Tinh Hoa

Hình tượng con gà trong văn hóa truyền thống (P1): Văn, Võ, Dũng, Nhân, Tín

Chú gà với dáng vẻ oai phong đĩnh đạc được người xưa coi là biểu tượng của may mắn, là “ngũ đức chi cầm” (Loài chim mang 5 đức tính Văn, Võ, Dũng, Nhân, Tín) rất đúng giờ và biết giữ chữ tín.

(Ảnh: Internet)

Năm 2017 Âm lịch là năm Đinh Dậu, cũng là năm con gà trong 12 con giáp. Vì Gà (phiên âm là Ji) đọc na ná như Cát (phiên âm là jie), chú gà với dáng vẻ oai phong đĩnh đạc được người xưa coi là biểu tượng của may mắn, là “ngũ đức chi cầm” (Loài chim mang 5 đức tính Văn, Võ, Dũng, Nhân, Tín) rất đúng giờ và biết giữ chữ tín. Gà trống gáy gọi Mặt trời lên, ánh sáng tới, đuổi tà và mời gọi may mắn, do đó ngày mùng 1 tháng Giêng còn được gọi với một cái tên mỹ miều là ngày con gà.

Quách Phác thời Tấn có đoạn viết trong “Huyền Trung Ký” tạm dịch rằng: Phía Đông Nam có ngọn núi Đào Đô, trên núi có một cây đại thụ gọi là Đào Đô, cành cây sải dài 3.000 dặm, trên cây có một con gà trời. Hàng ngày mỗi khi Mặt trời mọc, khi tia sáng đầu tiên chiếu trên cây, chú gà trời lại cất tiếng gáy, nó vừa gáy thì gà khắp thiên hạ đều cất tiếng gáy theo.

Ngoài ra trong “Sơn Hải Kinh” cũng viết về câu chuyện chú gà vàng (Kim Kê) gáy gọi mặt trời mọc chiếu rọi những bông hoa dâm bụt.

1. Những điển cố liên quan tới gà

(Ảnh:Internet)

Về đức tính của gà, một điển cố thời Hán “Thơ Hàn ngoại truyện” đã viết rằng:

“Đầu đái quan giả, Văn dã;
Túc bác cự giả, Vũ dã;
Địch tại tiền cảm đấu giả, Dũng dã;
Kiến thực tương hu giả, Nhân dã;
Thủ dạ bất thất thời, Tín dã”.

Tức là: Trên đầu gà có mào, cổ nhân rất coi trọng điều này vì mào tượng trưng cho lễ nghi, cổ nhân coi áo mũ đường hoàng là Lễ, đây là đức Văn. Sau chân gà có cựa, đi lại đầu ngẩng cao, ngực ưỡn thẳng, trông cường tráng, uy vũ, đây là đức Võ; Gà còn bảo vệ con bằng mọi cách, không sợ cường địch, đây là đức Dũng; Gà có đồ ăn thì gọi đồng loại, đây là đức Nhân; Gà trực đêm không bỏ giờ, chuyên gáy báo sáng, đây là đức Tín.

Năm đức tính “Văn, Võ, Dũng, Nhân, Tín” của gà đã khắc họa diện mạo và tính cách của gà một cách sinh động, thể hiện được sự truy cầu đạo đức của con người, nên gà còn được mệnh danh là “Loài chim có nhiều đức tính”, có câu thơ ca ngợi rằng:

“Luôn để tâm tới đầu mỗi canh giờ;
Âm thầm mang theo ngũ đức.
Trông ngóng chờ đợi khi trời sáng;
Phương Đông có ánh sáng tinh khôi”.

Gà có rất nhiều những tên gọi thanh cao như “Ngọn nến trong đêm”, “Quan canh giờ”, “Chim biết giờ”. Gà trống trông coi giờ, cổ nhân làm việc khi mặt trời lên, nghỉ ngơi khi mặt trời lặn, một năm 365 ngày, dù cho nắng oi giá buốt hay nắng mưa gió tuyết, mỗi buổi sớm gà trống đều gáy đúng giờ, không hề lười biếng, sai giờ, gọi mọi người thức giấc, mọi người mới bắt đầu một ngày mới làm việc, học tập và sinh hoạt.

Như văn nhân thời xưa gọi thư phòng là “Kê song”, “Kê song dạ tĩnh khai thư quyển” (Bên khung cửa sổ giữa đêm thanh vắng lần giở cuốn sách) của La Ẩn thời Đường được Phạm Thành Đại thời Tống viết thành: “Kê song dạ khả tụng” (Bên khung cửa sổ đêm khuya đọc thành lời) đã miêu tả được cảnh đêm khuya yên ắng, thi nhân nghe tiếng gà gáy mà trở dậy đọc sách.

“Văn kê khởi vũ” (Nghe gà gáy dậy luyện võ) đây là điển cố Lệ Chí nổi tiếng trong “Tổ Thích truyện – Tần Thư”: Tổ Thích và Lưu Côn thời Tấn khi còn trẻ đã ôm chí lớn, đối diện với quân Hung Nô xâm lược, bách tính phải ly tan, hai người ôm chí báo hiếu nước nhà, khôi phục Trung Nguyên, thường cùng nhau đàm luận tới nửa đêm canh thâu.

