Albert Einstein đã nói: “Nếu bạn đánh giá một con cá bằng khả năng leo cây thì cả đời (con cá đó) sẽ nghĩ rằng mình ngu ngốc”. Chúng ta đều có thế mạnh và điểm yếu. Ai đó có thể là một nhạc sĩ tài ba, nhưng là một đầu bếp tệ hại. Khả năng trong một lĩnh vực nào đó cũng không định nghĩa giá trị cốt lõi của một người. Nên nếu bạn thấy mình là cá hãy đi ra biển cả.
Trong tiếng Anh, có từ “self-esteem”, chỉ về cách chúng ta nhìn nhận và đánh giá giá trị bản thân. Như một mô tả trên Psychology Today, một người có self-esteem tốt là người tự tin và vững tin vào giá trị của mình. Sự tự tin này tách biệt hỏi những yếu tố bên ngoài như giàu nghèo, trình độ học vấn, sức khỏe, tình trạng xã hội.
Nếu bạn là người có sự tự tin thấp, bạn không thích bản thân, đôi lúc thấy mình không có giá trị hay “không đủ tốt”, bạn không tin tưởng vào những điểm mạnh của mình, cũng không thể ra quyết định hay khẳng định điều gì. Bạn cũng hay trách cứ chính mình vì những lỗi không phải do bạn, cho rằng mọi người không thích bạn, đồng thời thấy “tội lỗi” khi dành thời gian và chi tiêu tiền bạc cho bản thân. Nghe không tốt chút nào phải không?
Theo trang Mind.org.uk, có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc một ai đó đánh giá chính họ như thế nào, và những yếu tố này thay đổi giữa những người khác nhau. Việc trải qua những trải nghiệm khó khăn trong quá khứ: bị bạo hành, thất nghiệp, stress kéo dài, ốm đau thể chất, gặp các vấn đề về sức khỏe tinh thần, chia ly hay ly hôn… có thể ảnh hưởng đến lòng tự tin của một người. Còn trang The Guardian dẫn ra một kết quả nghiên cứu trên gần người Mỹ từ khi họ sinh ra đến năm họ 27 tuổi, và phát hiện rằng: môi trường gia đình, đặc biệt trong 6 năm đầu đời, có tác động lâu dài tới sự tự tin bản thân.
Tuy nhiên, khi đã là một-người-lớn và có sự tự tin thấp, bạn vẫn có thể cải thiện cái gọi là niềm tin vào chính mình này. Bằng 3 cách sau:
1. “Chỉnh sửa” self-talk – những gì bạn nói với chính mình
Bạn đã bao giờ có suy nghĩ trong đầu rằng: “Mình thật xấu”, “mình chả ra gì”, “mình thua kém mọi người”, hay “mình là kẻ thất bại” chưa? Với nhiều người, những suy nghĩ này thường kéo đến nhiều nhất khi họ gặp khó khăn hay bế tắc trong cuộc sống.
Một bài báo trên The New York Times dẫn lời Eric Barker, tác giả cuốn sách về thành công và phát triển bản thân về việc thông cảm cho bản thân: “Điều đầu tiên và quan trọng nhất là để ý giọng nói bên trong đầu bạn – giọng điệu bình luận mà tất cả chúng ta đều có khi chúng ta sống”.
“Thi thoảng giọng nói đó quá nghiêm trọng. Bạn tự đánh gục bản thân khi mắc bất cứ lỗi lầm nào. Để thông cảm và hiểu bản thân hơn, bạn cần để ý tới giọng nói đó và chỉnh sửa nó”, Barker cho hay.
Đồng tình, một bài báo trên trang Psychology Today cho rằng, bằng việc nhận biết được những suy nghĩ tiêu cực của mình, bạn bắt đầu “cách ly” mình với những cảm giác tệ hại mà những suy nghĩ đó mang lại.
Để cải thiện, bạn hãy thay đổi cách bạn nói chuyện với chính mình. Mỗi khi những suy nghĩ tiêu cực kéo đến và thấy bạn đang tự phán xét mình, bạn hãy nhẹ nhàng ghi xuống những những gì đang diễn ra, nhìn nhận mọi việc từ một góc nhìn khách quan và thực tế nhất có thể. Đó là cách để thử thách những niềm tin tiêu cực về chính mình.
