Trong hàng nghìn năm, người Trung Hoa xem Hoàng Đế là mẫu hình trong tất cả các hoàng đế vĩ đại.
Hoàng Đế là hậu duệ của bộ tộc Thiểu Điển, có họ là Công Tôn, tên hiệu Hiên Viên. Mẹ của ông nằm mơ thấy sao Bắc Đẩu rớt vào mình mà thụ thai sinh ra ông. Thuở nhỏ, ông rất thông minh, khí chất khác thường, khi còn bọc trong tã đã biết nói. Đến lúc trưởng thành, ông rất siêng năng và hiểu biết sáng suốt, thường khuyên người dân làm điều tốt và tu ngũ đức. Hiên Viên được bầu làm tù trưởng bộ lạc.
Thời kỳ hậu Viêm Đế, các đời sau của Thần Nông trở nên suy yếu, quân chư hầu chinh phạt lẫn nhau gây cảnh tang thương chết chóc. Hiên Viên đã học theo kế sách của Viêm Đế, tu nhân tích đức, nghiên cứu cách biến hóa của thời tiết bốn mùa. Ông truyền dạy cách trồng ngũ cốc, làm yên lòng dân, đi chu du các lãnh địa và chuẩn bị quân đội.
Hoàng Đế dạy người dân kính trọng Trời đất và Thần thánh. Ông cũng tuân theo quy luật của vũ trụ, hiểu biết nguyên lý Âm Dương, từ đó giải thích bản chất của sinh tử và các đạo lý tồn vong của quốc gia. Ông thiết lập lịch Trung Hoa, dạy người dân thuần hóa thú vật, trị thủy, khai hoang và trồng ngũ cốc. Trong tất cả các kế hoạch của mình, Hoàng Đế luôn cân nhắc đến lợi ích của người dân.
Có truyền thuyết kể rằng, trong khi cai trị đất nước, Hoàng Đế cũng thực hành thuật giả kim và thiền định. Vào năm 2598 TCN, Hoàng Đế cho đúc một chiếc kiềng ba chân tại chân Núi Cầu. Ngay sau khi chiếc kiềng được đúc xong thì Thiên thượng mở ra và Rồng Vàng bay xuống để đón ông. Lúc đó, Hoàng Đế cưỡi trên lưng Rồng Vàng, cùng với hơn bảy mươi quan viên, bay lên Trời giữa ban ngày. Với sự biết ơn sâu sắc, người dân đã chôn cất long bào của Hoàng Đế tại Núi Cầu, nay là tượng đài Hoàng Đế tại huyện Hoàng Lăng, tỉnh Thiểm Tây.
Theo Chánh Kiến