Nàng Vưu Tam Thư vô cùng say đắm Liễu Tương Liên, nhưng vì sao lại nói với người mà mình yêu thương nhất rằng: “Thiếp và chàng không có liên quan”?
Hồng Lâu Mộng tuy là bức tranh gấm màu rực rỡ, song sợi chỉ tơ xuyên suốt tác phẩm là nghiệp chướng của ái tình. Ngoại trừ Giả Mẫu ra, gần như cái chết nào trong chuyện cũng là chết vì tình.
Gặp gỡ lần đầu đã quyết tâm không lấy người khác
Vưu Nhị Thư và Vưu Tam Thư là hai cô em gái của Vưu thị, vợ hai Giả Trân bên phủ Đông. Mặc dù tư cách, địa vị hèn mọn, nàng Vưu Tam Thư vẫn đanh đá, lợi hại, tự nhận là cô gái cành vàng lá ngọc, không để cho người khác chà đạp.
Những cô gái bình thường đối với những người có tiền có thế trong Cổ phủ thì đều thi nhau bám theo, nhưng Tam Thư lại không thèm để mắt đến, nhất định phải tìm được người tâm đầu ý hợp thì mới lấy chồng.
Khi Liễu Tương Liên đóng vai học trò trên sân khấu, Vưu Tam Thư vừa nhìn thấy thì đã thương mến, thề không phải người này thì không lấy chồng: “Nếu họ Liễu đến, tôi sẽ lấy anh ta. Kể từ hôm nay, tôi sẽ ăn chay niệm Phật, chỉ chăm sóc mẫu thân, chờ chàng đến thì sẽ gả cho chàng, nếu một trăm năm không đến, thì sẽ đi tu hành”.
Vưu Tam Thư còn bẻ gãy cây trâm ngọc làm hai đoạn để thể hiện ý chí của mình: “Nếu sai nửa lời thì cũng sẽ như cây trâm này!”. Một thiếu nữ mới mười mấy tuổi, chỉ gặp mặt một lần đã thề không phải người này thì không lấy chồng, đủ hiểu là mê đắm trong tình như thế nào.
Liễu Tương Liên được gọi là người vô tình, thường du ngoạn khắp nơi, xuất thân trong một gia đình quan võ đã thất thế, phong thái phiêu dật, tinh thần hiệp nghĩa, nhưng lại có tính cao ngạo, hận đời.
Tương Liên cũng tự nói phải tìm được cô gái có tướng mạo và phẩm hạnh xuất chúng để làm vợ. Khi Giả Liễn làm mai Tam Thư, khen ngợi phẩm hạnh của Tam Thư, Tương Liên cũng nhận lời, đưa ra một thanh bảo kiếm gia truyền làm tín vật cho lễ đính hôn, rồi cũng phát thệ: “Dù cho nước chảy hoa rơi, nhưng quyết không bỏ người giữ thanh kiếm này”.
Vưu Tam Thư nhận được thanh kiếm, liền rút ra xem thử, bên trong có hai thanh kiếm hợp lại, trên thân một thanh kiếm có khắc chữ “Uyên”, thanh kia có khắc chữ “Ương”, Tam Thư mừng rỡ liền mang thanh kiếm để ở trước giường ở trong phòng, mỗi ngày đều nhìn ngắm vài lần, tin rằng cuối cùng cũng có nơi để nương tựa.
Đúng là thanh kiếm uyên ương này lúc đầu được dùng để làm đính ước, nhưng cuối cùng lại chặt đứt đi si mê của Liễu Tương Liên.
Núi ngọc nhào nghiêng khó đỡ lên
Mấy tháng sau, Tương Liên vào kinh để đón dâu, nhưng trong nội tâm vẫn hơi có nghi ngờ: “Xưa nay mình chưa có qua lại với Tam Thư, không biết nàng vì sao lại chung tình với mình?”. Anh ta mới đi tìm Bảo Ngọc để hỏi, Bảo Ngọc nói tướng mạo của Tam Thư vô cùng xinh đẹp và đang ở Cổ phủ.
Lúc ấy chuyện loạn luân trong Cổ phủ đã lan truyền ra ngoài, Tương Liên tự nhiên cũng nghe được, dù cho hoa sen rất tinh khiết, nhưng đang ở trong bùn có thể không bị nhiễm bẩn sao?
Tương Liên cảm thấy hoài nghi về phẩm hạnh của Tam Thư, lúc Bảo Ngọc nói đến nỗi khổ si tình của Tam Thư, Tương Liên liền xua tay lắc đầu mà nói với Bảo Ngọc: “Những người ở trong phủ, ngoại trừ hai con sư tử đá là còn sạch sẽ, chỉ sợ con mèo con chó cũng không còn sạch sẽ nữa, tôi không thể làm con rùa được”.
Sau đó Tương Liên tìm đến Giả Liễn để hủy hôn, không ngờ Tam Thư ở trong phòng đã nghe được rõ ràng.
“Cuối cùng thì chàng cũng đã đến, nhưng không ngờ chàng đến để hủy hôn! Gặp người mình đã dại khờ chờ đợi bấy lâu nay nhưng người ta lại khinh thường mình”. Tam Thư không nói lời nào, cũng không chần chừ, nàng hạ quyết tâm, tháo thanh kiếm uyên ương xuống, rồi vội mang đi ra ngoài để gặp Tương Liên.
“Trả lại cho chàng lễ đính hôn!”, Tam Thư vừa nói xong thì nước mắt rơi như mưa, tay trái cầm vỏ thanh kiếm đưa cho Tương Liên, tay phải cầm chặt chuôi kiếm, dùng hết sức mình, đưa kiếm lên cổ quét ngang một cái, lập tức máu tươi bắn tung tóe, ngã xuống dưới chân của Tương Liên.
Ở đây tác giả Tào Tuyết Cần dùng “Ngọc sơn khuynh đảo tái nan phù” (Núi ngọc nhào nghiêng khó đỡ lên) để hình dung tư thế ngã của nàng. “Ngọc sơn” vốn là để chỉ những danh sĩ cao quý thời Ngụy Tấn, ở đây dùng là để chỉ Tam Thư, có thể thấy Tào Tuyết Cần có ý khen ngợi nhân cách của Tam Thư.
Bị sỉ nhục tình cảm nhưng không oán trời trách đất
Hành vi của Tam Thư dĩ nhiên là cực đoan, lấy máu để minh chứng cho sự trong sạch của mình. Tương Liên hối hận thì đã muộn, đỡ lấy thi thể của nàng mà khóc, lúc nhập liệm, lại cúi xuống hòm quan tài mà khóc lớn: “Ta không biết được vợ hiền khí khái kiên cường đến thế này, thực là khả kính, là ta vô phúc mà!”
Lúc người hầu dẫn Tương Liên vào phòng, bỗng văng vẳng nghe tiếng ngọc rung rinh, thấy bóng dáng Tam Thư từ đằng kia đi lại, một tay cầm thanh kiếm Uyên Ương, một tay cầm quyển sổ, khóc nói với Tương Liên: “Thiếp vì si tình, chờ chàng đã 5 năm rồi, không ngờ chàng lại lạnh nhạt như thế. Thiếp đành lấy cái chết để báo lại mối tình si”.
Nàng không oán trời trách đất, đối với Tương Liên, người mà nàng say đắm cuồng dại, nàng cũng không có một lời oán trách, nhẹ nhàng đoạn tuyệt: “Thiếp đến từ trời tình, đi từ đất tình. Kiếp trước đã lầm vì tình, kiếp này lại xấu hổ vì tình.
Thiếp từ nhân gian đa tình mà rời đi, mới biết kiếp trước bị tình mê hoặc, cho nên chìm đắm trong tình. Bây giờ thiếp đã tỉnh ngộ rồi, vì sự si tình của mình mà cảm thấy hổ thẹn. Thiếp mặc dù đã tự sát, nhưng đây là chuyện riêng của thiếp, không có quan hệ gì với chàng”.
Tam Thư đã “hổ thẹn vì tình” mà tỉnh ngộ, nàng đã hiểu ra nợ tình trong kiếp này, tất sẽ có nghiệt duyên, thiếu nợ thì phải tự hoàn trả, thực ra cũng không có quan hệ gì với người khác, đúng là không thiếu nợ nhau nên cũng không liên quan.
Tương Liên đau khổ định chạy đến kéo Tam Thư lại, nhưng một trận gió thoảng qua, thoáng cái đã không thấy tông tích Tam Thư đâu nữa rồi.
Bi kịch nhân gian đã tác thành Liễu Tương Liên với Vưu Tam Thư
Cuối cùng Tương Liên cũng rút ra thanh kiếm chữ “Uyên”, cắt đi mái tóc xanh, đi theo vị đạo sĩ què chân xuất gia.
Tam Thư vì sao lại mê tại nhân thế, sau khi chết mới hổ thẹn mà tỉnh ngộ? Bởi vì nam nữ si tình giống như là chìm xuống biển sâu, dây dưa khó thoát, cũng là một loại an bài của Thần.
Nói cách khác, có những nơi chuyên môn quản lý những si tình và kết thù chuốc oán, yêu hận tình thù, hỉ nộ ái ố, tất cả đều do thượng thiên điều khiển. Nam nữ ở trong mê mà si tình, làm những điều xằng bậy cũng không phải là bản thân có thể làm chủ, cái thân xác thịt nơi thế gian này nói đúng ra thì không phải là tự kỷ chân chính!
Mọi người có thể cho rằng đó là một cặp đôi hoàn hảo, một người nghĩa hiệp can đảm, khôi ngô phóng khoáng, một người trinh tiết, khí khái, dung mạo xinh đẹp, nhưng ông trời lại nỡ chia lìa.
Cuối cùng là dùng một thanh kiếm uyên ương làm đính ước, thanh kiếm sắc bén đã chặt đứt tình duyên của hai người, thanh kiếm “Ương” đã làm đứt cái cổ trắng ngọc của người con gái si tình, thanh kiếm “Uyên” đã đoạn dứt ngàn vạn phiền não của chàng trai.
Đây là bi kịch của nhân gian, tình dày mà bạc mệnh, cuối cùng cũng tác thành cho Liễu Tương Liên và Vưu Tam Thư, khiến cho bọn họ triệt để đoạn dứt mê lầm, mỗi người đều đã đi về nơi chốn của riêng mình.
Chân Chân biên dịch
Xem thêm: