Hay quên hẳn là một việc chẳng ai mong muốn bởi dường như nó chỉ toàn mang lại rắc rối, phiền phức. Tuy nhiên, một nghiên cứu gần đây lại chỉ ra mặt khác hết sức tích cực của nó, rằng hay quên là một cơ chế rất tốt giúp não bộ hoạt động hiệu quả hơn.
Ai cũng sẽ thỉnh thoảng quên khuấy đi một điều gì đó. Có thể bạn bỗng để quên ô ở nhà hoặc không nhớ ra một địa chỉ nào đó. Ngày nay, chúng ta thường khó có thể nhớ hết được tất cả những mật khẩu của mình. Tất cả chúng ta có lẽ đều đã thử nhiều mẹo và bài tập để cải thiện trí nhớ trong nhiều năm qua, nhưng hiếm khi nào có hiệu quả.
Đừng buồn, không hẳn điều đó đã tồi tệ như bạn nghĩ đâu bởi một nhóm các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng, quên là một cơ chế khá tốt nhằm giúp não của bạn hoạt động hiệu quả hơn.
Theo hai nhà nghiên cứu Richards và đồng nghiệp Paul Frankland từ Đại học Toronto ở Canada, bộ nhớ của não bộ được tạo ra không nhằm mục đích truyền tải thông tin chính xác nhất mà là thông tin hữu ích nhất; Những thông tin có lợi được lưu lại sẽ giúp chúng ta đưa ra những quyết định sáng suốt trong tương lai.
Richards và Paul Frankland đã xem xét nhiều nghiên cứu với các góc nhìn khác nhau về ký ức được công bố trước đây. Một số nghiên cứu nói về khả năng ghi nhớ, sự kiên trì; trong khi một số khác lại quan tâm đến sự quên lãng hay sự biến đổi ký ức.
Và kết quả là họ tìm thấy rất nhiều bằng chứng từ các nghiên cứu trước đây nói rằng có những cơ chế trong não bộ đang thúc đẩy sự mất trí nhớ và ngược lại.
Đồng thời, các nhà nghiên cứu cũng đã tìm ra bằng chứng về sự suy yếu của các kết nối giữa các nơ-ron giúp lưu lại ký ức. Họ phát hiện nhiều dấu hiệu cho thấy các nơ-ron mới đã ghi đè lên những ký ức cũ, khiến bộ não khó tiếp cận đến những thông tin này hơn.
Có 2 lý do khiến bộ não chủ động quên đi nhiều dữ kiện cũ. Thứ nhất, quên đi giúp chúng ta cập nhật những thông tin mới trên nền tảng của những ký ức không cần thiết. Thứ hai, việc quên đi cho phép chúng ta lưu giữ các sự kiện chính trong quá khứ chứ không phải ghi nhớ toàn bộ; những thông tin chủ chốt sẽ giúp bạn ra quyết định sáng suốt hơn nếu gặp lại tình huống cũ.
Nghiên cứu này đã đi đến một kết luận đáng kinh ngạc, rằng trí nhớ kém lại có thể là một điều tốt. Tất nhiên, ai cũng sẽ cảm thấy khó khăn nếu cứ hay quên nọ quên kia, nhưng đây có thể là một dấu hiệu cho thấy trí thông minh của bạn đã được tăng cường.
Trong tương lai, có lẽ bạn sẽ không phải cảm thấy khó chịu vì chứng hay quên của mình nữa. Nghiên cứu mới này chỉ ra rằng hay quên có thể là dấu hiệu của một trí thông minh rất cao. Bạn có thể sẽ nghĩ rằng làm sao lại có chuyện đó, nhưng đúng là như vậy.
Vì vậy, nếu bạn có quên đường đi đến một nhà hàng mới mở, thì có lẽ vì bạn đang có nhiều thứ quan trọng hơn trong tâm trí. Thay vào đó, nếu bạn luôn nhớ từng chi tiết nhỏ thì sẽ chỉ khiến bạn gặp khó khăn khi đưa ra quyết định vì có quá nhiều dữ liệu cạnh tranh tham gia vào quá trình suy nghĩ của bạn.
Não bộ của một người thông minh cho phép họ loại bỏ những thứ không còn cần thiết, điều này tạo điều kiện cho việc suy nghĩ và ra quyết định.
Thùy Linh (t/h)