Ăn ở hiền lành, tu nhân tích đức, ngoài việc đem lại lợi ích cho bản thân và mọi người xung quanh, còn tự tạo cho mình một loại ‘dương khí’, xua đuổi ngoại tà và điều rủi.
Cha Kỷ Hiểu Lam không sợ ma quỷ
Kỷ Hiểu Lam là một danh sĩ nổi tiếng và là một quan lại đời nhà Thanh. Dưới đây là câu chuyện về bài học mà ông nhận được từ người cha đáng kính của mình trong thời gian ông được bổ nhiệm làm đốc học ở Phúc Châu vào đời nhà Thanh.
Nha môn ông làm việc trước đây là một nơi thu thuế; tuy nhiên nhiều người vô tội trong đó đã bị các thái giám tham lam độc ác sát hại khi họ giành được quyền lực vào cuối thời Minh.
Kỷ Hiểu Lam viết: “Mùa hè năm 1764, cha tôi đến thăm tôi. Khi ông nghe nói về một căn phòng bị ma ám trong phủ đệ, ông đã đến đó và ngủ lại trong phòng. Tuy nhiên, không có gì xảy ra với ông suốt đêm hôm ấy”.
Ngày hôm sau, Kỷ Hiểu Lam nói với cha: “Xin cha đừng mạo hiểm tính mạng với các oan hồn. Con nghĩ tốt hơn cha nên rời khỏi căn phòng đó”.
Cha ông đáp: “Nhiều người có học không tin rằng ma tồn tại. Ta thấy điều đó thật tức cười và thiếu lý lẽ. Thực ra ma quỷ không làm hại người lương thiện vì họ được bao quanh bởi trường năng lượng công chính.
Chúng sợ người chính trực vì chúng có tính âm, bị bao bọc bởi trường năng lượng âm nên sẽ sợ năng lượng dương. Đối với những người bị ma quỷ quấy rầy, năng lượng dương của họ hẳn phải thấp đến mức bị năng lượng âm chế ngự”.
Cha ông nói tiếp: “Dương không có nghĩa là tính khí dữ dằn, lỗ mãng, dương ở đây là sự tử tế, còn những suy nghĩ xấu xa, độc ác là âm. Tâm trí thuần khiết và chân thật chính là dương; thâm tâm nham hiểm và dối trá chính là âm; công bằng và ngay thẳng là dương; ích kỷ và xuyên tạc là âm”.
“Điều đó giải thích tại sao trong Kinh Dịch, người tốt được cho là dương còn kẻ xấu là âm. Miễn là một người giữ tâm mình trong sáng và thuần tịnh thì năng lượng người đó sẽ tạo ra sẽ là năng lượng dương thuần khiết và nó sẽ bao trùm xung quanh thân thể. Trường năng lượng đó sẽ tiêu hủy ma quỷ giống như lò lửa nung chảy tảng băng trong căn phòng tối. Là một học giả, con đã bao giờ đọc được bất kỳ văn nhân nào trong lịch sử bị ám ảnh bởi linh hồn ma quỷ hay chưa?”.
Kỷ Hiểu Lam cuối cùng viết: “Tôi nghe lời giáo huấn sinh động của cha với niềm tôn kính và vẫn nhớ mãi bài học đó cho đến tận bây giờ”.
Trên đầu người tốt có vầng sáng, hổ dữ cũng không dám động tới
Kỷ Hiểu Lam, nhà văn và học giả thời nhà Thanh, có mẹ là Trương thái phu nhân. Bà có thuê một người nấu nướng trong phủ. Dưới đây là câu chuyện có thật mà người đầu bếp này kể lại.
Ở quê nhà của người đầu bếp có một người rất nghèo phải ra ngoài xin ăn. Một ngày kia, chàng ta đi cả nửa ngày trời, đến lúc chập tối cảm thấy như mình bị lạc đường. Chỉ thấy đường đá gồ ghề, bầu trời tối đen, không biết đi hướng nào mới phải. Anh này đành phải ngồi dưới gốc cây, đợi đến trời sáng hôm sau mới đi tiếp.
Bỗng nhiên, anh chàng ăn xin thấy một người từ trong rừng cây đi đến, phía sau có ba bốn người theo hầu, người nào người nấy đều cao lớn vạm vỡ. Chàng ăn xin trong lòng sợ hãi, liền vội vàng quỳ xuống xin tha. Người kia đồng cảm nói: “Nhà ngươi không cần phải sợ, ta sẽ không làm hại nhà ngươi đâu. Ta là Thần Hổ chuyên trông coi bầy hổ, bây giờ là lúc đến phân chia thức ăn cho chúng. Loài hổ có thể ăn thịt người, nhưng không phải ai cũng ăn thịt, ngươi hãy chờ coi”.
Thần Hổ nói xong, liền hú dài một tiếng, rất nhiều con hổ đều chạy đến tập hợp nghe lệnh. Thần Hổ nói chuyện với bầy hổ, người ăn xin nghe chẳng hiểu gì. Một lúc sau, bầy hổ tản đi mất, chỉ còn lại một con hổ ẩn náu trong đám cỏ.
Một lát sau, có một người đàn ông gánh nặng trên vai đi qua, con hổ nhảy chồm tới khiến người này hoảng sợ, vứt quang gánh lại tìm cách chạy thoát thân. Tuy nhiên con hổ bỗng nhiên ngừng lại và quay về bãi cỏ. Rồi lại xuất hiện một phụ nữ. Con hổ to lớn lập tức nhảy tới và vồ lấy người này rồi ăn thịt chỉ chừa lại bộ y phục. Vị Thần Hổ đi tới nhặt bộ y phục lên, trong túi người phụ nữ vừa bị hổ ăn thịt nặng trĩu ngân lượng.
Người ăn mày vừa hoảng sợ vừa không rõ xảy ra chuyện gì. Vị Thần Hổ kia bèn giải thích: “Chúa sơn lâm chỉ ăn thịt động vật hoặc những kẻ không có phẩm chất của con người mà thôi. Chúng sẽ tha mạng cho người lương thiện vì trên đầu họ có linh khí. Nói chung người mà lương tri vẫn còn, trên đầu người đó họ sẽ có vầng sáng. Hổ mà nhìn thấy vầng sáng này tuyệt không dám làm càn! Còn người mà lương tri chẳng còn, vầng sáng trên đầu sẽ mất hết, hạng người này so với cầm thú cũng chẳng khác gì, hổ mới được phép ăn!
Như người đàn ông quẩy gánh lúc nãy, dù tướng mạo dữ dằn, nhưng trong tâm lại là người lương thiện. Ngày ngày anh ta đi bán hàng để phụng dưỡng mẹ già đau yếu, chị dâu góa bụa và nuôi đứa cháu mồ côi. Chính bởi một niệm lương thiện này, vầng sáng trên đầu anh ta tuy nhỏ không đáng kể, nhưng hổ nhìn thấy cũng lảng tránh không dám làm hại.
Còn người phụ nữ đến sau, vốn bỏ chồng và đi lấy người đàn ông khác. Khi ở với con chồng đã ngấm ngầm hành hạ, đánh đập đứa bé không thương tiếc. Hơn nữa người này còn lấy trộm tiền của chồng kế để đem về cho con gái bà ta, bởi vậy mà trên đầu không có chút vầng sáng nào. Chính vì vậy hổ coi bà ta là động vật và đã ăn thịt.
Còn ngươi, tuy tàn tật và phải đi xin ăn hàng ngày nhưng vẫn luôn biết san sẻ chút lương thực cho mẹ kế già nua, vầng sáng trên đầu ngươi cao hơn một thước. Vậy nên ta mới giúp đỡ nhà ngươi, chứ hoàn toàn không phải nhà ngươi quỳ xuống cầu xin mà ta thương tình. Nhà ngươi hãy cố gắng làm nhiều việc thiện, tương lai sẽ còn nhiều phúc báo chờ đợi nữa. Ngươi hãy tự tin mà bước về nhà, ta sẽ chỉ đường dẫn lối cho. Hãy về nói lại với dân làng chuyện hôm nay, để mọi người sống tốt hơn, sẽ được Thần linh phù hộ mà tránh tai ương”.
Người ăn mày tàn tật nghe xong cảm tạ và đứng dậy bước về nhà. Anh ta đi suốt một ngày một đêm, cuối cùng đã về được đến nhà. Trong thôn làng, mọi người sau khi nghe được câu chuyện này ai nấy đều tin nghe và mau chóng tu chỉnh bản thân mình, một lòng hướng thiện.
Hồng Liên (t/h)