Khổng Tử là bậc hiền triết có tầm ảnh hưởng to lớn trong văn hóa truyền thống phương Đông, phong thái ngôn hành đều phù hợp với lễ nghĩa. Ít ai biết rằng ông từng mắng người, đánh người; nhưng cái sự đánh mắng này cũng toát lên khí độ của người quân tử.
Nói đến Khổng Tử, có lẽ nhiều người sẽ nghĩ đến hai từ “quân tử” và “tiểu nhân”, nó được sử dụng nhiều nhất và có ảnh hưởng lớn đến người đời sau. Ví như trong câu:
“Quân tử thản đãng đãng, tiểu nhân trường thích thích”.
Tạm dịch: Người quân tử lòng dạ luôn rộng mở bao dung, kẻ tiểu nhân luôn so đo tính toán hẹp hòi.
Hay:
“Quân tử dụ ư nghĩa, tiểu nhân dụ ư lợi”.
Tạm dịch: Người quân tử coi trọng đạo nghĩa, kẻ tiểu nhân coi trọng lợi ích.
“Quân tử thành nhân chi mỹ, bất thành nhân chi ác, tiểu nhân phản thị”.
Tạm dịch: Người quân tử thành tựu việc tốt đẹp cho người khác, chứ không làm cái xấu cho người, kẻ tiểu nhân thì ngược lại.
Và:
“Quân tử cầu chư kỷ, tiểu nhân cầu chư nhân”.
Tạm dịch: Người quân tử tìm lỗi, yêu cầu ở chính mình, còn kẻ tiểu nhân tìm lỗi, yêu cầu ở người khác.
Trên đây là những câu danh ngôn rất quen thuộc trong “Luận ngữ”. So sánh đối chiếu giữa quân tử và tiểu nhân hầu như có ở khắp nơi trong cuốn sách.
Quân tử vốn chỉ người quý tộc được tiếp thụ giáo dục tốt, văn hóa, phẩm hạnh và tu dưỡng đều có chuẩn mực cao. Cùng với lễ băng nhạc hoại cuối thời Tây Chu, rồi đến thời đại Khổng Tử, thì những “quân tử” đã có rất nhiều là không “quân tử” nữa rồi. Khổng phu tử đau lòng nhất chính là điểm này.
Khổng phu tử dùng tiêu chuẩn “quân tử” yêu cầu chính bản thân mình, và đem chuẩn mực của “quân tử” dạy cho học trò, là những người ở đủ mọi tầng lớp chứ không riêng tầng lớp quý tộc như trước đây; cuối cùng đã khiến “quân tử” trở thành danh từ chỉ người có đạo đức cao thượng. Cũng tương tự, “tiểu nhân” vốn ban đầu có nghĩa “dân thường”, ngược với “quý tộc”, ngược với “quân tử”, cũng thay đổi nghĩa trở thành danh từ chỉ người đạo đức thấp kém ti tiện vô sỉ.
“Tam nhân hành tất hữu ngã sư”: 3 người cùng đi ắt có người là thầy của ta
Nam đinh trong vương công quý tộc triều Chu đều được đưa đến trường công quốc gia gọi là “quan học” để tiếp thụ giáo dục. Khổng Tử tuy cũng là hậu duệ của “quân tử” (theo nghĩa quý tộc), nhưng tiên tổ là một chi trong con thứ (con của vợ thứ). Đến đời cha Khổng Tử, bậc quan cũng đã thấp rồi, phụ thân lại qua đời quá sớm, do đó Khổng Tử không có cơ hội bước vào trường quan học. Nhưng không có gì quan trọng cả, Khổng Tử tự học.
Vì không có bổng lộc thế tập, gia cảnh suy vi, sau khi trưởng thành, Khổng Tử có làm “ủy lại” – nhân viên quản lý kho tàng quốc gia, và cũng làm “thừa điền” – nhân viên chăn nuôi dê bò quốc gia.
