Tinh Hoa

Hoàng hậu trả ngàn lạng vàng cho 1 bài thơ – “Nhuận bút” đầu tiên cao ngất trong lịch sử

Nhuận bút là cụm từ quen thuộc với nhiều người, đặc biệt là những người làm về báo chí, văn hóa, nghệ thuật. Nhưng ít ai biết rằng xoay quanh nguồn gốc của nó lại có những câu chuyện rất thú vị.

Hoàng hậu Trần A Kiều trả ngàn lạng vàng cho 1 bài thơ để đổi lại sự sủng ái của Hán Vũ Đế. (Ảnh: Tạo hình nhân vật Hoàng hậu Trần A Kiều trên phim truyền hình)

Nguồn gốc từ “Nhuận bút”

Nhuận bút là một từ Hán Việt, là chỉ tiền công để trả cho những tác giả có những công trình về văn hóa, nghệ thuật, khoa học được xuất bản và sử dụng. Từ cách định nghĩa này ta hiểu nhuận bút là tiền công, tiền thù lao trả cho công lao động của tác giả có những sản phẩm được ứng dụng và sử dụng vào những mục đích khác nhau.

Theo cách chiết tự từ, “nhuận bút” được ghép từ “nhuận” và “bút”. “Nhuận” là làm cho ướt, trơn tru, “bút” là cây bút, cây viết. Như vậy, nhuận bút là làm cho bút đỡ khô. Thoạt nghe thì tưởng như không có liên quan gì nhưng xuất xứ của từ nhuận bút gắn với một giai thoại rất thú vị.

Một lần Tùy Văn Đế sai Lý Đức Lâm khởi thảo chiếu thư để phát cho dân chúng. Lúc đó, Cao Dĩnh đứng cạnh đã nói đùa rằng: “Bút khô rồi”, Trịnh Dịch ở bên hùa theo: “Không được một đồng thì nhuận bút (bút ướt) sao nổi”. Hàm ý là, không có tiền mua mực thì bút khô, làm sao khởi chiếu thư?

Và từ đó người ta đem trích dẫn từ “nhuận bút” trong câu đáp của Trịnh Dịch để nói về việc trả tiền thù lao cho bản thảo, thư họa, các tác phẩm văn thơ, v.v…

Trần A Kiều trả ngàn lượng vàng cho bài thơ của Tư Mã Tương Như

Trong thời Hán Vũ Đế, Hoàng hậu Trần A Kiều vì ghen tức nên đã phạm nhiều lỗi lầm, cuối cùng đã bị giáng vào Trường Môn Cung (nơi vua dùng để giam những phi tần thất sủng). Bà vừa bị thất sủng, vừa bị giam giữ, lòng buồn tê tái, khóc than suốt ngày và nhớ lại những ngày hạnh phúc cùng Vũ Đế. Rồi trong một thoáng chốc bà chợt nghĩ đến Tư Mã Tương Như, một nhà thơ nổi tiếng thời bấy giờ. Ngay lập tức bà sai nội giám tâm phúc của mình, mang theo một ngàn lượng vàng, đến chỗ đại văn sĩ Tư Mã Tương Như để nhờ ông làm một bài thơ nói lên nỗi ai oán nhớ thương của bà khi bị nhốt trong Trường Môn Cung.

Tư Mã Tương Như biết được nguyên nhân, liền mài mực hạ bút viết bài thơ có tên là “Trường môn phú”. Bài thơ đã tinh tế và khéo léo kể lại nỗi bi thương một người phụ nữ phải chôn mình ở chốn thâm cung, với tâm trạng thống khổ sầu nhớ. Dưới đây là những trích đoạn trong bài thơ này:

Trường Môn phú (Hán Việt)

“Phù hà nhất giai nhân hề, bộ tiêu dao dĩ tự ngu;

Hồn du dật nhi bất phản hề, hình khô cảo nhi độc cư.

Ngôn ngã triêu vãng nhi mộ lai hề, ẩm thực lạc nhi vong nhân;

Tâm khiểm di nhi bất tỉnh cố hề, giao đắc ý nhi tương thân.

Y dư chí chi mạn ngu hề, hoài trinh xác chi hoàn tâm;

Nguyện tứ vấn nhi tự tiến hề, đắc thượng quân chi ngọc âm.

“Phủ trụ my dĩ thung dung hề, lãm Khúc Đài chi ương ương;

Bạch hạc khiếu dĩ ai hiệu hề, cô thư trĩ ư khô dương.

Nhật hoàng hôn nhi vọng tuyệt hề, trướng độc thác ư không đường;

Huyền minh nguyệt dĩ tự chiếu hề, tồ thanh dạ ư động phòng.

Viện nhã cầm dĩ biến điệu hề, tấu sầu tứ chi bất khả trường;

Án lưu chuỷ dĩ khước chuyển hề, thanh ấu diểu nhi phục dương.

Quán lịch lãm kỳ trung tháo hề, ý khảng khái nhi tự ngang;

Tả hữu bi nhi thuỳ lệ hề, thế lưu ly nhi tòng hoành.

Thư tức ấp nhi tăng hy hề, sỉ lý khởi nhi bàng hoàng;

Du trường duệ dĩ tự ế hề, sổ tích nhật chi khiên ương.