Một buổi sớm tinh mơ, cả một vùng đất rộng lớn đang yên ắng, đột nhiên một tràng gáy rộn ràng của những chú gà đã khiến Tổ Thích giật mình tỉnh giấc, ông vội vàng gọi Lưu Côn nẳm bên cạnh mà rằng: “Anh nghe xem, gà trống đang giục chúng ta thức giấc”. Lúc này, cả bầu trời vẫn đầy sao, bốn bề yên ắng, chỉ có những làn gió nhẹ thổi man mát, hai người vung thanh kiếm dài, hàng ngày vào lúc rạng sáng hai người đã khổ luyện võ nghệ, sau này đều trở thành danh tướng văn võ song toàn thời Tấn. Tinh thần thiếu niên lập chí, chăm học khổ luyện của họ đều tràn đầy trong từ “Văn kê khởi vũ” này.

2. Ý nghĩa tượng trưng của chú gà

(Ảnh: Internet)

Mọi người đã diễn giải và liên tưởng tới ý nghĩa tượng trưng của gà từ những đặc điểm của nó, gà không chỉ là loài chim có nhiều đức tính mà còn là loài chim may mắn. Trong trái tim của mọi người đức tính cao đẹp canh giờ tới bình minh của gà trống đã là biểu tượng cho sự thành thực không giả dối, cần mẫn và giữ chữ Tín; còn là biểu tượng cho một ngày mới tới, hy vọng mới, tất cả đều có một sự khởi đầu mới; và biểu tượng cho sự hoàn thiện không ngừng, kiên trì không mệt mỏi, là biểu tượng về nghị lực và dũng khí.

Gà trống gáy sáng, hàm ý rằng đêm dài đã qua đi, Mặt trời bừng sáng mọc lên từ phương Đông, ánh sáng tràn tới, là biểu tượng cho trời sáng và may mắn. Gà còn được gọi là chim Mặt trời, nói rằng nó có phong thái cương cường, có thể hàng yêu, diệt quái, trừ tà, vì khi gà báo sáng, thì ma qủy đang tác quái trong đêm đen không con nào nghe tiếng lại không khiếp sợ, trốn chạy tứ phía.

Gà cũng trở thành biểu tượng trừ tà trấn yêu trong tranh. “Kinh Sở tuế thời ký” của Lương Tông Lẫm triều Nam có chép rằng:

“Mùng 1 tháng Giêng…
Dán tranh gà trên cửa,
Treo dây sậy ở trên,
Cắm gỗ đào (trên có ghi tên Thần linh) hai bên,
Bách quỷ đều sợ”. 

Cho nên năm mới mọi người không chỉ dán tranh gà trống trên cửa để xua đuổi tà ác cầu bình an, mà còn gọi ngày đầu tiên của năm là ngày con gà.

Trong “Đáp hỏi lễ tục” của Đổng Huân thời Tấn viết rằng:

“Mùng 1 tháng Giêng là ngày con gà,
Mùng 1 dán tranh con gà lên cánh cửa”.

Vì thế, dân gian thường dùng giấy cắt, tranh vẽ, những sản phẩm mỹ nghệ có hình chú gà để cầu phúc trừ tà.

Câu chuyện Tôn Ngộ Không thỉnh mời Mão Nhật Tinh Quân trợ chiến trừ yêu trong “Tây Du Ký” đã được lưu truyền rộng rãi: Thầy trò Đường Tăng trên đường thỉnh kinh đi qua nước Tây Lương, con rết thành tinh trong động Tỳ Bà tại núi Độc Địch đã cướp mất Đường Tăng, ba đồ đệ đều bại trận dưới tay nó.

Tôn Ngộ Không lên trời tới cung Quang Minh thỉnh cầu Mão Nhật Tinh Quân trợ chiến hàng yêu, nhìn thấy tinh quân khắp mình một bộ tơ vàng óng, tỏa ra ánh sáng lấp lánh:

Vương miện như ánh vàng kim chói sáng núi Ngũ Nhạc,
Thẻ quan màu ngọc bích tỏa khắp sơn hà.
Áo mắc thất tinh mây cuồn cuộn,
Quanh eo vòng bảo Bát Cực sáng rực.
Ngọc leng keng như gieo vần,
Ào ào tiếng gió như chuông rung.
Lông vũ xanh biếc sải rộng tới sao Mão Tú,
Hương trời ngào ngạt khắp cổng đình”.

Tướng mạo vốn có của Mão Nhật Tinh Quân là một chú gà trống lớn cao 6, 7 thước, thần vị là “Tư thần đề hiểu” (cai quản thời gian và báo sáng), ngài lập tức hạ phàm cùng Tôn Ngộ Không hàng yêu.

Đợi Tôn Ngộ Không dẫn dụ con rết thành tinh ra khỏi động đánh nhau thì Tinh Quân biến thành một chú gà, cất tiếng gọi con rết thành tinh, yêu tinh lập tức hiện nguyên hình, lại gọi một tiếng nữa con rết thành tinh lập tức chết ngay trước mặt, sau đó Ngài trừ hết đám yêu ma cứu Đường Tăng ra ngoài.

Có câu thơ ca ngợi Mão Nhật Tinh Quân rằng:

“Mào hoa cổ gấm như tơ sắc,
Vuốt cứng cựa dài mắt giận dữ.
Lẫm liệt oai phong ngũ đức đầy,
Sừng sững tráng khí cất ba tiếng gáy.
Nào phải chim phàm hót trên nhà cỏ,
Vốn là thiên tinh hiển thánh danh”.

(Còn tiếp)

Theo Minhhue.net