Đặc biệt, theo một bài nói của nhà tâm lý học Guy Winch nói trên TED, bất cứ khi nào giọng nói độc thoại tự phê bình bạn xuất hiện, hỏi chính bạn điều gì bạn sẽ nói với một người bạn yêu quý nếu họ ở trong hoàn cảnh của bạn. Chúng ta có xu hướng thấu hiểu thông cảm với một người bạn hơn là với chính mình. Làm điều này sẽ tránh khỏi việc hủy hoại lòng tự tin bản thân của bạn đi xa hơn với những suy nghĩ phê bình tiêu cực.
2. Ngưng so sánh bản thân với người khác
Ngày nay, rất khó để tránh việc so sánh bản thân bạn với người khác, đặc biệt là khi chúng ta được bao quanh bởi những hình ảnh của người nổi tiếng và những con người trên mạng xã hội.
Trang The Guardian dẫn lời chuyên gia tâm lý Linda Blair, rằng không thể có một cái nhìn chính xác về người khác, đặc biệt là từ trạng thái “ảo” của họ trên mạng xã hội: “Bạn đang so sánh bản thân bạn với một điều không có thực, và điều này dẫn đến sự thất vọng”.
“Tôi nhấn mạnh rằng chỉ vì ai đó trông có vẻ như hạnh phúc trên mạng xã hội hay thậm chí trước mặt bạn không có nghĩa là họ đang hạnh phúc. Sự so sánh chỉ có thể dẫn tới suy nghĩ tiêu cực”, còn đây là những gì bác sĩ tâm lý Kimberly Hershenson nói trên Psychology Today.
Tóm lại, việc mất tự tin về bản thân sau khi xem những hình ảnh lung linh của người khác trên mạng xã hội là rất ngớ ngẩn. Hãy nhớ rằng những gì người ta chọn để chia sẻ không phải là bức tranh toàn cảnh của cuộc sống họ.
3. Tìm ra điều gì bạn thích và phát triển nó
Cuối cùng, sự tự tin cá nhân được xây dựng dựa trên việc thể hiện những khả năng thực sự và những thành tựu trong những mặt của cuộc sống mà có ý nghĩa với chúng ta. Nếu bạn tự hào ở kỹ năng viết của mình, hãy viết nhiều hơn. Nếu bạn thích vẽ, hãy đăng ký một lớp học vẽ và tham gia các cộng đồng mỹ thuật. Nói tóm lại, để tự tin, hãy tìm ra những năng lực của bạn và tìm cơ hội phát triển chúng.
Trên trang Psychology Today, nhà trị liệu tâm lý Kristie Overstreet khuyến nghị chúng ta hãy hỏi bản thân mình: “Thời gian nào trong cuộc đời bạn cảm thấy có sự tự tin? Trong giai đoạn đó bạn đang làm gì?” Nếu khó khăn để tìm thấy những tài năng cá biệt của bạn, hỏi bạn bè để chỉ ra cho bạn. Đôi khi người khác dễ nhìn thấy điều tốt đẹp ở chúng ta hơn là chúng ta tự nhìn nhận mình.
Như Albert Einstein đã nói: “Mỗi người là một thiên tài. Nếu bạn đánh giá một con cá bằng khả năng leo cây thì cả đời (con cá đó) sẽ nghĩ rằng mình ngu ngốc”. Chúng ta đều có thế mạnh và điểm yếu. Ai đó có thể là một nhạc sĩ tài ba, nhưng là một đầu bếp tệ hại. Khả năng trong một lĩnh vực nào đó cũng không định nghĩ giá trị cốt lõi của một người. Hãy biết nhận ra điểm mạnh của bạn là gì và cảm giác của sự tự tin mà những điểm mạnh đó mang lại, đặc biệt trong những lúc bạn nghi ngờ về bản thân.
Một lời cuối dành cho bạn: Học cách tách bạch giữa hoàn cảnh và giá trị của bạn là chìa khóa cho sự tự tin cá nhân. Nhận định giá trị bên trong và yêu thương một bản thân không hoàn hảo sẽ cung cấp một nền tảng vững chắc cho sự phát triển. Với sự vững chắc đó, một người được giải phóng để phát triển bản thân trong sự vui vẻ, yêu thích chứ không phải trong nỗi sợ hãi thất bại, bởi thất bại đâu có thay đổi giá trị cốt lõi của chúng ta.
Ai cũng đều được sinh ra với những tiềm năng và những giá trị như nhau như một con người. Suy nghĩ rằng chúng ta “không đủ”, “không tốt như người khác” là một niềm tin sai lầm mà chúng ta phải học cách thay đổi theo thời gian.
Theo Cafe F
Xem thêm: