các thành viên lớn tuổi hơn trong gia đình và tổ tiên. Hiếu được xem là đạo đức cơ bản nhất trong triết lý Nho giáo và là nền tảng đạo đức trong mối quan hệ giữa người với người.
Thành ngữ 赤子之心 (xích tử chi tâm) nói đến một con người chân thành, với một trái tim (心, tâm) trong sáng và ngây thơ như của một đứa trẻ ((赤子, xích tử).
Cụm từ 君子之交淡如水 (quân tử chi giao đạm như thủy) khẳng định rằng tình bằng hữu, bè bạn giữa những người có tính cách cao quý (君子, quân tử) có thể được ví như sự thuần khiết của nước (水, thủy).
Câu trên diễn tả tình bạn chân chính và bền lâu giữa hai người, cả hai đều là những bậc chính nhân, cương nghị, tấm lòng khoáng đạt và tĩnh lặng như nước bất chấp những thăng trầm trong cuộc sống.
Theo Đại Kỷ Nguyên