Sống trong xã hội ngày nay, thông qua rất nhiều những cách thức tuyên truyền khác nhau, con người dần đánh mất đi bản chất của mình. Từ thuở xa xưa, vì sao con người luôn đề cao sự lương thiện và san sẻ, nhưng đến ngày nay, xã hội càng phát triển, đứng giữa những cám dỗ của lợi ích, con người dần trở nên ích kỷ. Thậm chí những câu như “Người không vì mình, trời tru đất diệt” đã trở thành phương châm sống của con người hiện đại.
“Thói ích kỉ” trong nhận định trên nên được hiểu là lối sống thực dụng, vụ lợi, đặt quyền lợi, địa vị của bản thân lên trên hết, mà không coi trọng lợi ích của tập thể hay quyền lợi của người khác. Những người nhiễm “thói ích kỷ” nhất định thờ ơ với cộng đồng, thờ ơ với những người sống xung quanh. Bởi tôn chỉ của họ là “đèn nhà nhà nào rạng nhà ấy”, “sống chết mặc bây”. Hơn thế nữa, họ sẵn sàng vì quyền lợi của mình mà bỏ qua lợi ích chung của tập thể, hoặc thậm chí là gây tổn hại cho người khác.
Rõ ràng, trong ý niệm của những người nhiễm “thói ích kỷ”, không thể nào tồn tại hai tiếng “sẻ chia”. Bởi “sẻ chia” và “ích kỷ” là hai xu thế đối nghịch nhau. Nếu “ích kỉ” nghĩa là chỉ biết đến bản thân mình, thì “sẻ chia” là hành động hướng về người khác, “thương người như thể thương thân”. Người có khả năng sẻ chia là người có tấm lòng nhân hậu, biết cảm thông và thấu hiểu. Thông qua sẻ chia mà trái tim được sưởi ấm, linh hồn được cứu rỗi, và người gần người hơn, nhân tính hơn.
Sống trong cộng đồng, sẻ chia là cần thiết. Nhưng tiếc thay, “thói ích kỷ” vẫn đang tồn tại như một xu thế của xã hội hiện đại, con người bị cuốn vào vòng xoáy của dành giật, bon chen và những toan tính vật chất. Nếu một ngày nào đó thế giới chỉ còn lại những người ích kỷ, thì đời sống còn gì ngoài những trao đổi, mua bán? Nếu mọi cá nhân đều vụ lợi, thực dụng thì bất kì điều gì người ta làm – “yêu”, ghét, cười, nói, ăn cắp, tặng quà, làm từ thiện hay dồn ép người khác vào đường cùng … – dù là việc gì đi nữa, tất cả chúng đều được thực hiện nhằm mục đích nào đó, với chủ ý nào đó.
Nơi mà ích kỷ trở thành lối sống của con người thì tình yêu và sự sẻ chia sẽ không còn đất sống. Người ta cũng yêu đó! Nhưng chỉ là “tỏ ra yêu”, “giả vờ yêu”, hoặc tự lừa bịp và ảo tưởng rằng mình yêu, để được thỏa mãn lòng tham hay những nhu cầu mà họ cố giấu. Nơi ấy, tình yêu và sự sẻ chia chỉ còn là “những giá trị lạc lõng”, con người tự đào mồ để chôn cất trái tim mình… Cuối cùng, giả vờ yêu cũng là điều khó nữa, sẽ có lúc trung tâm tình yêu co lại, con người đi đến lãnh cảm, lạnh lùng và khô cứng. Lạnh lùng và khô cứng – nên nhớ rằng đây là những tính chất của xác chết.
“Khi thói ích kỉ trở thành lối sống của con người thì tình yêu thương và sự sẻ chia sẽ chỉ còn là những giá trị lạc lõng”.
Có một điều may mắn là “thói ích kỷ” không thuộc về bản chất ban sơ của chúng ta. Chúng chỉ là những phẩm chất khả dĩ mà ta tiếp thu và bộc lộ trong quá trình sống. Bên trong một người ích kỷ – nếu chưa đi đến lãnh cảm – thường khởi lên những “tiếng nói nội tâm” khi anh ta làm điều gì đó trái với bản tính của mình. Và “tiếng nói” ấy rất nhỏ bé, tinh tế, thậm chí là phi ngôn ngữ. Anh ta có thể đối diện với nó hoặc phớt lờ nó. Và dù anh ta có nhận ra hay không thì nó vẫn có đó. Nắm bắt được “tiếng nói nội tâm” là dần bắt đầu sống thuận với bản chất của mình. Sống thuận với bản chất của mình thì những phẩm chất đẹp đẽ trong ta cũng tự nhiên hiển lộ.
