Mồ côi từ nhỏ và lớn lên trở thành kẻ đâm thuê chém mướn, nghiện ma túy, song chính kẻ cặn bã của xã hội ấy đã liều chết cứu sống đứa trẻ suýt bị ô tô tông. Điều kỳ diệu là đứa trẻ sau này đã trở thành bác sĩ đầu ngành cứu sống hàng ngàn người.
Chuyện kẻ cặn bã bị ô tô tông chết vì cứu đứa trẻ
Hắn là trẻ mồ côi từ năm mới lên 5 tuổi. Trong cuộc sống của hắn không có hai từ “tình thương”. Hắn lăn lộn với đủ thứ nghề để có thể tồn tại, từ bán báo tới đánh giày. Khi trưởng thành, hắn tham gia vào các băng đảng đâm thuê chém mướn, giết người không gớm tay.
Bị cám dỗ, hắn trở thành con nghiện như đám bạn. Nhiều khi suy nghĩ về cuộc đời, hắn thấy mình là một thứ cặn bã của xã hội, một thứ không nên tồn tại. Cuộc sống của hắn đã đi vào ngõ cụt từ lâu và hắn không còn giá trị để sống nữa.
Vào một ngày, khi đang đi thì hắn bắt gặp một đứa bé đang chạy ra giữa đường nhặt trái bóng lúc ô tô phóng như bay đến. Kẻ cặn bã lao ra giữa đường, đẩy đứa bé vào lề và bị ô tô tông chết. Trước đó, chính bản thân hắn cũng không hiểu sao hắn làm vậy.
Chuyện kẻ cặn bã bị ô tô tông chết vì cứu đứa trẻ được lan truyền khắp nơi. Có người nghe chuyện rất xúc động, có người lại thấy đó là cái kết xứng đáng cho một kẻ cặn bã.
Chẳng ai ngờ được rằng, đứa trẻ được kẻ cặn bã cứu sống ngày nào nay đã trở thành bác sĩ đầu ngành. Bằng tài năng và y đức, cô đã cứu sống hàng ngàn người trong suốt cuộc đời hành nghề của mình.
Đã có rất nhiều cuộc hội thảo mời vị bác sĩ nổi tiếng tới để hỏi bí quyết của cô. Và trong tất cả các cuộc hội thảo, vị bác sĩ luôn nhắc đến một điều:
“Lúc nhỏ, một thiên thần đã cứu sống tôi. Nếu không có anh ấy sẽ không có tôi ngày hôm nay và tôi cũng chẳng còn cơ hội để thành bác sĩ cứu sống ai nữa.”
Vậy chẳng phải kẻ cặn bã kia đã gián tiếp cứu sống hàng ngàn người sao?!
Kẻ cặn bã không được ai yêu thương và thậm chí chính hắn cũng nghĩ mình không đáng sống đã làm được điều kì diệu như vậy. Bất cứ ai sinh ra trên đời đều có giá trị và sứ mệnh của riêng mình.
Câu chuyện về tờ 20 đô la
Trong hội trường gồm 200 sinh viên, vị giáo sư đồng thời là diễn giả nổi tiếng bắt đầu buổi nói chuyện bằng cách đưa ra một tờ 20 đô la và hỏi: “Ai muốn có tờ 20 đô la này?”.
Nhiều cánh tay giơ lên. Vị giáo sư lại nói: “Tôi sẽ đưa tờ 20 đô la này cho 1 người trong số các em. Nhưng trước tiên, hãy để tôi làm điều này”. Nói rồi, ông vò nhàu tờ 20 đô la.
Sau đó, ông lại hỏi: “Ai vẫn còn muốn tờ 20 đô la này?”, vẫn còn rất nhiều những cánh tay đưa lên trong không khí.
“Ồ”, vị giáo sư nhìn bao quát một lượt căn phòng và nói: “Vậy nếu tôi làm thế này?”. Ông thả rơi tờ tiền lên mặt đất và bắt đầu dẫm giày lên, di qua di lại trên mặt đất.
Đoạn, vị giáo sư nhặt tờ tiền lên, lúc này đã nhàu nát và dơ bẩn, rồi lại hỏi: “Nào, ai còn muốn tờ tiền này?”
Vẫn còn những cánh tay giơ lên trong lớp học.
Tới lúc này, vị giáo sư mới gật gù nói: “Các em thân mến, hôm nay các em đã học được một bài học rất quý báu. Bất kể tôi có làm gì với tờ tiền này, các em vẫn muốn có nó bởi vì bản thân tờ tiền không hề giảm đi giá trị. Nó vẫn là 20 đô la”.
“Nhiều lần trong cuộc sống, các em bị bỏ rơi, bị thất bại, bị rơi xuống bùn nhơ bởi hoàn cảnh bên ngoài và bởi quyết định mà mình lựa chọn. Các em có cảm giác như mình vô dụng. Thế nhưng, dù cuộc đời các em đã, đang hoặc sẽ xảy ra bất cứ chuyện gì, các em sẽ không bao giờ mất đi giá trị của mình”.
“Cũng giống như tờ tiền kia, bất kể bẩn thỉu hay sạch sẽ, nhàu nát hay mới toanh, với những người thật lòng yêu thương em, các em là vô giá. Giá trị của cuộc đời mỗi người không phải ở những hành động nhất thời, không phải ở những người họ biết, mà là ở chính con người họ. Đừng bao giờ quên đi điều đó”.
Vì thế, dù bạn có chìm trong dòng đời xuôi ngược, bị ông trời xô ngã, bị số phận trêu đùa thì cũng đừng bao giờ lãng quên và đánh mất giá trị của bản thân. Cuộc sống vốn là sự liên kết của những mắt xích. Chẳng có mắt xích nào sinh ra là vô dụng cả.
Tuệ Tâm, sưu tầm