Hàng ngàn năm trước, các nền văn hóa cổ đại đã kinh ngạc bởi những ngọn lửa tự nhiên tưởng chừng như phép lạ, có thể cháy suốt ngày đêm trong nhiều tuần, nhiều thập kỷ hoặc thậm chí nhiều thế kỷ.
Những câu chuyện về ngọn lửa như vậy đã trở thành tiêu điểm chú ý cho các nhà địa chất và các nhà thám hiểm dầu khí, vì chúng không chỉ tiết lộ các nghi lễ văn hóa và tinh thần của quá khứ, mà còn cung cấp những manh mối địa chất học hiện đại và sự rò rỉ khí đốt hiện nay.
Theo trang web tin tức khoa học Phys.org, tác giả Guiseppe Etiope của Viện Vật lý và Núi lửa Quốc gia Ý, đã viết trong cuốn sách “Sự rò rỉ khí tự nhiên” rằng những truyền thuyết về ngọn lửa vĩnh cửu trong lịch sử có thể tiết lộ cho các nhà nghiên cứu địa điểm và thời gian của các vụ cháy do rò rỉ khí đốt trong quá khứ xa xưa. Biết được ngọn lửa cháy và trong bao lâu có thể giúp xác định những hiện tượng không do hoạt động của con người hiện đại gây ra, chẳng hạn như fracking (kỹ thuật sử dụng thủy lực trong khai thác dầu mỏ) hoặc khoan.
Việc xác định được vị trí ngọn lửa khí đốt cổ xưa và thời gian cháy, cũng có thể cho phép các nhà nghiên cứu ước tính có bao nhiêu lỗ hổng thoát hơi vào không khí và lượng khí đốt còn lại tại một vị trí.
Etiope viết trong đề tài “Những rò rỉ trong thế giới cổ đại: thần thoại, tôn giáo và phát triển xã hội ” như sau: “Biết được sự rò rỉ của dòng khí đốt hiện nay và sự rò rỉ hai ngàn năm trước đây, chúng ta có thể ước tính tổng lượng khí đã phát thải vào khí quyển từ đó đến nay.”
“Thông tin như vậy không chỉ thích hợp để nghiên cứu lượng metan trong khí quyển mà còn quan trọng trong việc nắm bắt được sự rò rỉ tiềm năng của hệ thống dầu khí, cho dù chúng có vì mục đích thương mại hay không.“
Ngọn lửa vĩnh cửu đã trở thành biểu tượng của nhiều nền văn hóa khác nhau. Chúng mang ý nghĩa tôn giáo và văn hóa trong suốt lịch sử, trên khắp toàn cầu. Ngọn lửa vĩnh cửu có thể đại diện cho ánh sáng mặt trời, hoặc sự hiện diện bất diệt của một vị thần. Nó có thể tượng trưng cho sở hữu tri thức, hoặc là một phần trong thờ cúng tổ tiên.
Ngọn lửa cháy lâu nhất thế giới được cho là “Burning Mountain” tại Úc. Đó là ngọn lửa vĩnh cửu tại một vỉa than, được cho là đã bị đốt 6.000 năm.
Etiope viết rằng các lỗ hổng dầu mỏ và khí đốt có thể đã ảnh hưởng đến xã hội và công nghệ của người cổ đại, thậm chí là nguồn gốc của chiến tranh.
Bằng chứng sớm nhất của việc sử dụng dầu hỏa được tìm thấy tại Syria, nơi mà 40.000 năm trước người Neanderthal đã sử dụng bitum tự nhiên trong công cụ đá của họ.
Ngọn lửa vĩnh cửu có thể được tìm thấy trong các ghi chép lịch sử kéo dài suốt nhiều thiên niên kỷ. Trong ký sự cổ xưa về Chimaera, một địa điểm gần núi Lycia cổ (Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay) “… ngọn lửa thực sự cháy cả ngày ngày lẫn đêm không tắt“. Khí Metan rò rỉ từ lỗ hổng bên dưới, và cháy trên bề mặt với ngọn lửa kỳ lạ.
Hiện tượng địa chất này đã tạo nên huyền thoại về Chimera, một con quái vật khủng khiếp phun ra lửa, cơ thể có đầu của một con sư tử, một đầu dê trên lưng và đuôi của một con rắn.
Những chiếc đèn không tắt là chủ đề chính trong các truyền thuyết tôn giáo, có lẽ được lấy cảm hứng từ các ngọn lửa vô tận bởi sự rò rỉ khí đốt hoặc dầu hỏa.
Phys.org viết rằng những tín đồ Zoroastrian đã đời đời tôn thờ “Pillars of Fire” (những cột lửa), được tạo ra từ một dòng dầu thô phun từ mặt đất, được đề cập đến trong truyền thuyết La Mã cổ đại từ năm 38 TCN. Vị trí này đã trở thành một điểm gặp gỡ đầu tiên cho các tín đồ Cơ Đốc giáo thời La Mã, hiện nay một nhà thờ đã được xây dựng ở đó. Manggarmas, ngọn lửa linh thiêng ở Indonesia, đã hoạt động kể từ thế kỷ 15 và vẫn được sử dụng trong các nghi lễ cho đến ngày nay.
Ngọn lửa vĩnh cửu là biểu tượng của sức mạnh và vẫn được bảo tồn cho đến ngày nay. Những ngọn lửa vĩnh cửu hiện nay thường phục vụ như là vật tưởng niệm và được đốt cháy bằng propan hoặc khí thiên nhiên. Ngọn lửa Olympic là một biểu tượng toàn cầu của một ngọn lửa vĩnh cửu, tại nhiều địa điểm Olympic, ngọn lửa này được thắp sáng cho đến ngày hôm nay.
Thiên Long, theo ancient-origins