Xưa nay tài năng luôn phải gắn liền với tâm đức, nếu không có đức, thì dù bao có nhiêu khả năng đi nữa, cuối cùng e rằng sẽ mang họa vào thân. Trong giới tu luyện, điều này lại càng thể hiện rõ ràng hơn. Câu chuyện dưới đây chính là một ví dụ điển hình.
Vào những năm Khang Hy triều đại nhà Thanh, ở Thiên Tân có một người nghiện rượu tên Từ Vĩ Thực, quê ở Sơn Âm, Chiết Giang. Ông ta uống rượu như nước, cứ một lúc lại uống vài chén, còn thường xuyên cầu thần xem bói, đốt lò luyện đan, cũng chẳng có nghề nghiệp gì nên nghèo rớt mùng tơi, cuộc sống rất chật vật.
Có một lần, Từ Vĩ Thực có việc phải rời Thiên Tân đến Giang Hoài ở phía Nam. Khi ông ta đi qua một ngôi chùa cổ ở Tế Nam (Sơn Đông), chợt nghe có người kêu to: “Từ Vĩ Thực cứu ta!”
Ban đầu Từ Vĩ Thực cũng không để ý gì, chỉ nhảy xuống từ lưng lừa chuẩn bị đến ven đường nghỉ ngơi. Nhưng vừa mới ngồi xuống, thì lại nghe thấy trong miếu phát ra tiếng kêu cứu một lần nữa.
Thế là ông ta đi vào miếu ngó nhìn xung quanh, nhưng lại không thấy ai, chỉ phát hiện một chiếc chuông sắt rất lớn úp trên mặt đất. Từ Vĩ Thực nghĩ rằng âm thanh có thể phát ra từ chiếc chuông này, liền hỏi: “Ngươi là quái vật gì, sao có thể nói được tiếng người mà cầu ta đến cứu vậy?”
Từ bên trong chiếc chuông phát ra âm thanh nói: “Thời thượng cổ có một người sống ẩn danh, kiếm thuật cao siêu, ta chính là hậu duệ của ông ấy. Bởi vì kiếm thuật của ta luyện không tinh thông, nên đã đả thương người tốt, vì thế bị Thiên Đế trừng phạt, nhốt ở trong cái chuông này đã hơn 100 năm. Hiện tại thời hạn đã đủ, chắc chắn là đã được tha. Xin ngài hãy giúp ta thoát ra khỏi cái chuông này”.
Từ Vĩ Thực nói: “Ta chỉ có một mình sao có thể di chuyển cái chuông lớn này chứ?”
Âm thanh ở trong chuông phát ra nói: “Không cần di chuyển nó, ngài chỉ cần nghĩ cách xóa 12 chữ khắc trên chuông đi, là ta có thể ra được”.
Từ Vĩ Thực ngồi xổm xuống nhìn kỹ, quả nhiên thấy trên chuông có khắc những chữ cổ. Ông ta tiện tay cầm lấy một khối đá xanh, tỳ vào chuông dùng lực mài mạnh, một lát sau dòng chữ đã biến mất.
Lúc này, âm thanh ở trong chuông phát ra nói: “Được rồi. Xin ngài mau rời khỏi nơi đây, chậm trễ thì sẽ bị thương ngay”.
Từ Vĩ Thực nghe xong, lập tức cưỡi lừa chạy nhanh về phía trước. Chạy được hai, ba dặm đường, quay đầu lại nhìn ngôi miếu, chỉ thấy cuồng phong gào thét, mây đen xoay tròn, một tiếng nổ long trời lở đất phát ra. Rồi bỗng thấy một người lông lá khắp thân, trông giống hệt như con vượn từ trên không bay tới, quỳ gối trước mặt ông ta bái lạy vài cái, rồi trong nháy mắt đã không thấy tăm hơi đâu.
Cứu người đắc Thiên báo
Nửa năm sau, Từ Vĩ Thực từ Giang Hoài trở về Thiên Tân. Vào một buổi tối, các nhà đều đã tắt đèn đi ngủ từ sớm, chỉ còn ánh trăng sáng trước cửa sổ, một cảnh tượng vô cùng tĩnh mịch.
Bỗng nhiên, ngoài cửa vang lên tiếng cốc cốc. Từ Vĩ Thực mở cửa ra xem, thấy một vị thư sinh trẻ tuổi nho nhã. Sau khi người khách vào nhà, lập tức bái lạy cảm tạ Từ Vĩ Thực, nói: “Ta chính là tù nhân bị nhốt ở cái chuông tại Tế Nam, nhờ ngài cứu vớt, ta mới thoát được nỗi khổ trầm luân. Sau khi trở lại thiên đình, Thiên Đế chẳng những miễn xá tội lỗi trong quá khứ của ta, lại còn khôi phục chức vị ban đầu của ta, đại ân đại đức của ngài, ta vĩnh viễn không bao giờ quên.
