‘Ngu Công dời núi’ là chuyện ngụ ngôn được ghi chép trong cuốn ‘Liệt Tử.thang vấn’ do nhà triết học Liệt Ngự Khấu chấp bút. Câu chuyện mang nhiều nội hàm thâm sâu, nói về cảnh giới của một người tu Đạo. Tuy nhiên lại bị người thời nay hiểu sai thành chỉ cần kiên nhẫn là có thể thắng trời.
Chuyện kể về một người tên là Ngu Công, gần 90 tuổi, muốn đào hai ngọn núi lớn chắn trước cửa. Mỗi năm một lần, ông dẫn theo ba người con cháu lên núi đục đá, đào đất, dùng sọt hốt đất đá đổ ra biển Bột Hải. Hàng xóm có đứa trẻ mồ côi bảy tám tuổi, cũng chạy đến giúp đỡ.
Lúc bấy giờ có một ông già thông thái bên sông cười nhạo Ngu Công, cho rằng những năm tháng còn lại của ông không còn sức để dọn cỏ, thì làm sao đào được núi?
Ngu Công nghe vậy bèn nói: “Nhà ta có vô số con cháu đời này sang đời khác, sao có thể không đào được núi kia chứ?”, ông già thông thái nghe thế thì không nói gì thêm nữa.
Thần núi khi đó đã nghe được cuộc trò chuyện của Ngu Công, vội vàng bẩm báo với Thiên đế. Thiên đế bị cảm động trước sự chân thành của Ngu Công, nên ra lệnh cho hai vị thần là Khoa Nga Thị và Đại Lực Thần dời hai quả núi đi. Thế là đường đi phía trước nhà của Ngu Công từ đó không còn bị núi chắn nữa.
Qua câu chuyện Ngu Công dời núi, có thể nhận ra triết lý về việc tăng cường nhân lực, vô số hậu duệ có thể đào núi từ đời này qua đời khác. Nhưng trong cuộc sống còn tồn tại một lý gọi là “tương sinh tương khắc”, và những tai họa tiềm ẩn cũng chồng chất phía sau.
Vì sao? Bởi nói không chừng một ngày nào đó, có thể sẽ xảy ra núi lở, núi lửa hoặc thiên tai như lở đất. Trong quá trình đào núi, có thể có đá tảng lăn xuống hoặc cây to đổ xuống, cũng như rắn và thú dữ, dịch bệnh…
Bất kỳ tai nạn nào cũng có thể làm cho gia tộc Ngu Công hương khói không thể kéo dài, và cắt đứt dự án dời núi của họ. Nói cách khác, Ngu Công có thể đào núi thành công hay không thì phải xem Thiên ý. Ông trời cho phép thì người mới có thể làm thành!
Mao Trạch Đông đã từng đưa ra khẩu hiệu “Ngu Công dời núi cải tạo Trung Quốc”, ông ta đã bỏ đi hàm nghĩa quan trọng nhất trong câu chuyện này chính là nhờ “Thiên Đế đã cảm động trước lòng thành”, sau đó tạo ra một cuộc đại nhảy vọt.
“Người gan lớn đến đâu, đất sinh sôi đến đó”, Mao Trạch Đông nhấn mạnh vào “nhân định thắng thiên, chiến thuật biển người”. Kết quả là đã khiến hơn mấy chục triệu người dân Trung Quốc phải đi vào con đường chết. Kết quả của việc biến đổi Trung Quốc, còn gây ra nhiều thiệt hại to lớn đến môi trường sinh thái, để lại hậu hoạn vô cùng.
Có thể thấy đi ngược với ý trời là vi phạm quy luật khách quan, nếu con người càng đoàn kết, càng kiên trì thì tai họa cuối cùng sẽ càng lớn.
Liệt Ngự Khấu, tác giả của “Ngu Công dời núi”, là một trong những nhân vật tiêu biểu của Đạo giáo thời kỳ đầu Chiến quốc. Trong số hơn 130 truyện ngụ ngôn mà ông để lại, thì có không ít là thông qua câu chuyện để nói lên nội hàm của việc tu luyện Đạo gia. Biểu hiện của Ngu Công cũng là thể hiện cảnh giới của một người tu đạo.
Ngu Công trong quá trình dời núi thì tâm niệm thuần chân, không có một chút bất chính nào. Ông không hề nghĩ mình còn có thể sống được bao lâu, hay có thể truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác không? Những thiên tai, nhân họa, gian khổ, khó khăn nào, bao lâu mới xong? Những nhân tâm, nhân niệm này ông một chút cũng không có, tâm trí chỉ chuyên tâm làm việc như một đứa trẻ.
Ngu Công có thể vô tư như một đứa trẻ, không buồn không lo, tâm bình khí hòa, đi đào núi gánh đất, đến mức một đứa trẻ bảy tám tuổi nhà hàng xóm cũng vui vẻ nhảy sang giúp. Đó là vì ông đã đạt tới tiêu chuẩn của một tầng thứ cảnh giới tu luyện, nên Thiên Đế mới phái người giúp ông dời hai ngọn núi lớn kia, thanh lý chướng ngại trên con đường tu luyện của ông.
Chúc Di