Có một câu chuyện thế này:
Có một cô gái trẻ nọ vừa chuyển đến một khu chung cư. Hàng xóm của cô là một người phụ nữ góa chồng nghèo và hai đứa con nhỏ. Một đêm nọ, cả khu chung cư bị mất điện. Cô gái trẻ phải dùng nến để thắp sáng. Một lúc sau có tiếng gõ cửa. Hóa ra là đứa bé nhà hàng xóm.
“Cô ơi, nhà cô có nến không ạ?”. Cô gái nhăn mặt, nghi thầm: “Không lẽ nhà nó nghèo tới mức không mua nổi cây nến mà dùng? Nếu bây giờ mình cho nó thế nào sao này nó cũng sẽ xin nữa”.
Nghĩ thế cô gái liền trả lời: “Không có, qua nhà khác mà xin”, rồi cô đóng cửa lại ngay. Cậu bé lại gõ cửa “ cộc, cộc.” Cô lại mở cửa ra. Cậu bé lại nói:
“Nếu cô không có…”
Cậu bé chưa nói xong, cô gái trẻ kia liền mắng:
“Cầm đỡ hộp diêm này rồi đi dùm”.
Cửa đóng sập lại trước mặt cậu bé.
SÁNG HÔM SAU…
Cô gái trẻ thức dậy và ra ngoài tập thể dục. Cô thấy có một chiếc bọc bỏ trước cửa nhà mình. Cô mở ra thì thấy bên trong là nến và hộp diêm cô đưa cho cậu bé con nhà hàng xóm lúc tối. Cô gái trẻ tức giận liền xăm xăm đi sang nhà hàng xóm.
Người phụ nữ hàng xóm đang quét sân, thấy cô đi sang cũng nhẹ nhàng chào hỏi:
“Chào cô, sáng sớm cô sang không biết có chuyện gì. Mời cô vô nhà uống chút nước”.
“Không nước nôi gì hết, con bà đâu kêu nó ra đây”.
Người phụ nữ hiền từ hỏi:
“Không biết cô tìm nó làm gì”.
Cô gái trẻ cáu kỉnh:
“Bà đúng là không biết dạy con. Tối qua nó xin tôi nến nhưng tôi không có nên vì thế tôi đưa nó hộp diêm dùng đỡ. Thế mà nó chẳng biết điều gì cả còn mang hai cây nến bỏ trước nhà tôi. Nó đang bố thí cho tôi à”.
Người phụ nữ liền xin lỗi.
“Xin lỗi cô là tôi không biết dạy con. Có gì cô bỏ qua cho cháu”.
Cô gái trẻ liền ném cái bọc xuống khiến diêm và nến bị đổ ra, lăn long lóc. Lúc đó có tiếng một bé gái từ trong vọng ra.
“Tại sao mẹ lại làm thế? Diêm và nến là mẹ kêu anh trai mang sang. Nếu cô ấy không cần thì thôi”.
Rồi cô bé chạy ra nhặt diêm và nến vương vãi trên đất. Nước mắt chảy dài. Cô gái trẻ đứng đó sững sờ, yên lặng như tượng. Cô tự cảm thấy xấu hổ vì sự ích kỉ của bản thân. Chỉ một cây nến nho nhỏ mà cô cũng không sẵn sàng cho đi.
Trong cuộc sống này không ai có thể tồn tại một mình cả cuộc đời. Đôi khi chúng ta cũng cần sự giúp đỡ từ những người xung quanh mình. Thế nhưng nếu bạn không cho đi thì làm sao có thể nhận về.
Sống thì đừng ích kỉ. Sự ích kỉ chỉ khiến bạn dễ phạm sai lầm và những sai lầm sẽ nối tiếp nhau giết chết cuộc đời bạn. Đó là một bài học sẽ theo bạn suốt đời hãy luôn ghi nhớ.
(Tổng hợp)