Có nhiều người khi cuộc sống trở nên tốt hơn chút đã vội quên đi quá khứ, sống xa hoa phung phí, từ đó đánh mất phúc báo; cũng có người dù cuộc sống đầy đủ, nhưng luôn giữ tròn lễ nghĩa, tiết kiệm cả đời, làm cho ai cũng phải kính trọng, yêu mến.
Giàu mà có lễ nghĩa thì ai cũng kính trọng
Trần Tỉnh sống vào thời nhà Hán, có người vợ tên là Lễ Khuê. Vợ chồng họ sinh hạ được hai người con trai, đến lúc lấy vợ đều là con gái nhà giàu có, khi gả về nhà chồng, 2 nàng dâu có tới bảy, tám người hầu đi theo, càng khỏi phải nói đến lễ vật thì nhiều vô kể.
Nhưng Lễ Khuê cũng không phải vì các nàng xuất thân cao quý mà được sủng ái đặc biệt. Con dâu sau khi được gả về, mẹ chồng liền lấy những điều gia giáo đã được truyền lại từ trước để dạy bảo. Chính bà cũng làm gương, tự mình làm những việc khổ cực, vất vả. Hai cô con dâu thấy mẹ chồng như vậy, nên cũng học tập bà cách lo liệu việc nhà.
Lễ Khuê có một người cháu trai, nói năng với bậc bề trên có phần hơi thất lễ, bà cảm thấy cư xử như vậy không thể chấp nhận được, nên không qua lại với cháu trai nữa. Cháu trai vì thế mà nhận thấy được khuyết điểm của bản thân, cũng biết hối cải để sửa đổi.
Về sau gặp lúc loạn lạc, cả nhà Lễ Khuê đều phải sống lang bạt, nhưng nếu có người đến thăm hỏi, bà nhất định cũng phải ăn mặc cho đàng hoàng, để con cháu đi theo đằng sau, rồi bà mới ra tiếp khách. Bà nói: “Ta làm vậy là noi theo lễ nghĩa mà mẹ chồng quá cố của ta từng dạy bảo thôi!“
Mỗi lần có lễ thờ cúng, Lễ Khuê đều lấy gia súc do chính mình nuôi dưỡng, rượu ngon do chính mình ủ mang đi bái lễ tổ tiên, còn nói với con cháu: “Các con phải nhớ kỹ: Thờ cúng trời đất, tổ tiên là lễ nghĩa long trọng nhất”.
Lúc bình thường, bà đối đãi với người thân, hàng xóm cũng đều thân mật, đầy đủ lễ nghĩa, đối với người hầu cũng nhẹ nhàng, tuyệt không vênh mặt hất hàm sai khiến, cho nên mọi người đều tôn kính. Bà cả một đời giữ trọn lễ nghĩa, sống đến tám mươi chín tuổi mới tạ thế.
Khi giàu sang phải nhớ lúc cơ hàn, không nên kiêu ngạo phóng túng bản thân
Vào triều đại nhà Đường, Kỷ Vương Lý Thận có người con gái tên là Sở Viện. Lúc Sở Viện được tám tuổi thì Kỷ Vương bị bệnh, Sở Viện cả ngày mặt mày ủ dột, nuốt cơm không trôi.
Kỷ Vương thấy con còn nhỏ mà đã hiếu thuận, biết thương xót cha mẹ, liền nói dối với con rằng bệnh của mình đã đỡ rồi. Nhưng Sở Viện nhìn sắc mặt cha vẫn còn xám đen, nên vẫn cứ buồn rầu mãi không thôi, ăn cũng không ngon miệng. Qua chuyện này có thể thấy Sở Viện không những thông minh mà cũng vô cùng hiếu thuận.
Sau khi lớn lên, Sở Viện được gả cho Bùi Trọng Tương. Ở nhà chồng nàng cẩn thận chăm sóc mẹ chồng rất tử tế; đối với chồng thì kính trọng, cung kính; đối với chị em dâu thì hòa thuận, vui vẻ; đối với những người nhỏ hơn và người hầu thì vô cùng hòa nhã, tốt bụng.
