“Khách khí” đôi lúc không có nghĩa là tốt, bạn cần biết từ chối đúng lúc, giúp đỡ người đúng chỗ. Như vậy sẽ không tự mang đến phiền toái cho mình, làm rạn nứt đi các mối quan hệ một cách không đáng.
Từ xa xưa, cổ nhân luôn chú trọng đến đạo lý giữa người với người, bất luận là trong những lời giáo huấn hay những điển cố được lưu truyền, đều dạy chúng ta phải biết khiêm nhường, nghĩ đến người trước rồi mới đến mình.
Thận trọng từ lời nói đến hành động, không tranh không giành với người khác, đã trở thành quy tắc ngầm trong cách đối nhân xử thế của chúng ta. Trong đó có một loại quy tắc ngầm gọi là “khách khí”.
Những người thuộc loại hay ‘khách khí’ này thường được cho là người hiền lành, họ đa số bản tính lương thiện, không nỡ làm tổn thương người khác, luôn đứng ở góc độ của đối phương để cân nhắc vấn đề và luôn nhận những oan ức, khó khăn về mình, đem lại lợi ích và niềm vui cho người khác. Bất cứ chuyện gì cũng không thể cự tuyệt, ngại phải nói đến chữ “không”.
1. Người khác không ngại nói, vậy bạn ngại gì mà không từ chối?
Có một loại người khi tìm người khác giúp đỡ đều thẳng thắn yêu cầu, cũng không cân nhắc là điều đó có thể gây phiền toái hoặc khó xử cho bạn hay không, mà chỉ nghĩ đến cảm nhận của bản thân mình, cho rằng bạn giúp họ là lẽ thường tình, còn không giúp họ là tội ác; bạn giúp họ là lẽ đương nhiên, bạn không giúp họ thì trở thành vô tình vô nghĩa. Thật tình lại không biết rằng, sống trên đời không ai nợ ai, vậy thì tôi giúp bạn là tình nghĩa, không giúp bạn cũng chẳng có gì là sai.
Mấy ngày trước, nhận được điện thoại của Tùng đã lâu không liên lạc, vậy mà câu nói đầu tiên cậu ta chỉ là: “Tiệm XX là của họ hàng nhà ông mở à? Bạn học của tôi hôm nay đến, lấy giá rẻ chút nhé”. Cái khẩu khí này có chỗ nào giống như muốn tìm tôi giúp đỡ chứ? Mà rõ ràng đây giống như mệnh lệnh.
Tôi bất đắc dĩ phải gọi điện cho họ hàng, sắp xếp thỏa đáng, rồi gọi điện báo cho Tùng. Tôi vừa nói xong, nào ngờ cậu ta liền dập máy mà ngay cả một câu cảm ơn cũng không có. Lúc đó trong tâm tôi cảm thấy vô cùng khó chịu, tức giận vì chính mình quá nể nang mà không dám từ chối, không chỉ thiệt hại tiền bạc mà quan trọng là ngay cả một lời cảm ơn cũng không nhận được.
Người không biết cảm ơn, lâu dần sẽ xem sự giúp đỡ của người khác đối với mình là đương nhiên, sự khách khí của bạn chỉ khích lệ cho lòng tham vô đáy của họ. Đối với loại người này bạn không cần phải cân nhắc chuyện tình cảm, mà cần phải quả quyết từ chối, cương quyết nói “không”.
2. Khách khí chính là chết nhục nhã vì sĩ diện
Còn có một loại người, tự nhận là có mối quan hệ tốt với bạn, họ tìm đến bạn để được giúp đỡ, thậm chí người nhà của họ cũng tìm bạn khi họ cần giúp đỡ. Vì tình nghĩa bạn đành phải miễn cưỡng chấp nhận, không ngờ đối phương lại được voi đòi tiên, biến bạn trở thành công cụ đắc lực cho họ khai thác. Bạn bè họ hàng của anh ta, đồng nghiệp, người thân, thậm chí cả cô bảy, dì tám cũng đều được anh ta mang đi nhờ vả.
Anh ta khoe khoang khắp nơi rằng có mối quan hệ thân thiết với bạn, nên rất nhiều việc có thể giải quyết dễ dàng mà không cần đến phí tổn. Nhưng thật tình không biết, trong mỗi lần giúp đỡ của bạn lại ẩn chứa bao nhiêu điều muốn nói nhưng lại thôi.
Nam chính là loại người như vậy. Khi đó tôi còn phụ trách bộ phận bán hàng, anh ấy mua một chiếc xe và nhờ tôi giúp đỡ. Tôi xác định không thể chối từ. Nhưng không lâu sau đó, anh ấy lại đưa người thân đi mua xe hơi, tiếp theo là đồng nghiệp, sau đó là đồng nghiệp của đồng nghiệp, bạn của đồng nghiệp, có lúc còn đưa cả những người không liên quan tới, thật là đủ các thể loại.
Dù là ai đến cũng đều thi nhau cò kè mặc cả, còn dùng đến chiêu bài tình nghĩa, hận là tôi không thể tặng luôn cho anh ta một chiếc xe. Bởi vì ngại tình cảm với Nam, lần nào tôi cũng phải mang vẻ mặt tươi cười, nhưng trong tâm phải suy xét từng li từng tí.
Nhưng buồn cười chính là, Nam không nghĩ rằng những việc đó mang đến phiền phức cho tôi, còn khoe khoang rằng đã giúp tôi kinh doanh, nhiều lần còn muốn tôi mời cơm để cảm ơn anh ta. Tôi thật sự bàng hoàng không nói nên lời.