Từ nhỏ, Khổng Tử thích học tập lễ nhạc; ông quan niệm “tam nhân hành, tất hữu ngã sư”, nghĩa là 3 người cùng đi thì trong đó ắt sẽ có người là thầy của mình. Khổng Tử hễ gặp người là học, đến tuổi khoảng 30, ông đã có danh tiếng lớn là người “tri lễ”, người am hiểu lễ nghi.
Khi Khổng Tử đã có đủ tư cách vào tông miếu nước Lỗ, hễ cái gì không hiểu ông liền hỏi, bởi vì đã “tri lễ” rồi vẫn phải học tập. Vì thế có người cho rằng Khổng Tử chưa hiểu biết về lễ, chê cười rằng: “Ai nói người trẻ tuổi đến từ Châu Ấp kia hiểu lễ? Anh ta đến tông miếu, cái gì cũng hỏi”.
Khổng Tử sau khi nghe được nói rằng: “Hỏi rõ tất cả chi tiết của lễ, đó chính là lễ đó”.
Những điển chương chế độ ghi chép trong Chu lễ là cực kỳ tinh vi, thậm chí rất phức tạp. Trọng tâm của nó là mọi người ai nấy giữ cái tâm mình, ai nấy yên với chức phận của mình, để đạt đến người khắp thiên hạ cùng thuận theo Trời và kính trọng đạo đức.
Trong xã hội, mỗi giai tầng có các tâm pháp, lễ nghi khác nhau cần phải tuân thủ. Ngoài những lễ tiết thường ngày ra, một người sẽ không thể hiểu rõ ràng rành mạch “lễ” ít sử dụng, nhưng Khổng Tử lại làm rõ thông thạo chúng. Khổng Tử không những là một nhà giáo dục mà còn là một người có học vấn lớn của nước Lỗ. Những năm cuối đời, Khổng Tử trở về định cư ở nước Lỗ; cho đến khi qua đời, ông là cố vấn quốc gia của Lỗ Ai Công.
Nhụ Bi văn sắt thanh: Viên quan Nhụ Bi nghe tiếng đàn sắt
Con trai của quốc quân Lỗ Ai Công buồn rầu mà qua đời, nếu cử hành tang lễ hợp với thân phận thì phải đi mời Khổng Tử. Lỗ Ai Công phái viên quan Nhụ Bi làm học trò, đến học trình tự tang lễ, ghi chép lại. Phần “Sỹ tang lễ” trong bộ sách “Lễ ký” thì văn bản ban đầu chính là từ đó mà ra. Việc chôn cất tang lễ ở các nước Á Đông ngày nay phần lớn vẫn làm theo cái “lễ” này, đương nhiên quy trình thủ tục nghi thức đã được đơn giản hóa đi rồi.
Hôm đó, Khổng Tử đang ở trong nhà, viên quan Nhụ Bi đến cầu kiến. Khổng Tử biết đó là viên quan Nhụ Bi nên không gặp. Khổng Tử bảo học trò ra nói với ông ta rằng thầy Khổng của họ bệnh rồi, thân thể có bệnh, mời ông lần sau đến.
Học trò chuyển lời đến trước cổng, đang giải thích với viên quan đứng đợi ngoài cổng, thì nghe thấy bên trong có người cất tiếng hát, vừa hát vừa có nhạc tấu đệm. Hai người nghe ra là âm thanh của cây đàn sắt. Đó là Khổng Tử “thân thể không khỏe”, tiếng hát rất lớn, khí lực sung mãn.
Khổng Tử muốn viên quan Nhụ Bi biết rằng: “Kỳ thực ta không có bệnh, nhưng hôm nay không gặp ông, nguyên nhân trong đó, ta cũng không nói thẳng, đó là để ông tự mình suy nghĩ”.
Các học trò của Khổng Tử biết ghi lại sự hài hước của thầy mà quên mất chép lại thời gian và nguyên do của câu chuyện này. Do đó, chúng ta có thể suy đoán đây là câu chuyện xảy ra khi Khổng Tử đã cao tuổi rồi, vì thời gian Lỗ Ai Công chấp chính thì Khổng Tử đã là một cụ già rồi.
