Tinh Hoa

Không nên cho trẻ em bắt chước đi trên thủy tinh, dù nó không quá khó

Mới đây, hình ảnh học sinh một trường trung học đang bước chân trần trên thảm rải thủy tinh gây xôn xao dư luận. Nhiều người cho rằng, hành động được cho là “thể hiện lòng dũng cảm” này thực sự nguy hiểm với ngay cả người lớn.

Đi trên thủy tinh không khó như bạn tưởng tượng.

Nhưng sự thật là hành động này có thực nguy hiểm như vậy không khi trong quá khứ đã từng có nhiều trường hợp đi chân trần băng qua mảnh thủy tinh hay thậm chí là cả than đang nóng đỏ mà vẫn không hề hấn gì? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp thắc mắc của bạn.

Đi chân trần trên thủy tinh không nguy hiểm như bạn tưởng?

Chắc hẳn khi được yêu cầu bước qua tấm thảm rải nhiều mảnh vỡ thủy tinh, không ít người phải run sợ khi nghĩ đến viễn cảnh bị hàng ngàn mảnh thủy tinh sắc nhọn cứa vào chân. Tuy nhiên trên thực tế, đã có rất nhiều người bước chân trần trên vụn thủy tinh mà không sao. Tại sao lại như vậy?

 Mảnh thủy tinh sắc nhọn có thể chọc thủng bóng bay dễ dàng.

Thực chất, không hề có điều gì bí ẩn ở đây mà tất cả chỉ là một hiện tượng vật lý đơn giản mang tên “áp suất”. Áp suất trong vật lý là áp lực trên một đơn vị diện tích tác dụng theo chiều vuông góc của vật thể. Trong trường hợp này, lực được tính dựa trên cân nặng.

Nếu như bạn chỉ giẫm lên một mảnh thủy tinh sắc nhọn, áp suất sẽ rất lớn do toàn bộ trọng lực của cơ thể dồn lên một mảnh thủy tinh duy nhất – lực này đủ lớn để đâm thủng da chúng ta.

Khi áp lực được dàn đều, một quả bóng cũng không bị vỡ dù chúng ta có cố dồn nén chúng như thế nào.

Tuy nhiên, khi giẫm lên nhiều mảnh, áp lực lúc này sẽ được dàn đều trên mỗi phần da tiếp xúc với thủy tinh. Áp suất cũng theo đó mà giảm đi nhiều lần, giúp chúng ta “bình yên vô sự”.

Tương tự như vậy, chúng ta thậm chí có thể đứng chân trần, thậm chí ngủ trên bàn chông mà không có vấn đề gì.

Người ta thậm chí có thể nằm ngủ trên hàng ngàn mũi đinh nhọn

Điều quan trọng nhất cần nhớ trước khi bước qua thủy tinh hay giẫm lên bàn chông – đó là phải tự tin. Cùng với đó, bạn cần phải đặt chân thẳng, bước chậm và vuông góc để áp lực được dàn đều.  Lúc này, việc bước chân trần trên mảnh thủy tinh sẽ không còn trở nên đáng sợ như nhiều người vẫn tưởng.

Tuy nhiên, mặc dù đi trên thủy tinh không quá khó, nó vẫn là một điều nguy hiểm, nhất là với trẻ em và những người thiếu hiểu biết. Vì vậy, bạn đừng bao giờ thử đi trên thủy tinh nếu chưa chuẩn bị thật cẩn thận. Bên cạnh đó hãy luôn để ý đừng để lũ trẻ cảm thấy điều này đơn giản và bắt chước.

Theo Trí Thức Trẻ