Hóa thạch người Homo naledi có niên đại đến 335.000 năm được tìm thấy ở Nam Phi, cùng các hành vi sử dụng công cụ phức tạp, chôn cất người chết đã làm đảo lộn kiến thức về thuyết tiến hóa, và đặt thêm câu hỏi về việc rốt cuộc chúng ta từ đâu đến?
Hệ thống hang động Rising Star ở Nam Phi lại hé lộ thêm những khám phá quan trọng, chỉ 1 năm rưỡi sau khi nó được công bố là khu vực được khám phá có nhiều hóa thạch người Hominin nhất châu Phi. Và trong đó, có một loài Hominin mới tên là Homo naledi.
Các nhà khảo cổ đã khám phá ra hóa thạch của ít nhất ba người não nhỏ Homo naledi trong hệ thống hang động này. Độ tuổi của hóa thạch được cho là rất trẻ, đây có thể là bằng chứng đầu tiên dẫn tới kết luận loài Homo naledi nguyên thủy tồn tại cùng thời điểm với người hiện đại, theo New Scientist.
Sử dụng kỹ thuật giám định niên đại, nhóm nghiên cứu phát hiện người Homo nadeli đã sống ở châu Phi khoảng 236.000 tới 335.000 năm trước. Điều này cho thấy những người Hominin não nhỏ này dường như sống cùng thời với người hiện đại (Homo sapiens). Vì hóa thạch cổ nhất của người hiện đại được tìm thấy có tuổi thọ khoảng 200.000 năm. Đây là lần đầu tiên một trong những loài người cổ đại được tìm thấy có liên hệ với người hiện đại ở châu Phi.
Một nghiên cứu công bố trên tạp chí eLife cho biết các hóa thạch này thuộc về một đứa trẻ và một phần bộ xương của một phụ nữ với hộp sọ được bảo quản đặc biệt tốt.
Mặt khác, nhóm nghiên cứu đứng đầu bởi Giáo sư Lee Berger thuộc Viện Nghiên cứu Tiến hóa của Đại học Wits ở Johannesburg, Nam Phi đã phát hiện thêm căn phòng thứ hai chứa các hóa thạch là một trong những bộ xương hoàn chỉnh nhất của người Homo naledi từng được phát hiện, bên cạnh các bộ hài cốt không hoàn chỉnh của ít nhất một đứa trẻ và một người lớn khác.
Đáng ngạc nhiên là thời kỳ sinh sống của người naledi có niên đại khá trẻ. Nếu chiếu theo thuyết tiến hóa thì khó mà lý giải khi các hóa thạch có những đặc điểm thô sơ giống với 1 số hóa thạch cổ xưa của người Homo rudolfensis và Homo habilis, những loài từng sống gần 2 triệu năm trước. Tuy nhiên, họ cũng có một số đặc điểm giống với con người hiện đại.
Sau khi những mô tả về loài người mới này được công bố năm 2015, các chuyên gia đã dự đoán các hóa thạch này ở độ tuổi khoảng cùng với các loài người nguyên thủy khác sống cách đây 2 triệu năm. Tuy nhiên, những hóa thạch từ Phòng Chamber lại có độ tuổi chỉ hơn 1/10 con số đó (hơn 200.000 năm).
Ở độ tuổi trẻ như vậy, họ sinh sống trong giai đoạn cuối Thế Canh Tân Giữa (Middle Pleistocen) của Trái Đất cách đây khoảng 400.000 năm, trước đây người ta cho rằng chỉ có Homo sapiens (người hiện đại) mới tồn tại vào giai đoạn này ở Châu Phi.
Hơn nữa, chính lúc này chúng ta thấy sự nổi lên của cái gọi là “hành vi con người hiện đại” ở Nam Phi, hành vi được cho là đại diện nguồn gốc các hoạt động phức tạp của con người hiện đại như: Chôn cất người chết, tự trang điểm, và sử dụng các công cụ phức tạp,…
Ảnh hưởng mạnh mẽ của hóa thạch Homo naledi
Trong một bài báo, nhóm nghiên cứu đã thảo luận về tầm quan trọng của việc tìm thấy một loài nguyên thuỷ ở thời điểm và vị trí như vậy. Họ cho rằng khám phá này sẽ có tác động đáng kể đến cách giải thích của chúng ta về các quần thể khảo cổ. Berger cho biết:
“Chúng ta không còn có thể cho rằng mình biết hết loài nào làm ra công cụ nào, hoặc thậm chí giả định rằng con người hiện đại là những nhà sáng tạo của một số đột phá về công nghệ trong hồ sơ khảo cổ học châu Phi. Nếu có một loài nào đó từng chia sẻ thế giới với người hiện đại (cách đây 200.000 năm) ở Châu Phi, rất có thể sẽ còn có những loài khác. Chúng ta chỉ cần tìm họ”.
John Hawks thuộc Đại học Wisconsin Madison và Đại học Wits, tác giả của bài báo cho biết:
“Theo tôi, một số nhà khoa học cho rằng họ biết sự tiến hóa của con người đã xảy ra như thế nào, nhưng những phát hiện hóa thạch mới này, cộng với những gì chúng ta biết từ di truyền học, cho thấy rằng nửa phía Nam châu Phi là nơi từng có sự sống đa dạng mà chúng ta chưa bao giờ thấy ở nơi khác”.
Berger cho biết thêm: “Gần đây, hồ sơ về hóa thạch Hominin có đầy những bất ngờ, và tôi nghĩ tuổi của người Homo naledi sẽ không phải là sự ngạc nhiên cuối cùng”.
Nghiên cứu cấu trúc bàn tay người Homo naledi cũng cho thấy họ có thể chế tạo công cụ. Việc giám định niên đại đặt nghi vấn về khả năng chế tạo công cụ của người Homo sapiens, có thể sẽ viết lại lịch sử nguồn gốc loài người. Giám định hóa thạch mới này đặt giả thuyết về quá trình trao đổi công cụ và hoạt động văn hóa giữa Homo naledi và Homo sapiens.
Nhóm khảo cổ còn phát hiện hóa thạch mới chứng tỏ Homo naledi biết chôn cất người chết. Đây là hành vi đáng ngạc nhiên, cho thấy loài này có thể sở hữu trí thông minh. Điều thú vị là người Homo naledi chỉ có kích thước bộ não bằng 1/3 con người.
TinhHoa tổng hợp