Lúc đó giới quý tộc trong cung đình đang thịnh hành lối sống xa hoa, phóng túng, vung tay ngàn vàng cũng không tiếc. Có người thấy Sở Viện lo việc trong gia đình rất tiết kiệm, mới nói với nàng: “Em đó, không cần phải cứng nhắc quá vậy chứ. Người sống trên đời nào có được mấy chục năm, cuộc đời ngắn ngủi như thế, phải sống theo sở thích của mình cho thỏa đi chứ, em cứ cơm canh đạm bạc, tiết kiệm mãi thế để làm gì?“
Sở Viện đáp lại: “Tôi từ nhỏ được dạy về lễ nghĩa, việc tôi tiết kiệm cũng là do thói quen từ trước đến giờ là như vậy rồi. Hơn nữa như tôi thấy, phụ nữ thì phải kính cẩn, khiêm tốn, chứ nếu kiêu sa, phóng túng như thế kia thì quá bại hoại rồi.
Huống hồ sự giàu có và ân sủng là điều không dễ có được, nhưng lại có thể mất đi trong phút chốc. Nếu lỡ mất rồi thì sau này còn biết sống sao, còn biết dựa vào đâu mà tỏ ra ngạo mạn, coi thường người khác nữa? Khi giàu sang phải nhớ lúc cơ hàn, không nên kiêu ngạo phóng túng bản thân!”
Soạn cuốn sách “Nữ hiếu kinh” được lưu danh thiên cổ
Vào triều đại nhà Đường, Trần Mạc có một người cháu gái được gả cho Vương Vi. Vợ của Trần Mạc là Trịnh Thị lo lắng cháu gái từ nhỏ chỉ sống nơi khuê phòng, không thạo việc lễ nghĩa, nên đã nghĩ cách để dạy cho cháu một ít lễ nghĩa và đạo lý trước khi về nhà chồng.
Nàng đã sưu tầm những câu chuyện đạo lý trong kinh sử, dựa theo cách thức của Tào Đại Gia nổi tiếng thời nhà Hán, mà soạn một bộ sách gọi là “Nữ hiếu kinh”. Sách có 18 chương, mỗi chương mỗi mục đều có tên gọi, cách thức về cơ bản cũng giống với “Hiếu kinh” của Khổng Tử. Về sau Trịnh Thị đã viết “Nữ hiếu kinh” thành một biểu chương và đem dâng lên Hoàng Đế.
Hoàng Đế sau khi đọc “Nữ hiếu kinh” của Trịnh Thị, cảm thấy viết được cũng khá, liền đề xướng phụ nữ trong thiên hạ dựa vào cuốn sách này mà làm theo. “Nhân, lễ, nghĩa, trí, tín” được giảng trong cuốn sách vẫn còn được lưu truyền tới ngày nay. Trong “Ngũ thường” thì “hiếu” là tư tưởng quan trọng nhất, đây cũng là nguyên nhân vì sao mà tên sách lại đặt là “Nữ hiếu kinh”.
Trịnh Thị tư chất thông minh, khi còn nhỏ rất thích đọc sách, mỗi khi gặp được người có tài đức sáng suốt thì đọc đi đọc lại nhiều lần, quyết tâm học tập theo đức hạnh của họ.
Không khó hiểu khi cháu gái của bà được gả vào một gia đình quý tộc, bà liền nảy sinh ý muốn soạn một cuốn sách, cũng nhờ quyển sách này mà tên bà được lưu danh thiên cổ. Ảnh hưởng và tác dụng của nó đã vượt xa khỏi ý muốn ban đầu của Trịnh Thị, không chỉ giúp ích cho mỗi cháu gái của bà, mà còn cho nữ nhi khắp thiên hạ!
Chân Chân (Theo Epochtimes)
Xem thêm: