Khang Hy (1654-1722), họ Ái Tân Giác La, tên Huyền Diệp, là vị hoàng đế thứ 4 của triều đại nhà Thanh. Ông 8 tuổi lên ngôi, làm vua trị vì đất nước suốt 61 năm, đã tạo nên thời đại “Khang Càn thịnh thế”, là một vị minh quân hiếm có từ xưa tới nay.
Chỉ mong thiên hạ yên bình, an dân lạc nghiệp
Khang Hy có tư chất thông minh, từ nhỏ đã cần mẫn học tập, phàm là các nguyên tắc trị vì triều chính, thánh hiền tâm học, lục kinh yếu chỉ, ông đều thông thạo. Đồng thời ông còn được huấn luyện quân sự một cách rất nghiêm khắc, trở thành nhân tài kiệt xuất văn võ song toàn, đa tài đa nghệ, đặt định nền tảng vững chắc cho việc xử lý các công việc quốc gia đại sự sau này.
Khi còn nhỏ, Khang Hy đã thể hiện sự trưởng thành sớm và có ý chí hơn người. Năm 6 tuổi, có một lần, ông và các huynh đệ tới vấn an Hoàng đế Thuận Trị. Hoàng đế Thuận Trị bảo từng người nói về chí hướng của mình sau này. Khang Hy nhanh nhảu đáp rằng: “Đãi trường nhi hiệu pháp hoàng phụ” (tức là, đợi sau này lớn lên sẽ học theo phụ hoàng). Hoàng đế Thuận Trị nghe xong thấy vô cùng kinh ngạc.
Khi Khang Hy vừa kế vị, tổ mẫu Hiếu Trang Hoàng thái hậu bèn hỏi ông, sau khi làm Hoàng đế thì có nguyện vọng gì. Ông trả lời rằng: “Chỉ mong thiên hạ yên bình, an dân lạc nghiệp, cùng nhau hưởng phúc thái bình mà thôi”.
Ái Tân Giác La 8 tuổi lên kế thừa ngai vị, làm vua trị vì đất nước suốt 61 năm, là một trong những nhà cai trị tại vị lâu nhất trong lịch sử thế giới. Trong rất nhiều câu chuyện cuộc đời Khang Hy, hậu nhân thường kể đến và tán dương nhiều nhất là việc ông bắt Ngao Bái ngang ngược độc đoán vào năm 15 tuổi.
Bắt giữ Ngao Bái
Việc bắt giữ Ngao Bái bấy giờ là việc vô cùng khó, không phải tùy tiện nói bắt là có thể bắt được. Nhưng vì sao sau khi bắt giữ được Ngao Bái rồi, Hoàng đế Khang Hy không giết chết ông ta mà lựa chọn tống giam chung thân? Chẳng lẽ Hoàng đế Khang Hy không sợ Ngao Bái ở trong ngục vẫn có thể tác oai tác quái, kéo bè kết phái, gian xảo hay sao?
Khi Huyền Diệp kế vị lúc ấy ông chỉ mới 8 tuổi, do tuổi còn nhỏ, nên bốn vị trọng thần là Sách Ni, Tô Khắc Tát Cáp, Át Tất Long và Ngao Bái được coi là đại thần phò tá triều chính. Ngao Bái lập được nhiều công trạng, dần dần tự cao tự đại, có tâm không chịu làm hạ thần, chèn ép đả kích các vị đại thần khác.
Khang Hy 14 tuổi đã đích thân nắm việc triều chính, tuy nhiên Ngao Bái lợi dụng Hoàng đế nhỏ tuổi đã độc đoán chuyên quyền, thậm chí còn diệt cả họ Tô Khắc Tát Cáp vì dám ngăn trở ông ta lộng quyền. Sự lộng hành của Ngao Bái đã khiến con người phẫn nộ, đã uy hiếp tới sự ổn định quyền lực của Hoàng đế và sự trị an lâu dài của quốc gia.
Ngao Bái bấy giờ là “nguyên lão tam triều”, công trạng rất lớn. Từ thời Hoàng Thái Cực (Hoàng đế sáng lập triều đại nhà Thanh), Ngao Bái đã dẫn quân chinh chiến, lập được chiến công hiển hách. Năm 1637, Ngao Bái đánh chiếm được Bì Đảo. Năm 1641, Ngao Bái đại thắng Tùng Cẩm. Năm 1644, Ngao Bái lại dẫn quân truy kích quân nông dân của Lý Tự Thành, giành được thắng lợi trong trận Tây Sung, đánh hạ quân Trương Hiến Trung chiếm lĩnh Tứ Xuyên…
Ngoài ra, Ngao Bái đối đãi với Hoàng Thái Cực vô cùng trung thành. Năm Hoàng Thái Cực chết bệnh, Đa Nhĩ Cổn lao vào cuộc tranh giành đế vị với Hào Cách – con trưởng của Hoàng Thái Cực. Ngao Bái đã quỳ gối thề sống chết bảo vệ Hào Cách, thậm chí dùng kiếm uy hiếp Đa Nhĩ Cổn khiến Đa Nhĩ Cổn không thể không thoái nhượng. Đa Nhĩ Cổn đành chấp nhận giải pháp thỏa hiệp là phò lập con thứ 9 của Hoàng Thái Cực mới 6 tuổi là Phúc Lâm lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu là Thuận Trị – chính là cha của Khang Hy. Bởi vậy, Ngao Bái cũng được đánh giá là có công trong việc giúp Thuận Trị lên ngôi.
Xét một cách khách quan, Ngao Bái thực sự từng là trung thần tận tâm. Chỉ là về sau, khi quyền lực càng lớn, tham vọng lộng hành càng nhiều thì đã làm ra đủ loại việc “đại nghịch bất đạo”. Hoàng đế Khang Hy là người sáng suốt, công bằng, chính trực. Vì vậy, ông có thể xem xét toàn diện cả cuộc đời của Ngao Bái để đánh giá. Cuối cùng, Hoàng đế đã ra một phán quyết công chính, đồng thời cũng thể hiện rõ là vị đại minh quân.
Còn có một nguyên nhân chủ yếu nữa khiến Hoàng đế Khang Hy không giết chết Ngao Bái. Khang Hy là người tín Phật. Ông hiểu rằng, lợi ích của thần tử và lợi ích chúng sinh là đồng nhất với nhau. Theo ghi chép trong tư liệu lịch sử, bà nội của Khang Hy là Hoàng Thái Hậu Hiếu Trang cũng là người rất tin vào Phật Pháp. Cha của Khang Hy là Hoàng đế Thuận Trị cũng là người tín Phật. Cho nên, đối với Khang Hy mà nói, từ nhỏ ông đã chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi các pháp lý của nhà Phật.
Hoàng đế Khang Hy hết lòng tin tưởng vào Quan Thế Âm Bồ Tát, cho nên, khi còn sống, ông đã cho xây dựng Phổ Đà Sơn thành thánh địa của Phật giáo. Ông cũng cúng bái Bồ Tát, bố thí, chu cấp nuôi dưỡng tăng nhân, xây dựng nhiều chùa chiền, làm hưng thịnh Phật Pháp trong suốt những năm tại vị.
Bên Phật gia cho rằng, vô luận là cung cấp nuôi dưỡng hay bố thí thì đều là việc tích phúc đức cho bản thân mình. Bởi vậy, trong suốt quá trình tại vị của mình, khi thống nhất nhiều dân tộc, cai trị đất nước… Khang Hy đều áp dụng những chính sách có lợi cho dân, lấy dân làm gốc. Có lẽ vì vậy mà thành tựu ông đem lại chính là một thời đại “Khang – Càn thịnh thế”, kéo dài đến hơn 100 năm suốt từ đời Khang Hy, đến đời Ung Chính và Càn Long lên ngôi.
Theo Trithucvn