Trong hôn nhân, mối bận tâm lớn nhất giữa các cặp vợ chồng chính là lòng chung thủy của đối phương. Trên thực tế, hủy hoại hôn nhân không chỉ có ngoại tình, mà còn có 3 “đại sát thủ” khác.
“Đại sát thủ” thứ nhất: Tính cách không tương đồng
Nghe nói rằng, một trong những lý do hàng đầu mà các cặp vợ chồng đưa ra khi làm thủ tục ly hôn chính là tính cách không tương đồng. Kỳ thực, trên thế giới này, không cách nào tìm được 2 người có tính cách hoàn toàn tương đồng, mọi người đều là những cá nhân tương đối độc lập.
Trong giai đoạn yêu đương mặn nồng, các cặp đôi thường coi sự khác biệt về tính cách là một loại hấp dẫn, nhưng trong hôn nhân, bởi vì góc độ và vị trí đã thay đổi, hơn nữa tính cách lẫn con người của đối phương đã được bộc lộ đầy đủ, vậy nên thái độ đối với nhau cũng sẽ không còn như trước.
Khi tính cách của hai người có sự khác biệt, lại không thể giống như 2 bánh răng khớp vào nhau để chuyển động một cách ổn định, thì cuối cùng chỉ có thể mang đến tổn thương cho nhau.
Chứng kiến một cuộc hôn nhân đổ vỡ, có lẽ không ít người thắc mắc: “Tại sao hai người tốt như vậy lại không thể sống hạnh phúc bên nhau?”. Bọn họ có đầy đủ những đức tính của một người tốt như chân thành, lương thiện, nhưng không thể nào sử dụng những phẩm chất này để giải quyết mâu thuẫn giữa hai người, cuối cùng vì làm tổn thương lẫn nhau mà mỗi người một ngả.
Vợ chồng ở chung với nhau là một loại học vấn và kỹ năng, đáng tiếc rất nhiều người chỉ thích làm theo ý mình, luôn đặt mình là trung tâm mà không để ý đến cảm giác của đối phương, cuối cùng khiến cho cuộc hôn nhân đi tới đường cùng.
“Đại sát thủ” thứ hai: Thói quen sinh hoạt bất đồng
Từng có cư dân mạng phàn nàn về những phiền não trong cuộc sống của mình đối với một người vợ sạch sẽ. Anh ta hy vọng có được một cuộc sống thoải mái tự nhiên, nhưng cô vợ lại muốn mọi thứ được sắp xếp ngay ngắn gọn gàng và theo quy củ.
Chẳng hạn, anh ta chỉ có thể ngồi ở đúng vị trí mà vợ chỉ định, làm việc gì cũng phải tuân theo quy tắc của vợ, cho dù ngồi xuống, cũng phải luôn luôn chú ý kéo thẳng nếp gấp trên sô pha.
Anh ta cảm giác gia đình này giống như một nhà tù chuẩn mực, các thành viên chỉ có thể tuân theo hướng dẫn của quản ngục, làm xong mọi việc trong quy định rồi mới có thời gian hóng gió, không có bất kỳ sự tự do nào.
Trong gia đình có một đặc điểm chung, đó là người phụ nữ thường được coi là linh hồn, là người nắm quyền lực quyết định nề nếp sinh hoạt của cả nhà. Họ quen với việc tập trung vào các chi tiết của cuộc sống, lập kế hoạch cho cách thức vận hành của gia đình mình. Vì vậy, phụ nữ nghiễm nhiên trở thành người thiết lập các quy tắc sinh hoạt, còn nam giới chỉ có nghĩa vụ phải thực hành.
Nam giới thường là bên phải thực thi vô điều kiện. Nhưng nếu một số thói quen và tính cách của người chồng trái ngược với quy tắc của vợ, lại luôn bị cưỡng ép phải thực hiện, người chồng có thể cảm thấy rằng cuộc sống chẳng còn ý nghĩa.
Ví dụ, một số người đàn ông thích thức dậy vào buổi sáng để tắm, nhưng người vợ lại cảm thấy buổi tối không tắm mà đi ngủ là quá bẩn. Cũng vì vậy mà mỗi ngày hai người đều vì chuyện tắm hay không tắm mà xảy ra bất đồng.
Chuyện này cứ lặp lại trong một thời gian dài, sẽ khiến cả hai nghĩ rằng đối phương quá ích kỷ, không tôn trọng thói quen sinh hoạt của mình, tranh cãi đến cuối cùng là mỗi người đi một đường. Trong hiện thực cuộc sống, không ít những trường hợp ly hôn chỉ vì những lý do vô cùng cỏn con.
“Đại sát thủ” thứ ba: Độ trưởng thành không tương đồng
Nam nữ tiến tới hôn nhân đều là bước những bước đầu tiên cùng nhau, nhưng cùng với sự thay đổi của thời gian, những bước chân cũng dần trở nên lạc nhịp, không thể tiếp tục song hành cùng nhau, cuối cùng dẫn đến tình huống ly tán. Trong hôn nhân, rất nhiều người đã bỏ qua yếu tố “trưởng thành chung” giữa hai vợ chồng.
Chẳng hạn, người đàn ông luôn mong muốn vợ trưởng thành, có thể giúp mình trong cuộc sống và sự nghiệp, cùng nhau nỗ lực; nhưng người phụ nữ lại không chịu trưởng thành, vẫn còn ở trong cách suy nghĩ và thói quen hành vi của một thiếu nữ, gặp phải thất bại là không sao chịu được, hoàn toàn không có lối tư duy của một người chín chắn. Sau đó khoảng cách giữa hai người ngày một lớn hơn, giao tiếp cũng bắt đầu xuất hiện trở ngại.
Không ít những cuộc hôn nhân ‘chết yểu’, đều là vì giữa 2 người không có sự trưởng thành đồng bộ. Sự mất cân bằng này có thể là do sự sai khác về nhận thức đối với tình cảm và cuộc sống, cho nên dẫn đến cảnh một người đã di chuyển về phía trước rồi, trong khi người kia vẫn đang dậm chân tại chỗ. Lâu dần 2 người sẽ phát hiện những gì thuộc về nhau là quá ít, cảm thấy đối phương ngày càng lạ lẫm, không cách nào tiếp tục sánh bước đến cuối cùng.
Trên thế giới này, thứ khó kiểm soát nhất chính là lòng người, cho nên muốn giữ được trái tim của một người, biện pháp tốt nhất là không nên khống chế đối phương, mà là thay đổi bản thân mình, để hôn nhân biến thành một cuộc du ngoạn thú vị, khiến cả hai đều cảm thấy vui vẻ.
Tuệ Tâm (Theo Vision Times)