Người xưa có câu “Bách thiện hiếu vi tiên” (trong trăm điều thiện thì hiếu là trên hết), lòng hiếu thuận của con người có thể làm cảm động Trời cao, từ đó mà xuất hiện Thần tích.
Trong cuốn “Dạ đàm tùy lục” của tác giả Hòa Bang Ngạch viết vào đời nhà Thanh, có kể câu chuyện về một người con gái chí hiếu, lòng hiếu thuận của cô đã cảm động đến Thần Phật, nhờ vậy mà kéo dài thọ mệnh cho cha của mình.
Gần kinh thành có một khu phố, dân nơi ấy đều sống bằng nghề bán hoa. Có một cô gái sống cùng cha già, cũng sinh nhai bằng nghề ấy. Năm nọ cha cô bị hen suyễn nặng, nằm trên giường không ngồi dậy nổi, thuốc men cũng không thuyên giảm. Cô gái vô cùng buồn khổ, lo lắng đến nỗi mất ăn mất ngủ, nhưng ngoài mặt vẫn phải mỉm cười để an ủi động viên cha.
Một ngày nọ cô thấy rất đông hàng xóm tụ tập lại dường như chuẩn bị đi đâu đó, hỏi một bà cụ thì được cho biết rằng: “Mọi người đang chuẩn bị lên núi bái tế Thần linh.”
Cô gái hỏi: “Miếu Thần ở cách đây bao xa?”
Bà cụ đáp: “Khoảng một trăm dặm.”
Cô gái hỏi tiếp: “Một dặm dài bao nhiêu?”
Bà cụ đáp: “Ba trăm sáu mươi bước chân.”
Cô gái thầm ghi nhớ, đêm hôm ấy chờ cha già ngủ rồi, cô mới đi ra sân, tay cầm một nén hương, nhẩm tính đường tới miếu Thần, vừa đi quanh sân nhà vừa bái lạy. Cô thầm khấn trong lòng: “Con là phận nữ nhi yếu đuối, trong nhà lại không có một ai, không thể bỏ lại cha già mà lặn lội hàng trăm dặm để hành hương được, nay chỉ có thể đi quanh sân nhà nhất bộ nhất bái, bao giờ đủ số bước chân từ nhà đến Thần miếu thì mới dừng lại. Kính mong Thần Phật từ bi phù hộ cho cha con khỏe mạnh trường thọ. Con xin nguyện từ nay sẽ thêu hình Phật, trường chay, trọn đời kính Phật.”
Đêm nào cô cũng nhất bộ nhất bái đủ số bước chân như vậy, mãi đến hơn nửa tháng, quả nhiên bệnh của người cha đã thuyên giảm.
Lại nói miếu thờ Thần trên núi vô cùng linh ứng, hàng năm cứ đến tháng tư, từ thái hậu quý phi, vương tôn đại thần, cho đến bình dân bách tính, đều dẫn nhau lên núi hành hương, ngựa xe như nước. Từ lúc gà gáy canh năm người ta đã bắt đầu vào miếu bái Thần, gọi là “dâng nén hương đầu”. Nén hương đầu này nhất định phải do sứ giả trong cung thay mặt hoàng thái hậu đến dâng mới được, chứ thường dân không ai dám dâng trước.
Một buổi sáng, Ngụy tổng quản trong cung thay mặt thái hậu đi thắp nén hương đầu, khi vào miếu thì thấy đã có một nén hương khác cắm sẵn ở đó tự bao giờ. Ngụy tổng quản không vui, bèn gọi những người giữ miếu đến trách: “Nén hương đầu này bao giờ cũng phải là của lão Phật gia (thái hậu), sao các ngươi dám để kẻ khác thắp hương trước?”
Những người giữ miếu vừa kinh ngạc vừa sợ hãi, một người đứng ra nói: “Chúng tôi nào dám làm chuyện như vậy, trước khi ngài đến đây cửa miếu vẫn còn khóa chặt, vì sao lại có trước một nén hương thật tình chúng tôi cũng không biết.”