Cuối cùng có một lần Nam đưa một người bạn đến mua xe, bởi vì tôi không thể đáp ứng yêu cầu quá đáng của anh ta. Từ đó, tôi giống như kẻ đại nghịch bất đạo, có người thân mà không nhận. Nam và tôi dần dần nảy sinh hiềm khích, tình bạn tốt đều cứ thế lần lượt bị sự khách khí của tôi phá hoại, tình nghĩa nhiều năm dần dần ngày càng xa cách.
3. Từ chối người khác không phải là sai, đừng để sự khách khí làm hại bạn
Lúc lên đại học, tôi có quen biết một người bạn và mối quan hệ giữa chúng tôi khá tốt. Một lần người bạn đó nói mẹ mình đang mắc bệnh, nên muốn vay tiền tôi. Bởi không nỡ từ chối, và thật sự muốn giúp đỡ bạn, dù lúc đó tôi vẫn là một sinh viên nghèo, nhưng vẫn lấy tiền sinh hoạt của ba mẹ cho để cứu giúp mẹ của bạn.
Giúp đỡ bạn trong lúc khó khăn là đúng, nhưng khi mọi chuyện ổn rồi, tôi lại ngại hỏi bạn trả tiền cho tôi lại thành ra sai, cũng chỉ bởi hai chữ ” khách khí” và ái ngại mà tự gây khó khăn cho mình.
Rồi những ngày sau đó, bởi vì không dám nói với ba mẹ chuyện tôi dùng phí sinh hoạt cho người ta mượn. Đến lúc đói kém, “giật gấu vá vai” một ngày ba bữa tôi cũng phải tính toán tỉ mỉ, mức sống của tôi cứ thế ngày một thấp xuống, lúc đó mới thật sự cảm nhận được đồng tiền đã làm khó một anh hùng hảo hán.
Nhưng ai ngờ, qua nửa năm, chuyện trả tiền vẫn bặt vô âm tín, mấy lần nhìn thấy cô ấy tôi định hỏi, nhưng bởi vì ngại nói, buột miệng rồi lại nuốt vào, sau đó thì không còn có cơ hội nữa rồi.
Chẳng phải người ta đều nói là những vấn đề cần dùng tiền giải quyết thì không phải là vấn đề hay sao? Nhưng xem ra có thể dùng tiền để kiểm nghiệm tình cảm xem đâu mới là tình cảm chân thành.
Linh từng nói có nhiều cách để phá hoại tình cảm, nhưng loại cuồng phong bão táp có thể nhổ tận gốc tình cảm chính là cho mượn tiền. Trong cuộc sống có bao nhiêu lần vì mượn tiền mà dẫn đến mâu thuẫn, đều không phải bắt đầu vì ngại từ chối hay sao?
4. Khách khí chính là giúp người khác làm chính mình buồn bực
Khi bạn và một người bằng hữu lấy phiếu giường nằm, bạn may mắn lấy được phiếu giường dưới, nên có thể thong thả nghỉ ngơi. Nhưng người chị nằm giường trên lại nói: “Em gái, chị lên xuống bất tiện, em còn trẻ, đi đứng nhanh nhẹn, hai chúng ta đổi chỗ nhé?” Bạn có thể không ngại ngùng mà nói em không đổi, em sợ độ cao, em giành được cái giường dưới này thật không dễ?
Khi bạn kết thúc một ngày làm việc bận rộn, cuối cùng có thể về nhà nghỉ ngơi. Đồng nghiệp lại đưa cho bạn một bản kế hoạch, cười rất thỏa mãn và luôn miệng khen ngợi bạn hành văn tốt. Bạn có thể không khách khí nói tôi mệt, tôi muốn về nhà và thực sự không muốn tăng ca? Nhưng bạn không thể, bởi vì bạn ngại, trong lòng bực tức nhưng chỉ có thể để tới lúc về nhà rồi mới từ từ hạ hỏa.
Lại có ví dụ khác, bạn mua được một quyển sách nổi tiếng nhưng số lượng có hạn, bạn coi như là báu vật trân quý. Có người bạn học đến nhà nói là mượn mấy ngày, mỗi ngày bạn đều luôn nghĩ khi nào sẽ lấy lại được quyển sách, nhưng bạn có thể không khách khí mà đi hỏi? Nhỡ may vì một chút chuyện ấy mà phá hoại đi tình bạn, vậy thì cái nào có lợi hơn?
Dưới ảnh hưởng của khái niệm đạo đức theo phong cách phương Đông, từ những việc nhỏ như nhường ghế trên xe công cộng, đến những việc lớn hơn như quyên góp từ thiện, có bao nhiêu người hiểu rằng tôi giúp bạn đó là tình cảm mà không giúp bạn cũng là đạo lý.
5. Khách khí là một loại bệnh, không trị sẽ hại người
Có lúc, bạn cho rằng sự khách khí là tốt cho người khác, nhưng không ngờ lại có khả năng đem đến tổn thương cho mình và đối phương. Khách khí trở thành con dao 2 lưỡi có thể làm tổn thương người khác và ngay cả chính bản thân mình.
Dù sao cũng đừng để sự khách khí trở thành vật cản trở cuộc sống của bạn, khắc phục tâm lý ngại ngùng, hãy ghi nhớ phương châm 16 chữ: “Phân rõ bạn bè, can đảm từ chối, coi trọng nguyên tắc, tùy sức mà làm”.
Quan hệ giữa người với người càng đơn giản càng tốt, những chuyện bất lực hãy thản nhiên mà từ chối, đơn giản nói “không”.
Tuệ Tâm (Theo Sound of Hope)