Vương triều Trần là một vương triều có cơ nghiệp lẫy lừng bậc nhất trong lịch sử nước Việt. Cũng như hầu hết các vương triều khác, sự hình thành của nhà Trần luôn gắn liền với những giai thoại mang đậm màu sắc liêu trai, trong đó phải kể đến ngôi mộ phong thủy ở Thái Đường.
Nguồn gốc họ Trần
Theo cuốn gia phả họ Trần do Trần Ích Tắc biên soạn thì cụ tổ họ Trần là Trần Tự Minh thuộc nhóm tộc người Bách Việt ở đất Mân (Phúc Kiến – Trung Quốc ngày nay). Trần Tự Minh từng giúp nhà Tần thống nhất Trung Quốc, được vua Tần phong là Phương Chính Hầu.
Năm 218 trước Công Nguyên, Tần Thủy Hoàng cho 50 vạn quân tiến đánh các tộc người Bách Việt ở phương Nam. Bất bình trước việc này, Trần Tự Minh theo dòng người Bách Việt về phía Nam chống lại quân Tần và lập công lớn. Sau này Trần Tự Minh và Cao Lỗ trở thành trụ cột của vua An Dương Vương, giúp nhà vua nhiều lần đánh bại cuộc xâm lăng của Triệu Đà.
Rồi An Dương Vương không nghe lời khuyên can của các tướng lĩnh cùng hiền thần, chấp nhận thông gia với Triệu Đà, chủ quan mà dẫn đến mất nước. Trần Tự Minh lui về sống ở vùng Kinh Bắc (tức Bắc Ninh ngày nay).
Dòng dõi họ Trần ở Kinh Bắc suốt 700 năm, đến năm 582 thì sinh ra Trần Tự Viễn. Ông là môn đệ xuất sắc nhất của Phật phái Thiền Tông, nổi tiếng cả vùng với võ công cao cường. Cũng từ Trần Tự Viễn mà võ phái nhà Trần được lưu truyền về sau.
Đến đời Trần Tự An (1010 – 1077) thì ông đặt tên cho võ phái họ Trần là Đông A (chiết tự từ chữ Trần).
Lúc bấy giờ Đại Việt nổi danh với 3 dòng võ là Lĩnh Nam (xuất phát từ Mê Linh, sau truyền đến Tam Đảo, Ba Vì), Hoa Sơn của nhà Lý, Đông A của họ Trần.
Cả 3 dòng võ đầy lòng tự tôn dân tộc nhưng lại có mâu thuẫn với nhau về tư tưởng. Dòng võ nào cũng muốn thể hiện tinh hoa của mình, đồng thời cũng muốn dòng võ của mình tạo nên sự ảnh hưởng: Phái Lĩnh Nam sùng bái Đạo Lão, trong khi đó phái Hoa Sơn và Đông A lại cùng xuất phát từ vùng Kinh Bắc, cùng theo Phật giáo Thiền Tông.
Phái Hoa Sơn thuộc Hoàng tộc nhà Lý nên được ưu tiên, vì thế mà có phần lấn át 2 dòng võ còn lại. Tuy nhiên phái Đông A của nhà Trần lại có “côi sơn tam anh” tức 3 người có võ công lừng lẫy hàng đầu thiên hạ là Thanh Mai, Tự Mai và Thông Mai.
Dòng võ Đông A và Hoa Sơn đều cùng ở vùng Kinh Bắc nên hay có những va chạm với nhau. Năm 1077, Trần Tự An trước khi qua đời đã căn dặn con mình là Trần Tự Mai, khuyên con chuyển võ đường đến nơi khác để tránh xung đột với phái Hoa Sơn, có hại cho dòng võ Đại Việt nói chung. Nghe lời cha, Trần Tự Mai chuyển võ đường đến Đông Triều, Chí Linh.
Dòng võ Đông A đến đời Trần Tự Kinh thì chuyển đến sông Nhị Hà, vùng Tức Mạc (Nam Định ngày nay). Từ đây họ Trần sống bằng nghề đánh cá, không chỉ luyện võ mà còn học đạo lý làm người nên dân chúng đều mến mộ.
Ngôi mộ phát vương
Một hôm Trần Tự Kinh cùng hai con trai là Tự Hấp và Tự Duy cùng mấy chục đệ tử đang ngồi thuyền vãn cảnh thì Tự Hấp thấy có xác người đóng bè trôi sông. Vốn là người quen làm việc nghĩa giúp người, Tự Hấp liền cùng các thủ hạ vớt lên thuyền.
Trong số các đệ tử có một người là Phạm Tử Tuệ rất giỏi về y thuật, ông nhận thấy xác người còn ấm, kinh mạch bị trì bế nhưng chưa chết hẳn. Vẫn còn hy vọng cứu người, Trần Tự Hấp sai Phạm Tử Tuệ hết lòng cứu chữa, nhờ đó người bị nạn dần dần hồi tỉnh lại và được cứu sống.
Người bị nạn kể lại rằng mình là Đoàn Thông, rất giỏi về địa lý, quê ở lộ Hồng Châu (tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay), bị một viên quan gian ác ở Thăng Long tên là Nguyễn Cố sát hại.
Được cứu sống nên Đoàn Thông rất biết ơn Trần Tự Hấp. Là một người có tài xem phong thủy, ông ta đã cho Tự Hấp biết rằng ở vùng Thái Đường có khu đất tụ nhiều linh khí, nếu đặt mộ vào đấy thì sau này con cháu sẽ phát vương.
Trần Tự Hấp nghe theo lời khuyên của Đoàn Thông, chuyển hài cốt của cụ Trần Tự Mai về chôn ở Thái Đường, rồi cả gia quyến về nơi đây sinh sống.
