Một phân tích gần đây cho thấy vết tích về những bàn tay nhỏ xíu được in trên bức tường đá ở sa mạc Sahara có thể không thuộc về loài người. Những dấu tay nhỏ được in bên trong hình lòng bàn tay của người trưởng thành, trên những bức tường của hang đá Wadi Sura II, từ cách đây khoảng 8,000 năm.
Khu vực Wadi Sura II được khám phá tại Hướng Tây Sa Mạc Ai Cập vào năm 2002. Tại đây, những nhà nghiên cứu đã tìm thấy các bức họa trang trí được vẽ lên tường các hang động, chúng khắc họa nhiều động vật hoang dã, hình tượng con người và những sinh vật kì dị không đầu. Vì thế, nơi đây được gắn với cái tên “Hang động của động vật”.
Tuy nhiên, một điểm đáng lưu ý là nơi đây lưu lại rất nhiều dấu tay của loài người – nhiều hơn tất cả những điểm có thể hiện nghệ thuật trên đá khác từng được tìm thấy ở Sahara.
Ngạc nhiên hơn, nơi đây cũng lưu lại 13 dấu tay siêu nhỏ. Trước khi Wadi Sura II được khám phá, những dấu tay và chân siêu nhỏ tương tự chỉ được tìm thấy tại Úc và đây là lần đầu tiên nó được phát hiện ở Sahara.
Một điểm rất dễ nhận ra và cũng rất xúc động với người xem là hình ảnh đôi bàn tay “bé sơ sinh” nằm lọt thỏm bên trong và được bao bọc bởi đôi bàn tay lớn hơn của người lớn.
Nhưng sau khi nghiên cứu, các nhà khoa học kết luận những đôi tay nhỏ xíu ấy không hề thuộc về loài người.
Tìm kiếm câu trả lời ở 1 bệnh viên Pháp
Nhà nhân chủng học Emmanuelle Honoré đến từ Viện Nghiên Cứu Khảo Cổ Học McDonald cho biết cô đã rất “kinh ngạc” bởi hình dáng những bàn tay nhỏ bất thường khi cô ghé thăm Wadi Sura II lần đầu vào năm 2006. Cô giải thích: “Nó nhỏ hơn rất nhiều khi so sánh với bàn tay của trẻ sơ sinh và ngón tay thì lại quá dài”.
Honoré quyết định thực hiện so sánh kích thước tiêu chuẩn giữa những dấu tay được tìm thấy tại Wadi Sura II với những bàn tay của bé sơ sinh (37 – 41 tuần thai). Ngoài ra, bởi vì những dấu vân tay được tìm thấy quá nhỏ, cô cũng sử dụng thêm những bàn tay của các bé sinh non để so sánh (26 – 36 tuần thai).
Để thực hiện bài kiểm tra này, cô đã tuyển dụng và thành lập một nhóm nghiên cứu bao gồm những chuyên viên y tế để thực hiện việc thu thập thông tin về trẻ sơ sinh từ các đơn vị phụ trách trẻ sơ sinh của một bệnh viên tại Pháp.
“Nếu tôi bỗng xuất hiện tại bệnh viện và nói: ‘Tôi đang nghiên cứu về nghệ thuật trên đá. Có trẻ sơ sinh nào để tôi thực hiện nghiên cứu không?’ Chắc chắn họ sẽ nghĩ tôi bị khùng và gọi bảo vệ”, cô chia sẻ và cười.
Kết quả mới được công bố cho thấy chỉ có một xác suất rất nhỏ những dấu tay được cho là của “trẻ sơ sinh” ở trong “Hang động của thú vật” thuộc về loài người.
Vậy nếu những vết tích này không thuộc về loại người, nó thuộc về loài nào? Vị trí của những bàn tay và các ngón tay đều có sự khác biệt. Điều này đã giúp các nhà nghiên cứu đi đến kết luận là chúng rất mềm dẻo, có những khớp nối và loại bỏ khả năng về việc chúng có thể được in lên sử dụng các vật liệu như gỗ hay đất sét.
Những bức tường tại Wadi Sura II được bao phủ bởi hàng trăm hình in được hoàn thiện bằng tay cũng như những hình ảnh về con người, động vật hoang dã và cả những quái thú kì dị không đầu.
Ban đầu, Honoré nghĩ rằng những vết tích này rất có thể là chân của một loài khỉ những khi thực hiện so sánh với thực tế thì nó lại không hề khớp. Những đồng nghiệp của cô tại Bảo Tàng Lịch Sử Tự Nhiên ở Paris đã gợi ý bà thử làm các phép so sánh với một số loài bò sát.
Cho đến nay, những mẫu vật có tỷ lệ tương xứng gần nhất với “bàn tay những em bé” này là cẳng trước của một loài thằn lằn sa mạc hoặc, cũng rất có thể là vết chân của những cá sấu con (Các nghiên cứu về khả năng này đang trong quá trình thực hiện).
Khi những vết tích về “bàn tay trẻ em” tại Wadi Sura II được công bố không thuộc về loài người, rất nhiều nhà nghiên cứu về nghệ thuật trên đá tại vùng Sahara đã vô cùng ngỡ ngàng.
Honoré giải thích thêm, “In hình động vật thường được biết đến như là một nét văn hóa đặc sắc của Úc hay Nam Mỹ”.
“Trong bộ sưu tập về những nhình ảnh này, chúng ta có thể thấy con người là một thành phần nhỏ của thiên nhiên rộng lớn” – Nhà nhân chủng học: Emmanuelle Honoré
Những hình ảnh về chân động vật được lưu lại ở Wadi Sura II không chỉ được in bên trong lòng bàn tay của loài người mà cũng hiện diện ở những phù điêu, với một khuôn mẫu tương tự kèm với bàn tay của con người.
Tất cả những hình in này đều được thực hiện vào cùng một thời điểm với những sắc màu giống nhau. Vì vậy, thật khó để diễn giải liệu có phải chân của một loài động vật đã được ép vào tường để phục vụ công việc in hình trên đá hay các họa sỹ thuở xưa đã sử dụng một cái chân bị cắt của chúng để thực hiện những tác phẩm này dễ dàng và hiệu quả hơn.
Với Honoré, cô không ưa thích việc đưa ra quá nhiều định nghĩa cho những dấu in không thuộc về loài người.
Cô nói: “Ngày nay, chúng ta có một quan niệm hiện đại, thường là con người không có quá nhiều gắn kết với thiên nhiên”. “Tuy nhiên, với bộ sưu tập về những hình ảnh này chúng ta có thể thấy con người là một thành phần nhỏ của thiên nhiên rộng lớn và điều này thực sự rất khó khăn để diễn giải với những nhà khoa học như chúng tôi bởi vì chúng ta có một nền văn hóa hoàn toàn khác biệt”.
Bình An, theo Kristin Romey – National Geographic