Theo lịch sử ghi chép lại, Công chúa Hốt Thốc Luân là một chiến binh vĩ đại và đặc biệt được chú ý bởi năng lực trong bộ môn đấu vật. Sự xuất hiện của cô đã được ghi chép lại bởi Rashid al-Din – một nhà văn Ba Tư sống ở Hãn quốc Y Nhi, và Marco Polo – một nhà thám hiểm gốc Venice nổi tiếng.
Cụ cố Oa Khoát Đài và những thành viên khác trong gia phả của Công chúa Hốt Thốc Luân
>>> Người Việt mà cả châu Âu và Trung Quốc đều muốn có được là ai?
Hốt Thốc Luân còn được gọi là Aigiarne (nghĩa là “Mặt trăng chiếu sáng”), Aiyurug, hoặc Khotol Tsagaan, và cô được cho là sinh ra vào khoảng năm 1260. Cha cô là Hải Đô, cháu trai của Oa Khoát Đài và là một người anh em họ của Hốt Tất Liệt. Không giống như Hốt Tất Liệt, người đã thành lập triều đại nhà Nguyên và sống theo văn hóa người Trung Hoa, Hải Đô chọn cách duy trì lối sống du mục của tổ tiên mình. Đến năm 1280, Hải Đô là một trong những nhà cầm quyền quyền lực nhất trong Đế quốc Mông Cổ và ông đã duy trì một nhà nước vững chắc trên lãnh thổ Hãn quốc Sát Hợp Đài ở Trung Á.
Thời điểm đó, Đế chế Mông Cổ đã bị phân chia, và tước hiệu thủ lĩnh cao nhất “Khả hãn”, được lập ra bởi Hốt Tất Liệt, chỉ là một cái danh bù nhìn. Thay vì mở rộng biên giới lãnh thổ, nhiều người Mông Cổ khi đó lao vào những cuộc chiến tranh vô ích đấu đá lẫn nhau. Hải Đô là một trong những nhà lãnh đạo Mông Cổ phản đối Hốt Tất Liệt và các đồng minh của ông. Hốt Thốc Luân được sinh ra vào thời điểm đất nước rối ren như thế.
Hốt Thốc Luân được cha nuôi dạy theo cách sống của dân du mục, giống như 14 anh em khác của cô. Quá trình rèn giũa của cô gồm đấu vật, cưỡi ngựa và bắn cung. Khi lớn lên, Hốt Thốc Luân đã cho thấy bản thân rất xuất sắc trong những bộ môn này. Lịch sử cũng có đề cập cô là đứa con rất được Hải Đô yêu quý và trọng dụng. Nhờ có tài thao lược, cô thường xuyên được cha tham khảo ý kiến về những vấn đề quân sự.
Hốt Thốc Luân qua ngòi bút của Marco Polo
Một trong những nguồn thông tin về Hốt Thốc Luân đến từ các tác phẩm của Marco Polo. Nhà thám hiểm gốc Venice này đã viết rằng Hốt Thốc Luân “có các chi vô cùng khỏe mạnh, thân hình cao ráo và vạm vỡ, đến mức có thể xem như một người khổng lồ” và cô “rất mạnh mẽ, không một trai tráng nào trong vương quốc có thể đánh bại cô, mà chính cô đã đánh bại tất cả bọn họ”.
Ngoài ra, Marco Polo đã viết rằng, không một ai trong quân đội của cha cô có thể sánh được với lòng quả cảm của Hốt Thốc Luân khi xông trận, và phương pháp chiến đấu ưa thích của cô là lao vào trận chiến dày đặc quân thù, túm lấy những tên giặc đang cưỡi ngựa và thả xuống cho quân của mình xử lý.
Thử thách đấu vật của Hốt Thốc Luân
Theo Marco Polo, khi Hốt Thốc Luân đến tuổi cập kê, Hải Đô cũng có ý muốn lấy cho cô một tấm chồng. Tuy nhiên, Hốt Thốc Luân đã từ chối, cô ra điều kiện sẽ chỉ kết hôn với người đàn ông có thể đánh bại mình trong môn đấu vật – môn thể thao yêu thích của cô. Hải Đô đồng ý với yêu cầu của con gái mình, và cho phép cô được tự do kết hôn với người mình muốn. Hốt Thốc Luân đã tuyên bố trên khắp Đế quốc Mông Cổ rằng, bất cứ người đàn ông nào cũng được hoan nghênh đến thách đấu cùng cô trong môn đấu vật. Nếu người đó đánh bại cô, cô sẽ là vợ anh ta, còn nếu thua, anh ta sẽ phải cho cô 100 con ngựa.
Vì Hốt Thốc Luân là con gái của một trong những người quyền lực nhất đế chế, nhiều người đàn ông đã bị thu hút và muốn thử vận may của mình. Vì lẽ đó, chẳng mấy chốc đã có nhiều người kéo đến cung điện của Hải Đô để tham gia kén rể. Mặc dù vậy, không một ai có thể đánh bại Hốt Thốc Luân. Rõ ràng, cô đã thu được hơn 10.000 con ngựa từ việc đánh bại những người đến thách đấu cùng cô. Cuối cùng, một vị hoàng tử trẻ xuất hiện, khiến cha cô là Hải Đô ưng ý ngay từ cái nhìn đầu tiên. Hốt Thốc Luân được cha yêu cầu phải cố tình thua hoàng tử, nhưng cô đã từ chối. Và hoàng tử đã bị đánh bại trong sự thất vọng của Hải Đô.
Marco Polo không đề cập đến số phận của Hốt Thốc Luân sau này, mặc dù các nguồn khác nói rằng cuối cùng cô cũng đã kết hôn. Một số câu chuyện cho rằng, Hốt Thốc Luân đã kết hôn với một tù nhân chiến tranh mà cô cảm thấy “ưa nhìn”; trong khi cũng có một vài suy đoán khác rằng, cô đã kết hôn với một người lính trong quân đội của cha mình.
Công chúa Hốt Thốc Luân đã truyền cảm hứng cho một bản Opera
Hải Đô qua đời năm 1301 và người ta nói rằng ông muốn Hốt Thốc Luân sẽ là người kế vị sau khi ông qua đời. Nhưng những người anh em trai của Hốt Thốc Luân không để yên chuyện này, nên cuối cùng một trong những người con trai Hải Đô đã nối ngôi ông.
Người ta cho rằng Hốt Thốc Luân đã chết vào khoảng năm 1306, chỉ vài năm sau khi cha cô băng hà. Điều thú vị là nhân vật Turandot (trong vở opera nổi tiếng cùng tên của nhà soạn nhạc người Ý Giacomo Puccini) dường như đã được lấy cảm hứng từ nàng Công chúa Mông Cổ này.
>>> Người Mông Cổ từng đem lại thời kỳ hòa bình và phát triển vượt bậc cho thế giới
>>> Người Mông Cổ đã có “bác sĩ thú y” từ hơn 3.000 năm trước
Hồng Liên, theo Ancient origins