Sách sử “Phật Hoàng Trần Nhân Tông” có ghi chép sự việc này như sau: Thời đó có thầy địa lý Đoàn Thông được gia đình cụ Kinh cứu mạng, mong được trả ơn. Thầy Đoàn Thông muốn đặt giúp cụ Kinh ngôi mộ cụ tổ Trần Tự Mai ở hướng phát vương để cho con cháu của cụ lên ngôi vương “đứng đầu thiên hạ, đứng trên dân chúng” như lời thầy Đoàn Thông nói. Cụ Kinh từ chối, không nhận hướng phát vương. Cụ bảo thầy Thông đặt ở hướng phát nhân để con cháu cụ tu nhân tích đức. Nhưng thầy Đoàn Thông và người con thứ là Trần Tự Đức đã giấu cụ Kinh đặt ngôi mộ cụ Tổ Trần Tự Mai ở hướng phát vương tại đại huyệt Thái Đường phủ Long Hưng. Kể từ ngày đó, cụ tổ họ Trần tuy không mong danh vị cao sang đến với con cháu của cụ, nhưng danh vị cao sang vẫn cứ đến với họ một cách tự nhiên.
Tại Thái Đường, họ Trần có nhiều ân đức đối với người dân nên thanh thế ngày càng lớn, dòng võ Đông A ngày càng lớn mạnh, thu hút nhân tài khắp nơi về tụ họp.
Trần Tự Kinh qua đời, con trưởng là Trần Tự Hấp kế thừa làm trưởng môn phái Đông A. Trần Tự Hấp sinh ra Trần Lý, rồi Trần Lý sinh ra Trần Thừa, Trần Tự Khánh, Trần Thị Dung.
Con thứ của Trần Tự Kinh là Trần Tự Duy ở vùng Lưu Xá bên cạnh sinh ra Trần Thủ Huy, rồi Trần Thủ Huy sinh ra Trần Thẩm và Trần Thủ Độ.
Góp công lớn với nhà Lý
Lúc này tại triều đình, vua Lý Cao Tông chỉ lo ăn chơi hưởng lạc, không quan tâm đến giang sơn xã tắc, dân chúng đói kém, cướp bóc khắp nơi, nhiều người nổi lên lập bè đảng chống lại triều đình.
Năm 1209, vua Lý Cao Tông giết oan một đại thần là Phạm Bỉnh Di. Bộ tướng của Bỉnh Di là Quách Bốc nổi loạn đem quân tiến vào kinh thành, lập con nhỏ của Lý Cao Tông là Lý Thẩm lên ngôi vua. Lý Cao Tông phải bỏ chạy vào vùng Quy Hóa (thuộc tỉnh Phú Thọ ngày nay). Thái tử Sảm chạy đến Hải Ấp (nay là Lưu Xá, huyện Hưng Hà, Thái Bình), đây là địa bàn hoạt động của Trần Lý, lúc này là một cự tộc có thế lực rất lớn.
Thái tử Sảm trốn và nương nhờ vào nhà Trần Lý, thấy con gái của Trần Lý là Trần Thị Dung rất xinh đẹp liền lấy làm vợ, Trần Lý được phong làm Minh Tự.
Trần Lý tập hợp hương binh, cùng hai con là Trần Thừa và Trần Tự Khánh giúp vua đánh bại Quách Bốc, đưa vua Lý Cao Tông trở lại ngôi vị. Lịch sử ghi nhận thế lực Quách Bốc lúc đó vô cùng mạnh, Trần Lý có thể đánh bại Quách Bốc chứng tỏ đội quân của ông ta phải vô cùng thiện chiến.
Năm 1211, thái tử Lý Sảm lên ngôi gọi là Lý Huệ Tông, phong cho Trần Thị Dung (tức con gái Trần Lý) làm Nguyên Phi.
Lúc này lực lượng cát cứ nổi lên khắp nơi, Trần Lý sau khi diệt được Quách Bốc, thì cũng bị loạn quân khác bất ngờ giết chết. Con trai ông là Trần Tự Khánh nắm binh quyền trong triều đình. Lúc này nhà Lý phải dựa vào các tướng họ Trần để chống lại loạn quân khắp nơi.
Nhà Trần thay nhà Lý
Thái hậu nhận thấy thế lực họ Trần ngày càng mạnh thì có ý đề phòng, muốn chống đối lại họ Trần. Thái hậu muốn phế Trần Thị Dung nhưng vua không đồng ý. Thái hậu liền định hạ độc bằng thức ăn, nhà vua biết được liền ăn cùng thức ăn với Trần Thị Dung khiến thái hậu cũng không hạ độc được.
Tháng 12/1216, Trần Thị Dung được phong làm hoàng hậu, từ đó anh em thân thuộc họ Trần chiếm hết các chức quan văn võ then chốt trong triều đình.
Năm 1223, Trần Tự Khánh mất, quyền lực rơi vào tay em họ là Trần Thủ Độ và anh ruột là Trần Thừa.
Vua Huệ Tông lúc này có bệnh và cũng không có con trai, mọi việc đều do Trần Thủ Độ và Trần Thừa quyết định. Năm 1224, bệnh của vua nặng hơn liền nhường ngôi cho con gái là công chúa Lý Chiêu Hoàng.
Sau đó Trần Thủ Độ tìm cách để Lý Chiêu Hoàng lấy con của Trần Thừa là Trần Cảnh, sau đó bàn bạc cùng triều đình quyết định để Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng. Nhà Lý chấm dứt và nhà Trần lên thay.
Theo Trithucvn