Cao nguyên Giza ở Ai Cập là một trong những khu vực đặc biệt nhất trên hành tinh. Những ai có chút quan tâm đến lịch sử và văn minh cổ đại đều thấy rõ điểm này. Vì ở đó có những kim tự tháp và bức tượng Nhân sư ẩn chứa vô vàn bí ẩn…
Hai kỳ quan này đã được xây trước thời các Pharaoh Ai Cập?
Mặc dù có rất nhiều giả thuyết được đặt ra, nhưng vẫn chưa có lời giải thích nào thỏa đáng về việc nền văn mình nào đã xây dựng bộ đôi công trình trên cũng như thời điểm mà chúng được xây dựng.
Như đã biết, bên trong kim tự tháp khổng lồ ở cao nguyên Giza có 3 căn phòng, trong đó một căn phòng được xây bên dưới lòng đất cùng một số lối đi. Lối đi dẫn đến phòng mà các nhà khảo cổ gọi là “Phòng của vua” có chiều cao lên đến 10m. Tuy nhiên một số lối đi khác lại quá thấp so với chiều cao trung bình của một người nam hoặc nữ.
Ngoài “Phòng của Vua” còn có “Phòng Hoàng hậu”. Cả hai phòng đều có cột lớn, “Phòng Hoàng Hậu” có một hốc rỗng nhỏ trong khi “Phòng của Vua” thì có 5 phiến đá Granite xếp chồng lên nhau ở trên trần nhà. Người ta vẫn không giải thích được tác dụng của những kết cấu này.
Theo một số học giả, kim tự tháp này là một ngôi mộ, vua Khufu đã chọn nó làm nơi yên nghỉ lúc cuối đời và đó cũng là lý do được chấp nhận nhiều nhất cho sự tồn tại của 3 căn phòng trong Kim tự tháp. Tuy nhiên, so với các phương pháp chôn cất điển hình của người Ai Cập ở thung lũng các vị vua, Đại kim tự tháp Giza không hề giống với bất kỳ ngôi mộ Ai Cập nào.
Người Ai Cập tin vào thế giới bên kia và sự sống sau cái chết. Do đó ngôi mộ là một phần rất quan trọng của niềm tin này. Ngôi mộ của vua Tutankhamun là một ví dụ, nơi an nghỉ này được trang trí bằng nghệ thuật khá công phu cùng nhiều tài sản của ông. Người Ai Cập cổ cho rằng, nếu ngôi mộ được xây dựng tốt thì ý chí của người đã mất sẽ không bị thiên nhiên hấp thụ và tan biến.
Trong truyền thuyết người Ai Cập có nói, thần Ba đã tạo ra sức sống cho con người, trong khi thần Ka lại thổi thêm nguồn năng lượng cho sinh mệnh đó. Một cách tương đối có thể hiểu Ka và Ba tương ứng với ý chí và linh hồn theo quan điểm tín ngưỡng của người phương Tây. Một khía cạnh quan trọng khác đó là niềm tin này còn đại diện cho sự bất tử của linh hồn được gọi là Ankh.
Khi một người nào đó qua đời, gia đình họ luôn muốn ý chí và linh hồn người này vẫn duy trì mối liên hệ. Để giúp mối liên hệ này tồn tại mãi mãi, những người sống sẽ ướp thi thể và đặt nó trong một ngôi mộ.
Ngôi mộ của các Pharaoh được xây dựng rất sớm từ những triều đại đầu tiên – lăng mộ sớm nhất được xây vào năm 3000 TCN – nó cũng được thiết kế thành một “ngôi nhà” dành cho linh hồn của người chết cư ngụ.
Ví dụ vào triều đại Pharaoh thứ 6 có một vị đại quan tên là Mereruka, ngôi mộ của ông sau khi qua đời được xây dựng như một tòa lâu đài với ba mươi phòng, được trang trí bằng rất nhiều tượng và tranh vẽ.
Điểm đặc trưng của các gia đình Ai Cập cổ là kết hợp một cách tuyệt vời những sáng tạo nghệ thuật vào các hầm mộ, tuy nhiên sự độc đáo này lại không được tìm thấy ở Kim tự tháp Giza, điều này khiến nó trở thành một “ngôi mộ” vô cùng bất thường ở Ai Cập. Vậy tại sao Kim tự tháp này vẫn luôn được xem là ngôi mộ của Pharaohs triều đại thứ tư? Lý do nằm ở khu phức hợp hầm mộ cách đó 10 dặm về phía Nam tại Sakkara, tại đây người Ai Cập cổ đã thực sự xây những ngôi mộ có hình dạng Kim Tự Tháp.
Phần lớn các nhà Ai Cập học đồng ý rằng Kim tự tháp bậc thang Djoser ở Sakkara được xây vào triều đại thứ 3 và nó là tiền thân của kim tự tháp trên cao nguyên Giza được xây vào triều đại thứ 4. Sau khi xây xong Kim tự tháp Giza, vì một lý do nào đó mà trung tâm các ngôi mộ lại được chuyển sang khu vực Sakkara.
Tuy nhiên ngày nay nhận định này ngày càng bộc lộ nhiều sơ hở, có khá nhiều khác biệt dễ nhận thấy giữa Kim tự tháp Giza và các kim tự tháp ở Sakkara. Rõ ràng, kỹ thuật xây dựng, nguyên vật liệu được sử dụng ở Giza hoàn toàn khác với các Kim tự tháp ở Sakkara, do đó rất khó để nói rằng hai khu vực Kim tự tháp này đến từ cùng một nền văn minh. Quan trọng hơn, nếu Kim tự tháp ở Giza được xây dựng vào triều đại thứ 4 thì có lẽ những kỹ sư và công nhân về sau đã không thể vượt qua các tiền bối của mình. Hoặc cũng có thể là triều đại Ai Cập thứ 4 đã không hề xây dựng Đại kim tự tháp Giza.
Không có bất kỳ Kim tự tháp nào ở Ai Cập mang các đặc điểm giống với Đại Kim tự tháp ở Giza. Ngoài ra cũng không có bằng chứng nào cho thấy đây là một hầm mộ. Do không tìm thấy những tài liệu nào ghi chép về quá trình xây dựng Kim tự tháp này nên đã tạo ra nhiều giả thuyết khác nhau. Tuy nhiên, nếu không phải một ngôi mộ thì đây là dạng công trình gì?
Một ngôi đền tôn giáo huyền bí hay một công trình tưởng niệm được xây lên nhân ngày vương quốc được thống nhất? Hoặc có thể là một cái gì đó hoàn toàn khác. Các giả thuyết rất phong phú, nhưng giải thích có vẻ phù hợp nhất đối với những chi tiết “kỳ lạ” bên trong Kim tự tháp Giza là của Christopher Dunn, ông cho rằng đây là một cỗ máy khổng lồ hình Kim tự tháp.
Theo Dunn, Đại Kim tự tháp là một cỗ máy sản xuất năng lượng bằng cách chuyển đổi rung động của vỏ Trái Đất thành điện.
Có một số lý do để chấp nhận phân tích của Dunn. Thứ nhất, phần nội thất và tất cả các chi tiết bên trong được thiết kế khá gắn kết. Thứ hai, ông đã chứng minh các kỹ thuật để hoàn thành công trình xây dựng này là vô cùng chính xác. Thứ ba, với kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp và chế tạo chính xác ông hoàn toàn đủ khả năng để đưa ra các ý kiến chuyên môn cho kỹ thuật và công nghệ được áp dụng tại Kim tự tháp Giza.
Trên thực tế các công ty xây dựng hiện nay cũng không thể tạo ra một công trình tương tự. Nếu muốn, họ cần phải phát minh ra những công cụ và kỹ thuật chuyên biệt để xử lý những khối đá có trọng lượng từ 10-50 tấn. Nỗ lực này có thể tương đương với việc xây dựng đập thủy điện hoặc một nhà máy điện hạt nhân với tổng số vốn đầu tư có thể lên đến hàng chục tỷ USD.
Dấu vết nền văn minh của tộc người khổng lồ?
Có một giả thuyết cho rằng đây là công trình của những người khổng lồ. Các nhà khảo cổ học đã tìm thấy các hình ảnh thú vị trên những bức chạm nổi trong Lăng mộ Rekhmire ở thành phố Luxor (Thebes cổ đại), Ai Cập. Một bức họa cho thấy hai người đang chăn một con hươu cao cổ. Điểm lạ kỳ ở đây là những người đàn ông này có tầm vóc gần bằng với con hươu cao cổ. Một con voi trong hình cũng nhỏ hơn hình người được vẽ, đồng thời báo đốm và khỉ đầu chó dường như cũng nhỏ hơn tương ứng. Tuy nhiên, khó để nói được vì những con bò trong hình lại có cùng kích cỡ với người.
Hầu hết những người được vẽ ở mặt tiền đều có tầm vóc tương đương nhau, và cũng có một số hình trong đó hình người vừa có lớn vừa có bé. Hình người nhỏ hơn có thể là trẻ em chứ không phải một loại người nhỏ hơn. Một vài hình người này xuất hiện trong các cảnh công trường xây dựng, đang mang vác đá tảng và mặc bộ áo giáp nịt vai.
Phải chăng những nghệ sĩ và thợ thủ công cổ đại muốn thông qua những bức chạm nổi này để nói lên rằng những người khổng lồ mới là chủ nhân thực sự của các công trình kiến trúc cổ đại?
Rekhmire là người giữ chức thị trưởng thành phố Thebes và tể tướng dưới thời vua Tuthmosis III và Amenophis II ở vương triều thứ 18 của Ai Cập cổ đại. Ông có thể đã giám sát nhiều công trình xây dựng trong nhiệm kỳ của mình với vai trò thị trưởng và tể tướng. Rất có thể khi giữ chức tể tướng dưới trướng Pharaon, ông đã được biết những bí ẩn cổ đại, trong đó bao gồm những hiểu biết về người khổng lồ nếu họ thật sự tồn tại cũng như các bí ẩn khác từ lịch sử xa xưa. Những thứ này có thể đã được phác họa trong lăng mộ của ông.
Vào năm 1901, trong cuốn “Lịch sử thế giới: khảo sát tư liệu của nhân loại”, Han Ferdinand Helmolt và James Bryce Bryce đã viết: “Để xây dựng những công trình này tại vị trí hiện nay nếu không có các nguồn lực kỹ thuật hiện đại, thì sức người có lẽ là không đủ, và nhìn chung thì chỉ những người khổng lồ mới có thể tạo ra những công trình như thế này”.
Hoàng An (dịch & t/h)