Vô diện mục chi khả hiển hề, toại đồi tứ nhi tựu sàng;

Đoàn phân nhược dĩ vi chẩm hề, tịch thuyên lan nhi thần hương”.

Hốt tẩm mị nhi mộng tưởng hề, phách nhược quân chi tại bàng;

Dịch ngụ giác nhi vô kiến hề, hồn vương vương nhược hữu vong.

Chúng kê minh nhi sầu dư hề, khởi thị nguyệt chi tinh quang;

Quan chúng tinh chi hàng liệt hề, Tất, Mão xuất ư đông phương.

Vọng trung đình chi ái ái hề, nhược quý thu chi giáng sương;

Dạ mạn mạn kỳ nhược tuế hề, hoài uất uất kỳ bất khả tái canh.

Đạm yển kiển nhi đãi thự hề, hoang đình đình nhi phục minh;

Thiếp nhân thiết tự bi hề, cứu niên tuế nhi bất cảm vong”.

Tạm Dịch:

“Có một nàng giai nhân, đi đi lại lại mãi;

Hồn vảng vất không về, hình hài đã héo khô.

Đại vương từng hẹn ước, sớm tối về có nhau;

Giờ ở bên người khác, Ngài quên thiếp rồi ư.

Trong mê bao tội lỗi, nhưng thiếp vẫn như xưa;

Một lòng hướng về Ngài, mãi sẽ không đổi thay.

Mong một lần gặp lại, được nghe lời quân vương;

“Nâng then cửa bước dạo, điện Khúc Đài mênh mông.

Hạc trắng kêu ai oán, chờ đợi chim trống về;

Hoàng hôn không thể ngóng, nơi phòng trống một mình.

Ánh trăng sáng rọi chiếu, đêm dài chốn thâm cung;

Gảy khúc đàn thanh nhã, nhưng cũng chăng được lâu.

Khúc đàn chuyển ai oán, nhẹ nhàng rồi trào dâng;

Nàng hầu cũng rơi lệ, nước mắt chảy dọc ngang.

Nén lòng càng nghẹn hơn, đành xỏ giày đứng dậy;

Tay áo che mặt khóc, hối tiếc lỗi lầm xưa.

Mặt mũi nào gặp lại, tủi thẹn trở lại giường;

Lấy nhược thơm làm gối, cỏ lan làm đệm giường”.

 

“Vừa chợp mắt lại mộng, hồn phách tựa bên người;

Tỉnh dậy nhìn không thấy, nỗi hụt hẫng trào dâng.

Gà gáy càng sầu bi, trở dậy nhìn trăng sáng;

Ngắm nhìn các vì sao, phía Đông sao Tất Mão.

Bên dưới sân ảm đạm, tựa giáng tiết mùa thu;

Đêm dài cứ đằng đẵng, nỗi nhớ lại vọng về.

Đi đứng chờ trời sáng, rồi cũng chuyển bình minh;

Thần thiếp tự sầu tủi, nhớ người mãi không nguôi”.

Hán Vũ Đế sau khi đọc xong bài thơ này đã vô cùng xúc động. Và sau đó Hoàng hậu Trần A Kiều lại tiếp tục được sủng ái như xưa.

Nhuận bút được chính thức hóa trong cuộc sống

Trong giai đoạn đầu thời nhà Minh, nhuận bút là điều còn rất xa lạ, nhưng đến giữa và cuối đời nhà Minh thì nhuận bút đã dần dần trở thành một hiện tượng phổ biến. Lúc này những tác phẩm văn học đã được thương phẩm hóa, chính điều này đã tạo ra tác dụng hỗ trợ rất lớn trong sự phát triển của văn học sau này.

Từ giai đoạn giữa thời nhà Minh trở đi đã rộ lên phong trào sưu tầm các tác phẩm văn học của các tác giả nổi tiếng như Tượng Nghiêm Tung, Hải Thụy, Trương Cư Chính, Uông Đạo Côn, Vương Thế Trịnh, v.v… Trong đó có một bộ phận các tác giả đã theo nghề viết văn, thơ để kiếm sống, số tiền thu về cũng không phải là nhỏ.

Ví như Hải Thụy, ông chỉ ở nhà nhận viết bài theo yêu cầu rồi nhận tiền thù lao, lễ vật. Ông thường được đặt hàng viết những bài văn phát biểu của quan viên, bài văn công tụng đức, mừng thọ, cũng như những bài viết với nội dung báo ơn, v.v…

Một ví dụ khác là Trịnh Bản Kiều sống trong giai đoạn cuối thời Minh đã viết diệu văn “giá nhuận bút của Bản Kiều”, công khai ghi giá nhuận bút những tác phẩm của mình. Ông tự đặt ra tiêu chuẩn về giá nhuận bút, từ chối không nhận lễ vật. Ông có câu nói rất hay là: “Họa trúc đa vu mãi trúc tiễn”, ý rằng là tiền để vẽ bức họa trúc còn đắt hơn tiền mua trúc.

Trịnh Bản Kiều viết “giá nhuận bút của Bản Kiều” vào giai đoạn giữa thời kỳ vua Càn Long, trong có có những quy đinh như, mỗi 500 chữ giá 2 lượng bạc, một đấu gạo trị giá của 60 văn tự v.v… Và từ đó về sau ông áp dụng những quy định này để định giá cho tất các bài viết của mình.

Lê Hiếu, theo secretchina.com