Tinh Hoa

Không tốn một binh một tốt dẹp yên được đạo tặc hoành hành

Để cải biến một con người mà chỉ dùng biện pháp cưỡng chế bên ngoài thôi thì không tác dụng, nó chỉ có hiệu quả khi nội tâm người đó thực sự thay đổi. Đó cũng là biện pháp thường dùng của những bậc thánh nhân.

Thời Tây Hán, sau khi Tuyên Đế lên ngôi không lâu, một quận ở Bột Hải xảy ra nạn đói, đạo tặc xuất hiện khắp nơi, dùng cách gì cũng không thể ngăn chặn.

Hoàng đế muốn tìm người có thể dẹp yên giặc cướp, khi đó cả Thừa tướng, Ngự sử đều đề cử Cung Toại đảm nhiệm chức Thái thú Bột Hải. Lúc này, Cung Toại đã hơn 70 tuổi, lúc Hoàng đế triệu kiến, thấy ông hình dạng nhỏ gầy, trong lòng có chút khinh thường. Ai ngờ Cung Toại không tốn một binh một tốt, dẹp được đạo tặc.

Khi Cung Toại đến Bột Hải, vị Quận lý nghe nói tân Thái thú đến, liền phái binh sĩ nghênh tiếp. Cung Toại lệnh cho binh sĩ về hết, sau đó hạ một chiếu thư, lệnh tất cả các quan phụ trách dẹp đạo tặc trong vùng tuyên truyền khắp nơi rằng hễ ai trong tay cầm cày, cuốc, nông cụ đều là lương dân, còn cầm binh khí thì là đạo tặc.

Cung Toại cưỡi một con ngựa đằng sau kéo chiếc xe, một mình đi tới quan phủ. Trong quận yên bình, đạo tặc đều mất tăm mất tích.

Vùng Bột Hải có rất nhiều cường đạo cướp bóc, nghe Cung Toại nói cầm cuốc thì là lương dân, nên đều giải tán, vứt bỏ khí giới, cầm cày cuốc. Đạo tặc vì thế được bình định, trăm họ an cư lạc nghiệp. Cung Toại mở kho thóc cứu tế dân nghèo, tuyển dụng người hiền làm quan.

Cung Toại thấy địa phương có phong tục xa xỉ, không ưa cày cấy, vậy nên tự mình mẫu mực làm gương, khuyên người dân làm ruộng nuôi tằm.

Ông cũng khuyên mỗi người trồng 1 gốc cây du, năm gốc cây thông, một ruộng rau hẹ, mỗi nhà nuôi hai con heo nái, 5 con gà. Dần dần người dân trong quận đều có của cải tích góp và trở nên giàu có, kiện tụng cũng đều biến mất.

Cưỡng chế luật pháp chỉ có thể điều chỉnh bên ngoài chứ không thể làm thay đổi bên trong tâm người, chỉ có thiện đức mới có khả năng cảm hóa, cải biến nhân tâm.

Hồng Khang, dịch từ Xinsheng