Ta biết rõ ngài thích luyện đan, xem bói, vì vậy ta có lấy 3 cuốn đạo thư từ Thiên phủ cho ngài mượn để xem, cũng là một chút báo ân của ta. Nhưng trong đêm nay ngài phải chép lại nó và trả lại cho ta, nhất định phải chép xong!”
Nói xong đặt sách lên bàn rồi vội vàng cáo từ rời đi.
Từ Vĩ Thực cầm lấy đạo thư, mở ra quyển thứ nhất, thấy nội dung đều là trình bày và phân tích đến luân lý đạo đức, giống như “Luận ngữ”, “Hiếu kinh”, liền nói: “Những lời này đã rất phổ biến chẳng có gì kỳ lạ quý hiếm”.
Rồi ông ta mở quyển 2, thấy nội dụng chỉ liên quan đến phương pháp tu tâm dưỡng thân, hư tĩnh dưỡng tính, giống như “Âm phù kinh” và “Hoài nam tử” của Đạo gia, liền nói: “Cái này cũng chẳng có gì để học”.
Từ Vĩ Thực mở quyển 3, thấy ghi chép trong đó đều là phương kỹ và thuật pháp nuốt đao phun lửa, hô phong hoán vũ, khiến ông ta vui mừng hớn hở nói: “Đã bao nhiêu năm rồi, điều ta mong ước, chính là những thứ này!” Thế là, ông ta lập tức tìm giấy bút, tập trung tinh thần mà ghi chép lại toàn bộ cuốn sách.
Rạng sáng ngày hôm sau, vị thư sinh kia đúng hạn đã trở lại. Anh ta phát hiện Từ Vĩ Thực chỉ sao chép quyển 3, trên mặt lập tức lộ ra thần sắc không vui, thở dài nói: “Ta muốn báo đáp ngài, đâu hy vọng ngài sẽ đi làm những sự tình này chứ? Quyển thứ nhất và thứ hai, người viết là phụ tá mưu lược của Đế Vương, có thể trợ giúp ngài trở thành người tài đức nổi danh; mà quyển 3 chẳng qua là chút phương thuật, thuật số không quan trọng gì. Sử dụng tốt thì nhiều nhất cũng chỉ giúp ngài kiếm được chút tiền, củng cố gia nghiệp; sử dụng không tốt, nói không chừng còn có thể mang đến cho ngài họa sát thân! Chắc có lẽ là duyên phận, cũng chẳng biết làm thế nào?” Thư sinh vừa dứt lời thì cả người lẫn sách đều biến mất.
Đùa nghịch phương thuật gặp họa bất trắc
Không lâu sau, Từ Vĩ Thực trở lại quê nhà Sơn Âm. Ông thường xuyên sử dụng phương kỹ và thuật pháp mình học được từ đạo thư biểu diễn trước mặt người khác. Có đêm trăng sáng vằng vặc, ông lại làm phép chộp trăng bỏ vào trong ngực mình, rồi cho vào trong phòng tối treo lên làm đèn.
Có khi trời mưa sấm sét, ông ta lại làm phép thu tiếng sấm vào lòng bàn tay, đợi sau khi cơn mưa qua, trời quang mây tạnh thì lại phóng sấm sét ra. Dân chúng nội thành ai cũng hiếu kỳ, nên thường xuyên vây quanh muốn xem ông ta biểu diễn phép thuật của mình, đồng thời gom góp chút ít tiền cho ông cơm no rượu say, cuộc sống của ông giống như ngày ngày làm xiếc trên phố.
Vào một buổi trưa mùa hạ, thời tiết vô cùng nóng bức, Từ Vĩ Thực lại uống đến say mèm, phanh ngực ngồi giữa cửa nhà. Đúng lúc này có một làn gió mát thổi qua khiến ông ta tâm huyết dâng trào, giơ tay lên không trung làm phép, thu gió mát vào trong tay áo, một thời gian lâu không chịu thả ra.
Làn gió thần kia bị nhốt trong tay áo, tả xung hữu đột không cách nào thoát thân, vì thế đã rất tức giận, điên cuồng hét lên một tiếng, phá tan tay áo mà đi ra, lập tức tiếng sấm ù ù, ánh lửa bùng lên khiến Từ Vĩ Thực bị thiêu rụi thành tro bụi.
Lê Hiếu biên dịch