Từ xưa đến nay người ta vẫn hay lưu truyền những câu chuyện về người bị quỷ ám, ma nhập, phụ thể khống chế mà đánh mất lý trí, làm ra những hành vi không giống người bình thường. Những việc này rốt cuộc nên được nhìn nhận thế nào?
Vài ngày trước, ở Quận 7 của Sài Gòn đã xảy ra một vụ án giết người thương tâm gây chấn động dư luận: Hung thủ không chỉ sát hại nạn nhân bằng nhiều nhát dao, mà thậm chí còn chém đầu nạn nhân, hành động man rợ này khiến người ta không khỏi vừa kinh hoàng vừa ám ảnh!
Theo nguồn tin của Công an khu vực, kẻ hành ác không uống rượu bia trước khi gây án và có kết quả xét nghiệm âm tính với ma túy, nên có thể nói là người tinh thần hoàn toàn tỉnh táo. Nhưng chính người này lại khai rằng “không hiểu sao mình hành động như vậy”, sau khi gây án còn rất hoang mang.
Tất nhiên lời ấy không thể nào bao biện cho hành vi giết người, nhưng nó khiến chúng ta liên tưởng đến một điều: Con người đôi khi có thể làm rất nhiều việc một cách không lý trí và dường như không tự biết, ngay cả khi họ không sử dụng chất kích thích.
Điều này dường như có phần khó tin, nhưng thử ngẫm lại trong cuộc sống, hẳn chúng ta đã từng làm nhiều việc hoặc có nhiều cách cư xử rất không tốt, mà về sau nhớ lại chúng ta thường cảm thấy ân hận và hoang mang, tự vấn rằng: “Thật kỳ lạ! Đáng lý mình không nên cư xử như thế trong chuyện đó, tại sao lúc ấy mình lại làm vậy? Nếu là bình thường thì mình đâu khi nào làm vậy?”
Việc “kỳ lạ” ấy có lẽ ai cũng từng trải qua vài lần, mỗi người có cách lý giải khác nhau. Theo quan niệm của cổ nhân và giới tín ngưỡng tu luyện, thế giới của chúng ta không tồn tại một cách độc lập mà còn đồng thời có rất nhiều không gian khác có liên hệ với chúng ta cùng tồn tại, những sinh mệnh ở không gian khác có thể tác động và gây ảnh hưởng nhất định đến cuộc sống của con người.
Vì điều này nên người tu hành thường tin rằng khi người ta quá cảm tính, khi bị thất tình lục dục kích động, khi chạy theo nóng giận hoặc các cảm xúc tiêu cực khác, thì họ có thể mất đi một phần lý trí của mình và bị những sinh mệnh không gian khác khống chế trong một đoạn thời gian.
Những sinh mệnh này thường bị gọi là “tà linh”, chúng không phải những sinh mệnh tốt, mà thường là tà ma, quỷ quái, yêu tinh,… Vì những sinh mệnh tuân thủ Chính Pháp, Chính Đạo, hành xử theo Thiên Lý, sẽ không tùy tiện khống chế điều khiển người khác, chỉ những thứ tà ác loạn bậy mới dám làm điều này.
Trong dân gian phương Đông thường có rất nhiều câu chuyện về người bị “nhập hồn”, bị tà ma khống chế, các sách cổ cũng thường có ghi chép lại vấn đề này. Giới tu luyện khí công gọi đây là hiện tượng “phụ thể”, tức là bị các linh thể xấu nhập vào người.
Câu chuyện về “thái tử Liệt Kiệt”
Vào cuối đời nhà Nguyên, có người tham gia chiến tranh rồi bị tử trận, dân quanh vùng lập miếu thờ gọi người đó là “thái tử Liệt Kiệt”, ý nói dù chết đi thì vẫn là bậc hào kiệt. Sau này có một người tên là Trần Chính Trung, vốn tính ngay thẳng, anh ta cho rằng “thái tử Liệt Kiệt” này không phải Thần linh gì cả, không xứng đáng được dân làng cung phụng, nên đã phá miếu để lập đền thờ Quan Đế.
Không lâu sau đó, trong vùng có thiếu nữ đột nhiên như bị phát điên, la hét om sòm, có lúc tự lấy tay đánh vào mặt mình, có lúc đuổi đánh người khác, có lúc lăn lộn khắp đất làm các hành vi kỳ quái,… Cha mẹ cô ta sợ quá, gọi thầy thuốc đến trị cũng không xong.
Một hôm thiếu nữ ngồi dậy nói bằng giọng nam nhân rất hung dữ: “Ta không phải con của các ngươi, mà vốn là thái tử Liệt Kiệt. Trần Chính Trung dám phá miếu của ta, khiến ta không nơi tá túc, nên đành mượn xác con gái các ngươi để cư ngụ.”
Cha mẹ cô ta liền đi báo cho Trần Chính Trung biết. Trần Chính Trung vô cùng phẫn nộ, cầm gậy làm bằng gỗ đào (người xưa cho rằng gỗ đào có thể xua đuổi tà ma) chạy sang bên nhà thiếu nữ, lớn tiếng mắng rằng: “Ngươi là thứ yêu tà đã lừa gạt hương hỏa của dân chúng bấy lâu nay, giờ miếu bị phá rồi mà vẫn không biết hối cải, còn dám đi hại người? Ta là kẻ đã phá miếu của ngươi, sao ngươi không tìm ta mà lại đi khống chế người vô can như vậy? Hành vi ấy có xứng gọi là ‘liệt kiệt’ gì đó không?”
Nói rồi vung gậy gỗ đào lên làm như muốn đánh xuống, nhưng không đánh. Thiếu nữ giãy giụa mấy cái kinh hãi, rồi lăn ra bất tỉnh. Đến khi thức dậy thì thần trí đã tỉnh táo như người thường, từ đó không còn làm các hành vi kỳ quái nữa. Cha mẹ cô ta cảm tạ Trần Chính Trung hết lời, mọi người đều cho rằng những lời cương trực của anh ta đã khiến “thái tử Liệt Kiệt” hoảng sợ mà tháo chạy.
Chuyện con người bị các linh thể bên ngoài nhập vào khống chế không phải chỉ là việc có trong văn hóa của người Á Đông chúng ta, mà trong văn hóa phương Tây cũng nhiều lần đề cập đến, thông thường họ gọi hiện tượng này là “quỷ ám”.
Chuyện Chúa Jesus giúp người trục xuất “đạo binh quỷ”
Theo ghi chép của Kinh Thánh, Chúa Jesus và các môn đồ đến chỗ của người Glasenians, khi vừa bước xuống thuyền đã gặp một người đàn ông đang bị ác quỷ khống chế. Người này bị quỷ ám rất ghê gớm, ngày đêm không ở nhà mà cứ quanh quẩn trong các ngôi mộ, thường hò hét inh ỏi và làm các hành vi kỳ quái, có lúc còn tự đập đầu mình vào đá như để tra tấn bản thân.
Mọi người đã cố gắng kiềm chế anh ta bằng nhiều cách khác nhau, nhưng không ai đủ sức bắt giữ anh ta lại. Thậm chí có dùng xích sắt mà trói thì anh ta cũng chỉ cần vung tay một cái là sợi xích đứt tung ra. Đủ thấy ác quỷ đang khống chế anh ta có năng lực rất mạnh mẽ.
Nhưng dù là vậy, khi nhìn thấy Chúa Jesus đến, anh ta liền quỳ xuống dập đầu lạy, đó là do các ác quỷ đang khống chế anh ta lạy Ngài. Vì người thường không nhìn ra được chân tướng của Chúa Jesus, nhưng ma quỷ dù hung ác cũng có thể thấy được Ngài vốn là Thần, nên không dám làm càn nữa.
Chúa Jesus yêu cầu ác quỷ lập tức rời khỏi thân người đàn ông, ác quỷ vừa lạy vừa nói: “Ngài là con của Thiên Chúa, việc chúng tôi làm không liên quan gì đến Ngài. Xin Ngài đừng làm khó chúng tôi nữa!”