Ngụy thái giám nhìn lại thấy nén hương chỉ vừa mới cắm, bên dưới cũng chưa có tro hương, mà vừa nãy quả thật khi ông đến thì cửa miếu vẫn còn khóa chặt, nếu có người tiến vào thắp hương thì không lý nào có thể hành động nhanh như vậy, thật là lạ lùng! Ông bèn nói: “Thôi được rồi, để ngày mai ta đến sớm hơn, chuyện hôm nay không truy cứu nữa.”
Đêm hôm đó những người giữ miếu thay phiên nhau canh giữ, mãi khi gần sáng vẫn không có gì khác lạ. Đến canh tư thì Ngụy tổng quản đến, vừa bước vào miếu đã thấy có một thiếu nữ đang bái lạy trước tượng Thần, ông vừa định gọi thì không thấy cô đâu nữa, mọi người đều kinh hãi cho rằng là ma. Nhưng Ngụy tổng quản lại nghĩ: “Ma nào mà dám lộng hành trước mặt Thần Phật, hẳn là có duyên cớ gì đó.”
Sáng hôm ấy Ngụy tổng quản cho tụ tập hết khách hành hương đến, thấy không ai có diện mạo giống thiếu nữ, bèn miêu tả lại diện mạo và cách ăn mặc của cô và hỏi mọi người có ai biết không. Lúc này bà lão trong đoàn khách hành hương mới tiến ra nói: “Như lời ngài tả thì không khác chút nào đứa cháu gái hàng xóm của tôi, cả phục sức cũng y hệt như nó.”
Ngụy tổng quản hỏi: “Cô gái đó là người thế nào?”
Bà lão đáp: “Là người con gái rất hiếu thuận.”
Ngụy tổng quản như vỡ lẽ: “Vậy thì ta hiểu rồi.”
Ông bèn hỏi rõ nơi ở của cô gái, rồi đích thân tìm đến, quả nhiên chính là thiếu nữ mà mình nhìn thấy trong miếu. Khi ông đến hỏi han, cô gái tình thực mà đáp: “Tôi tuy chưa tới miếu Thần, nhưng khi bái lạy quả thật có cảm giác như mình đang ở trong miếu, bệnh tình của cha già cũng đã khỏi rồi.”
Ngụy tổng quản rất cảm phục, nói: “Tấm lòng có thể cảm động cả Thần linh, thật là hiếu thảo tột bậc!”
Ông bèn nhận cô gái làm nghĩa nữ, xem như con ruột mà đối đãi. Người cha của cô sống hơn ba mươi năm nữa, hưởng cuộc sống sung túc, sau này ngoài trăm tuổi mới qua đời.
Cô gái trong câu chuyện trên một lòng hiếu thuận, đoan chính lương thiện, đối với Thần linh nhất tâm thành kính, kiên định vững vàng, không hề có chút tư tâm, nên mới có thể khiến bệnh tình của cha già chuyển nguy thành an, kéo dài thọ mệnh.
Con người ngày nay phần nhiều lòng đầy ích kỷ, việc xấu nào cũng làm, chỉ nhìn tiền bạc chứ không nhìn thân nhân, vì danh lợi mà tranh đấu tạo nghiệp, khi có nạn có bệnh mới đến bên Thần Phật cầu khẩn, liệu có tác dụng gì không?
Người ta còn dùng vật chất kim tiền mà đánh giá Thần Phật, cho rằng hễ dâng lên mâm cao cỗ đầy, xây chùa tạc tượng, thì Thần Phật sẽ bảo hộ mình tai qua nạn khỏi, điều đó có khác nào cho rằng Thần Phật cũng “đi cửa sau” như tham quan ô lại nơi thế gian, đó không phải là tôn kính Thần Phật, mà chính là báng bổ Thần Phật. Thần Phật sao có thể bảo hộ những người như vậy được?
Con người chỉ có quay về truyền thống, gìn giữ phẩm hạnh, trọng đức hành thiện, khiến bản thân trở thành người tốt, thì lời cầu nguyện của họ mới có thể cảm ứng tới Trời cao, bình an vượt qua đại kiếp nạn.
Thế Di