Nhờ công đức tích cóp bấy lâu mà được thần linh báo mộng tránh gặp đại họa, ấy vậy mà vị hòa thượng trụ trì chỉ vì tiếc nuối chiếc bình bát bạch kim mà phải nhận kết cục bi ai.
Thời Bắc Tống, trong thành Úy Châu (huyện Úy tỉnh Hà Bắc hiện nay) có một ngôi chùa, ở Phật tháp trong chùa có thờ một vị Thiết Tháp Thần, nghe nói vô cùng linh nghiệm. Bách tính trong thành đều vô cùng tôn kính ngài.
Khi nước Liễu do người Khiết Đan lập nên bị người Nữ Chân ở Kim Quốc đánh chiếm sắp diệt vong, có cư dân ở Úy Châu nhìn thấy Thiết Tháp Thần đang ở bên ngoài thành bận rộn làm gì đó, bèn mau chóng chạy đến chùa xem tình hình, thấy toàn thân bức tượng thần đổ đầy mồ hôi. Bách tính trong thành Úy Châu cảm thấy kinh ngạc vô cùng, nhưng không hiểu nguyên nhân cụ thể ra sao.
Đến tối hôm đó, Thiết Tháp Thần báo mộng cho giảng sư trụ trì của chùa, trong mộng ngài phán rằng: “Ta phụng mệnh trời, phải đi thu hồn những bách tính trong thành vì chống lại cướp bóc mà phải chết. Mấy ngày gần đây đang bận chuyện này, sắp sửa thu xếp xong rồi.
Trưa ngày mai, đội quân của người Nữ Chân sẽ kéo đến, công phá thành Úy Châu, hơn 1300 người trong thành Úy Châu sẽ mất mạng, cùng với hơn 40 tăng nhân trong chùa này cũng khó có con đường sống, gồm cả đại hòa thượng là ông, cũng sẽ trong danh sách phải chết.
Ta ở trong chùa này đã lâu, hàng ngày phần lớn nương nhờ công đức mà ông tích cóp trong giới Phật, nên đã đổi tên của ông sang người khác. Trời vừa sáng ông hãy nhanh chóng chạy trốn đi, có khả năng sẽ có cơ hội nhỏ nhoi trốn thoát được”.
Sau khi trụ trì tỉnh dậy, cảnh tượng trong mộng vẫn hiển hiện trước mắt, cho rằng sự việc này chắc chắn là thật, liền đem câu chuyện vị thần hiển linh báo mộng tránh nạn cho các tăng nhân trong chùa. Kết quả, không ai tin tưởng ông, ngược lại còn cười nhạo ông đang bịa chuyện.
Trụ trì không còn cách nào khác, đành phải tự mình mang theo túi đồ chạy về phía đỉnh núi sau chùa, hòng tránh qua đại nạn. Ông đi được năm dặm, chợt nhớ ra quên đem theo chiếc bình bát bằng bạch kim, lập tức quay đầu xuống núi đi về chùa lấy.
Giảng sư về đến ngôi chùa, vừa lúc bắt gặp vài tín đồ đến bố thí. Họ đồng loạt níu giữ ông và nói: “Sư phụ là người túc trí thông minh, sao lại tin vào giấc mơ chứ? Bây giờ chúng tôi đều ở đây đợi nghe ngài lên giảng kinh. Tại sao ngài lại vô duyên vô cớ bỏ đi, vậy thì sau này ngôi chùa này biết làm thế nào? Hơn nữa vùng biên cương cũng đâu có tin cảnh báo quân địch đến tập kích. Ngài nghe lời chúng tôi đi, ăn xong bữa cơm chay rồi đi cũng không muộn!”.
Giảng sư bất đắc dĩ, đành phải lên phòng giảng kinh. Sau khi giảng kinh xong, các tín đồ quay về nhà ăn cơm, các hòa thượng cũng bắt đầu dùng cơm chay, vừa ăn được một hồi, có người hoảng loạn chạy đến báo tin: “Người Nữ Chân cưỡi ngựa từ thảo nguyên đến tập kích, đã nhanh chóng bao vây cả tòa thành rồi”.
Do thành Úy Châu trước giờ không hề có sự phòng bị, căn bản không thể trấn giữ được, chỉ trong chốc lát đã bị chiếm đóng. Các hòa thượng náo loạn, chưa kịp chạy thoát thân, thì người Nữ Chân đã ồ ạt xông đến cướp bóc.
Vì trận binh biến này, vô số dân thường và tăng nhân trong thành mất mạng, giống như lời Thiết Tháp thần báo mộng cho giảng sư trụ trì. Vốn dĩ giảng sư có cơ hội chạy thoát, nhưng chỉ vì tiếc nuối chiếc bình bát bằng bạch kim, cuối cùng phải mất mạng.
(Theo “Di Kiên Giáp Chí” quyển 1)
Tuệ Tâm, theo Epoch Times