Nhưng Chúa Jesus vẫn dùng Thần lực trục xuất ác quỷ ra khỏi thân người đàn ông, và hỏi chúng: “Các ngươi tên là gì?”
Ác quỷ đáp: “Chúng tôi là một đạo binh quỷ, chúng tôi có rất đông! Xin Ngài đừng đuổi chúng tôi khỏi nơi này.”
Chúa Jesus đã cho phép chúng nhập vào một đàn lợn đang ăn ở sườn núi gần đó. Kết quả đàn lợn này bị đạo binh quỷ nhập vào, hàng ngàn con cùng phát điên chạy loạn lên và rơi từ sườn núi xuống dưới biển. Còn người đàn ông thì dần tỉnh lại, thần trí tỉnh táo như người thường.
“Bị khống chế” không thể là lý do chối bỏ tội ác
Mặc dù giới tín ngưỡng và tu hành cổ xưa đều cho rằng người ta có thể bị linh thể từ không gian khác hay tà ma loạn quỷ các loại khống chế mà có các hành vi kỳ quái, thậm chí làm ác một cách mất lý trí, nhưng họ không thể lấy đó làm lý do để chối bỏ tội lỗi đã phạm của mình được.
Một người tu luyện đã từng kể một câu chuyện rằng: Xưa có một đạo sĩ có mắt Thần, có thể nhìn thấy các sinh mệnh ở không gian khác.
Một ngày nọ đạo sĩ nhìn thấy một người đang đi trên đường với vẻ mặt giận dữ, phía sau anh ta là cả một binh đoàn ma quái đang cùng khua chiêng đánh trống hò hét như để cổ vũ cho anh ta làm điều gì đó, toàn thân anh ta bị bao phủ trong một lớp màn đen tối u ám.
Lát sau đạo sĩ thấy người này quay lại, nhưng bây giờ là một cảnh tượng hoàn toàn khác, quanh người anh ta lấp lánh kim quang, có rất nhiều Thần kim giáp đi theo hộ vệ cho anh. Quá kinh ngạc, đạo sĩ bèn kể cho anh ta nghe những gì mình thấy và hỏi nguyên nhân.
Anh này cũng rất kinh hãi, nói: “Vừa nãy tôi định đi giết một người vì hắn thiếu tiền tôi mà không chịu trả. Nhưng đến trước nhà hắn, thấy hắn còn có mẹ già phải chăm sóc, con nhỏ phải nuôi dưỡng, quả thật rất vất vả. Tôi động lòng nên quyết định bỏ qua việc này và xóa nợ cho hắn. Thật không ngờ một ý nghĩ ác thì ma quỷ vây quanh, một ý nghĩ Thiện thì có chính Thần phù trợ.”
Câu chuyện này đã nói lên một điều rằng: Một người có thể vì nhất thời kích động mất lý trí mà bị ma quỷ xúi bẩy hoặc khống chế, nhưng tới sau cùng, hành vi của người đó vẫn là do chính họ lựa chọn. Nếu họ thật sự chân chính, thật sự lương thiện, thì không sinh mệnh xấu ác nào có thể cưỡng ép họ làm ác được, họ sẽ kịp thời kìm chế hành vi của mình, không để xảy ra hậu quả đáng tiếc.
Vì suy cho cùng thì nhân tính là đồng thời tồn tại cả hai mặt Thiện và ác, nên người ta không tránh khỏi có lúc sinh ra ác niệm. Nhưng rốt cuộc, họ sẽ thuận theo đó mà làm ác, hay có thể tỉnh táo lý trí lựa chọn lương thiện, từ bỏ ác niệm trong đầu, điều ấy vẫn là do chính họ quyết định.
Cũng vì thế, theo Pháp lý nhân quả báo ứng của vũ trụ, người ta đều phải hoàn trả những điều xấu mà mình đã làm cho người khác, gây tổn thương đến người khác,… không thể nào lấy lý do “kích động” hay “bị khống chế” để bao biện cho bản thân được.
Thế Di