Trung tâm Y tế cộng đồng thành phố Osaka, Nhật Bản đã ra lệnh thu hồi toàn bộ 18.168 chai tương ớt Chin-su của Công ty Masan vì chứa chất phụ gia bị cấm dùng trong sản xuất tương ớt tại nơi đây. Có khả năng số tương ớt bị thu hồi này là dành riêng cho thị trường Việt Nam, hoặc hàng không rõ xuất xứ.
Ngày 8-3, vì nghi ngờ sản phẩm tương ớt dán nhãn hiệu Chin-su do Tập đoàn Javis, Nhật nhập khẩu từ Việt Nam vi phạm đạo luật vệ sinh thực phẩm và đạo luật Nhãn thực phẩm. Cán bộ giám sát an toàn thực phẩm của Cục Y tế và phúc lợi thành phố Tokyo đã tiến hành kiểm tra sản phẩm tương trên.
Sau khi xác định lô hàng tương ớt do Yasuhiro Naka, giám đốc đại diện công ty Javis (trụ sở tại Higashi-ku, Osaka) nhập khẩu ngày 7-12-2018 từ Việt Nam vi phạm điều 11 khoản 2 Luật vệ sinh thực phẩm nước này vì chứa chất cấm phụ gia axit benzoic.
Axit benzoic là phụ gia bị cấm sử dụng trong sản phẩm tương ớt của Nhật nhưng lại là phụ gia được phép sử dụng tại Việt Nam. Giám đốc Trung tâm Y tế cộng đồng thành phố Osaka đã ra lệnh cho nhà nhập khẩu thu hồi toàn bộ sản phẩm trên.
Theo kết quả phân tích của Hiệp hội Vệ sinh thực phẩm Tokyo thuộc Viện Nghiên cứu công nghệ thực phẩm Tokyo, hàm lượng axit benzoic trong tương ớt Chin-su bị thu hồi ở Nhật lần lượt 0,41g/kg với các chai có hạn dùng 10-6-2019, 0,44g/kg với hạn dùng 17-6-2019 và 0,45g/kg với hạn dùng 6-7-2019.
Tổng cộng có 757 thùng, 18.168 chai tương ớt đã được bán cho Công ty TNHH Công nghiệp ISC từ tháng 10 đến tháng 12-2018. Sáng 6/4, ông Tạ Đức Minh, tham tán thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản đã xác nhận những thông tin trên là chính xác.
Trao đổi với phóng viên, Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan cho biết, đơn vị này chỉ xuất khẩu tương ớt Chin-su sang Mỹ, Canada, Australia, Nga, Cộng hoà Séc, Trung Quốc, Đài Loan chứ chưa từng xuất khẩu trực tiếp hay gián tiếp tương cho Công ty Javis (Công ty ISC Industrial).
“Do hiện nay chúng tôi không có mẫu sản phẩm nên chưa thể có kết luận chính thức về nguồn gốc xuất xứ của lô hàng này nhưng nhiều khả năng đây là sản phẩm dành riêng cho thị trường Việt Nam hoặc là sản phẩm không rõ xuất xứ”, theo hông cáo của Masan.
Theo bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), đến thời điểm hiện tại, Bộ Y tế chưa nhận được thông báo chính thức của Nhật Bản.
Con người có thể tiêu thụ 5mg Axit benzoic/kg trọng lượng cơ thể/ngày.
Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo lượng axit benzoic con người được phép tiêu thụ hằng ngày là 5mg/kg trọng lượng cơ thể/ngày. Nghĩa là một người có trọng lượng 50kg thì được phép tiêu thụ 0,25g axit benzoic/ngày.
Kết quả xét nghiệm, lượng axit benzoic trong tương ớt Chin-su nhập khẩu vào Nhật là từ 0,41g/kg đến 0,45g/kg. Nếu vậy một người nặng 50kg có thể ăn 0,56kg tương ớt (khoảng 0,22g axit benzoic) mỗi ngày. Tương tự người nặng 30kg có thể tiêu thụ 0,33kg (khoảng 1/3 chai) tương ớt mỗi ngày.
Trong trường hợp hấp thụ hàm lượng acid benzoic cao hơn ngưỡng cho phép, có thể gây kích ứng dạ dày, viêm dạ dày… nặng nhất là bị ngộ độc.
Tại Việt Nam, benzoic acid vẫn được sử dụng trong nhiều loại thực phẩm khác nhau với hàm lượng tối đa 1 g/kg đối với các sản phẩm tương ớt.
Vũ Tuấn (t/h)
Xem thêm: