Tinh Hoa

Hóa thạch cổ đại “3 trong 1” độc nhất vô nhị được phát hiện tại Đức

Các nhà khảo cổ sinh vật học đã khai quật được một hóa thạch vô cùng đặc biệt: một con côn trùng nhỏ nằm bên trong thằn lằn, và con thằn lằn này lại nằm trong bụng một con rắn. Đây chính là một chuỗi dinh dưỡng rất hiếm gặp từ trước đến nay.

Mẫu hóa thạch được bảo quản gần như nguyên vẹn tại khu vực Hố Messel. (Ảnh: Daily Mail)

Hóa thạch đặc biệt này, được phát hiện ở phía Tây Nam một mỏ đá bỏ hoang của Đức có tên Messel Pit (Hố Messel), hóa thạch này là 1 trong 2 hóa thạch vô cùng hiếm được tìm thấy, lưu giữ tới 3 động vật thời tiền sử chỉ trong một hiện vật.

Hóa thạch này gần như lưu giữ nguyên vẹn dấu vết về một cuộc chiến sinh tồn, cũng là một chuỗi thức ăn thời tiền sử, được xác định có niên đại khoảng 48 triệu năm về trước.

Mẫu vật này bao gồm một con bọ cánh cứng nằm bên trong một con thằn lằn, và con thằn lằn nằm trong con rắn. Theo các chuyên gia, con thằn lằn có vẻ đã ăn con bọ cánh cứng 2 ngày trước khi bị con rắn nuốt chửng.

Điều ấn tượng là hóa thạch này tồn tại trong một trạng thái được bảo quản tốt và mỗi sinh vật tiêu thụ đều có thể nhận biết rõ ràng.

“Đây có thể là loại hóa thạch cuối cùng mà tôi có thể tìm thấy trong suốt cuộc đời nghiên cứu của mình và có lẽ sẽ không có cơ may bắt gặp lần nữa, nó thật sự rất hiếm thấy”. Nhà khảo cổ sinh vật học Krister Smith từ viện Senckenberg (Đức) cho biết.

Con rắn được biết đến là một nhánh của loài Palaeopython fischeri, một loại rắn đã tuyệt chủng từng được tìm thấy ở Đức ngày nay. Đó là một loài rắn sống trên cây có quan hệ với loài trăn Nam Mỹ. Chiều dài của nó có thể lên đến 2m, thường sống trên mặt đất hoặc ở vùng nước nông gần bờ sông. Tuy nhiên, cá thể trong hóa thạch này chỉ có chiều dài 1,03m, chứng tỏ nó là con rắn chưa trưởng thành.

Hình ảnh rõ ràng của 3 con vật trong cùng một mẫu hóa thạch. (Ảnh: Daily Mail)

Con thằn lằn này thuộc loài Geiseltaliellus maarius. Đây là một loài thằn lằn đã tuyệt chủng, cùng loài với loài thằn lằn Iguanian được tìm thấy ở Đức, Bỉ và Pháp. Một số hóa thạch được bảo tồn tốt tại Hố Messel của Đức. Những con thằn lằn này có đôi chi sau dài, chi trước ngắn và đuôi dài.

Đuôi được thích nghi để chạy trên mặt đất leo trên cây. Các ngón chân dài của chúng, cho thấy loài này đã dành phần lớn thời gian của nó trên cây. Có khả năng môi trường nguyên thủy của Hố Messel từng là một khu rừng dày đặc.

Sinh thái học là môn khoa học xác định môi trường thời cổ đại, sử dụng các bằng chứng tìm thấy trong các hóa thạch, tái tạo lại các hệ sinh thái mà những sinh vật này đã sống. Những dấu vết được để lại trong các mẫu hóa thạch, như hạt giống, vỏ, răng và phấn hoa, giúp các nhà khoa học suy diễn các đặc tính của môi trường.

Do đó, một mỏ hóa thạch giống như Hố Messel ở Đức sẽ cung cấp những đầu mối có giá trị không chỉ đối với các sinh vật, mà còn đối với cuộc sống của cây trồng.

Năm 2008, nhà nghiên cứu người Úc cũng phát hiện một mẫu hóa thạch hiếm tương tự 250 triệu năm tuổi. Mẫu hóa thạch này lưu giữ một con cá nhám ăn một sinh vật lưỡng cư, trong bụng sinh vật lưỡng cư này là một con cá nhỏ khác.

Cũng tại địa điểm này, các nhà khảo cổ đã phát hiện những quả nho và lá cây trong hóa thạch một con ngựa thời tiền sử; hạt ngũ cốc được tìm thấy bên trong hóa thạch chim và côn trùng được tìm thấy trong hóa thạch phân cá, là những minh chứng cho khả năng bảo quản tuyệt vời của khu vực.

Những bằng chứng khảo cổ này cũng cung cấp cho các nhà nghiên cứu cái nhìn rõ hơn về chuỗi thức ăn phức tạp thời cổ đại.

Theo Thevintagenews