Có những chi tiết lạ thường được phát hiện trong các văn tự cổ, mô tả một thành phố ngầm bị lãng quên ngay dưới công trình Kim tự tháp Giza nổi tiếng của Ai Cập.
Dường như những hiểu biết của chúng ta về Đại Kim tự tháp ở cao nguyên Giza chưa bao giờ đầy đủ. Có rất nhiều tài liệu nói về những đường hầm bí mật, lối đi và các căn phòng bên dưới bề mặt cao nguyên Giza. Một số công trình được cho là có nhiên đại hơn 15.000 năm. Đó là một thế giới ngầm khổng lồ, tách biệt với xã hội và không được nhắc đến trong các cuốn sách lịch sử.
Trên thực tế, toàn bộ khu vực Memphis (Giza) được cho là ẩn chứa những lối đi ngầm và các công trình bí mật. Cách Giza không xa, tại ốc đảo Fayum, nhà sử gia Hy Lạp cổ Herodotus đã từng mô tả sự tồn tại của một mê cung đáng kinh ngạc. Theo Herodotus, mê cung kỳ vĩ này có kích thước ấn tượng với sức chứa lên tới 1500 ngôi nhà.
Cấu trúc cổ xưa này đã khiến Herodotus rất kinh ngạc. Ông đã viết về nó như sau:
“… Tôi thấy có 12 cung điện được đặt ở đó, chúng đan xen vào nhau và xen kẽ cùng những bậc thang. Thật khó mà tin rằng con người có thể xây dựng nên thành phố này, những bức tường được bao phủ bởi các hình điêu khắc chạm trổ, và mỗi sảnh đều được làm bằng đá cẩm thạch trắng tinh xảo, xung quanh đều được các bờ tường bao phủ. Gần cuối mê cung có một Kim tự tháp cao khoảng 73m với các bức tượng động vật được chạm trổ đẹp mắt ở phía trên và một lối đi ngầm phía dưới. Tôi tin rằng lối đi ngầm này sẽ dẫn đến Kim tự tháp ở Giza… “
Herodotus thậm chí còn viết về một khu phức hợp đa tầng khổng lồ bên dưới Đại Kim tự tháp Giza, và cho biết công trình này có ít nhất 15.000 năm tuổi. Thú vị hơn là có nhiều tác giả khác cũng đã tham gia hỗ trợ Herodotus trong việc ghi chép về các lối đi ngầm bên dưới kim tự tháp này.
Bí mật bên dưới cao nguyên Giza
Iamblichus Chalcidensis, một sử gia và nhà triết học người Syria đã viết về lối vào của tượng Nhân Sư và Đại Kim tự tháp như sau:
“… Lối vào đã bị cát và rác chặn lại, tuy nhiên vẫn có thể tìm thấy nó giữa 2 chân trước của pho tượng Nhân Sư. Lối đi này đang bị chặn bởi một cánh cổng bằng đồng và chỉ có thể mở bằng phép thuật. Cánh cổng có tác dụng bảo vệ sự tôn kính của người dân đối với tín ngưỡng tâm linh hơn là mục đích quân sự”.
Rất ít người trên thế giới biết về thành phố ngầm bên dưới cao nguyên Giza. Hồi năm 1930, truyền thông cũng nói đến các căn phòng và lối đi ngầm giữa đền thờ Thần Mặt Trời dẫn đến tượng Nhân Sư trong thung lũng Giza. Giữa tượng Nhân Sư và Đại Kim tự tháp Giza có 4 đường thông thẳng đứng rộng lớn dẫn vào các căn phòng bên trong bằng những bậc đá vôi.
Mặc dù những văn tự cổ có nói đến thành phố ngầm bên dưới cao nguyên Giza nhưng chính quyền Ai Cập từ lâu đã che giấu những ghi chép này cùng nhiều cuộc khám phá khác.
Từ năm 1978, khi người ta bắt đầu ứng dụng radar xuyên lòng đất vào nghiên cứu, khu vực cao nguyên Giza vẫn luôn được biết đến với một hệ thống khổng lồ bao gồm các đường hầm, phòng ốc nhân tạo, cũng như các con sông ngầm bên dưới lòng đất.
Một số nhà nghiên cứu cho rằng có những công trình thậm chí còn to lớn hơn bất kỳ nhà thờ nào của chúng ta và nó giống như “Thành phố của các vị thần” nằm ngay dưới bề mặt cao nguyên Giza. Một số bằng chứng khác có thể được tìm thấy trong một bản thảo hiện đang nằm tại Bảo tàng Anh. Người viết là tác giả Altelemsani, trong đó có đoạn ghi về một khoảng trống ngầm được xây giữa khu vực Kim tự tháp và sông Nile, đó là “một khoảng không kỳ lạ” nằm chắn ở cửa sông Nile.
Có thông tin cho rằng, chúng ta có thể đi đến thành phố ngầm từ phần khác bên trong tượng Nhân Sư bằng những bậc đá dày dẫn đến hệ thống hang động bên dưới nền đá sông Nile. Hệ thống thành phố ngầm bên dưới cao nguyên Giza mở rộng sang phía đông, hướng đến thủ đô Cairo.
Không chỉ vậy, các tác giả khác như Masoudi (sống vào thế kỷ X) còn viết về “những bức tường có gắn động cơ” thú vị với nhiều khả năng đáng kinh ngạc. Nó hoạt động như những vệ sĩ và ngăn không cho bất kỳ ai có thể xâm nhập vào khu phức hợp bên dưới lòng đất này.
Những ‘robot’ thời cổ đại này được cho là đã được lập trình để loại bỏ tất cả những ai muốn tiếp cận ngoại trừ những người xứng đáng được bước vào thế giới này.
Hoàng An (t/h)