Khổng Tử tự đánh giá mình rằng: “Thất thập nhi tòng tâm sở dục bất du củ”, nghĩa là: “Ông đến tuổi 70 thì làm tùy ý theo tâm mong muốn mà không vượt ra ngoài đạo lý phép tắc”. Khổng Tử không gặp viên quan Nhụ Bi mà cố ý để ông ta biết mình không muốn gặp, điều này có lẽ cũng là cảnh giới “tòng tâm sở dục nhi bất du củ”.
“Hủ mộc bất khả điêu”: Gỗ mục không thể điêu khắc được
Khổng Tử còn biết mắng người, thậm chí mắng rất thậm tệ.
Học trò của Khổng Tử là Tể Dư có tài ăn nói, nhưng có chút lười nhác. Một hôm, Tể Dư ban ngày ngủ không đọc sách, có một học sinh nói với Khổng Tử, Khổng Tử tức giận nói: “Gỗ mục không thể điêu khắc được, bùn đất không thể làm tường thành được, ta biết làm gì với nó đây!”.
Kỳ thực Tể Dư không phải là gỗ mục, bùn đất, mà là một trong những học trò tâm đắc nhất của Khổng Tử, đã từng theo Khổng Tử chu du các nước, sau này được Khổng Tử xếp loại đệ nhất khoa ngôn ngữ.
Câu: “Hủ mộc bất khả điêu” (nghĩa là: “Gỗ mục không thể điêu khắc được”) đã trở thành danh ngôn thiên cổ của Khổng Tử mắng người. Sau đó, câu nói này còn được phát sinh thành các câu “hủ mộc nan điêu”, “hủ mộc bất điêu”, “hủ mộc phấn thổ” v.v… dùng để ví von một người đã hư hỏng vô phương cứu chữa rồi. Nói theo cách nói hiện đại thì là mắng nhiếc người mà không dùng từ tục tĩu.
“Lão nhi bất tử thị vi tặc”: Già mà không chết là giặc
Ngoài mắng người, Khổng Tử cũng đã từng… đánh người. Người bị Khổng Tử đánh mắng này chính là người bạn chơi từ nhỏ với ông, tên là Nguyên Nhưỡng, người nước Lỗ.
Một hôm, Khổng Tử đi thăm Nguyên Nhưỡng, thấy Nguyên Nhưỡng ngồi dạng hai chân ra, tư thế ngồi buông thả, đang ngồi đợi ông. Thời Xuân Thu, mọi người ngồi trên chiếu, không ngồi ghế, tư thế ngồi như người Nhật Bản ngày nay, ngồi nghiêm, ngay ngắn, hai chân gập lại quỳ trên mặt chiếu, hông ngồi trên hai chân. Nguyên Nhưỡng nghênh đón người bạn xưa mà lại dạng hai chân ra ngồi trên chiếu, tư thế thả lỏng, không hợp với lễ một chút nào cả.
Không Tử không khách sáo, bước đến liền mắng một chặp: “Ông từ thuở nhỏ đã không hiểu đạo lý cung khiêm hiếu đễ, sau khi trưởng thành cũng không làm việc gì đáng nói đến, đến nay già cả thế này rồi mà còn chưa chết, thật đúng là yêu tinh hại người”.
“Lão nhi bất tử, thị vi tặc”, nghĩa là: “Già mà không chết, thì là giặc”. Câu nói này cũng trở thành câu nói thiên cổ của Khổng Tử.
Sau khi mắng xong, Khổng Tử còn giơ gậy đang chống nện mấy phát vào cái cẳng chân đang dạng ra của Nguyên Nhưỡng, xong rồi mới hả cơn giận.
(Nguồn: “Luận ngữ”, “Lễ ký – Tạp ký”)
Theo ĐKN